Quanh vụ Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh bị kỷ luật Đảng: Lùm xùm một vụ từ chức

TP - Đại hội toàn quốc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đáng ra tổ chức tháng 12/2019 nhưng bị hoãn, đến lúc này vẫn chưa diễn ra (Điều lệ Hội quy định Đại hội không được lui quá một năm). Ngoài hoàn cảnh COVID-19, nguyên nhân chính là có những đơn thư đề nghị làm rõ sai phạm của Chủ tịch Hội Vũ Quốc Khánh - người vừa chịu mức kỷ luật Cảnh cáo trong Đảng.
Ông Vũ Quốc Khánh tại Triển lãm Nhiếp ảnh Nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới Ảnh: VAPA

Sau đó ông Vũ Quốc Khánh xin thôi ứng cử Ban Chấp hành (BCH) nhiệm kỳ tới, song vẫn giữ chức Chủ tịch. Để làm rõ về án kỷ luật chưa có tiền lệ không chỉ của Hội Nhiếp ảnh mà toàn bộ các hội văn học nghệ thuật (VHNT), Tiền Phong gặp gỡ một số hội viên hiểu nội tình.

“KHÔNG ĐÁNH KẺ CHẠY LẠI”?
Phạm Công Thắng là hội viên đầu tiên đưa đơn về các sai phạm của ông Khánh, nhưng nguyên đơn kế tiếp - nguyên Phó Chủ tịch Bùi Hỏa Tiễn lại “tố” là mình trực tiếp bị o ép đến mức phải từ chức giữa nhiệm kỳ. Đây cũng là sự việc hi hữu trong lịch sử các hội VHNT. Bùi Hỏa Tiễn giãi bày: “Trong các cuộc họp, tôi đấu tranh chống các biểu hiện sai nguyên tắc. BCH cứ im thôi, không ai ủng hộ mà cũng không nói tôi nói sai (thậm chí bên ngoài cuộc họp vẫn cổ vũ tôi đấu tranh). Như thế tôi không thể làm việc được”. Ông thôi chức, ra khỏi BCH từ tháng 3/2018 nhưng vẫn tiếp tục làm Trưởng Ban Sáng tác Triển lãm 2 năm nữa cho đến khi về hưu. 

Năm 2017, liên tục có các vụ từ nhiệm của Trưởng ban Lý luận Phê bình Phạm Tiến Dũng và Ủy viên Chu Thu Hảo và Hữu Thành. Gây xôn xao trong Hội.

Bùi Hỏa Tiễn làm Trưởng ban từ 2010, nhưng các vấn đề chỉ nảy sinh sau 2015, khi ông lên làm phó, còn Chủ tịch Khánh bước vào nhiệm kỳ 2. “Trưởng Ban Sáng tác lẽ ra phải tham gia tổ chức trại sáng tác cũng như những cuộc thi lớn của Hội, nhưng ông Khánh lấy cớ tôi nhiều việc, và các bộ phận trong cơ quan cũng phải làm được việc của các bộ phận khác(?), nên có những việc thuộc ban Sáng tác lại đi giao cho văn phòng”, ông Tiễn kể. “Ban Sáng tác có chức năng tham mưu cho lãnh đạo Hội, nhưng anh không cho tôi đi công tác thì tôi làm sao nắm bắt tình hình, tâm tư anh em để tham mưu cho đúng”?! 

Năm 2016, khi Hội Nhiếp ảnh bắt đầu làm dự án xét trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông Tiễn tiếp tục bị gạt ra ngoài mặc dù Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ghi rõ trong Hội đồng thẩm định cấp cơ sở phải có Phó Chủ tịch các hội chuyên ngành T.Ư. Một lý do ông Khánh đưa ra là bố vợ ông Tiễn (tức NSNA Hoàng Kim Đáng- PV) có hồ sơ dự xét giải, nên để “đảm bảo minh bạch, khách quan”, ông Tiễn khỏi tham gia. “Tôi nói luôn, chỉ trừ khi nào các anh ra quyết định thì tôi chịu, chứ tôi không tự rút vì tôi đủ bản lĩnh chấm ảnh. Đến lúc chấm ảnh bố tôi, tôi đứng ra ngoài là được”. 

Đến Triển lãm Ảnh nghệ thuật Nhiếp ảnh Nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới, Phó Chủ tịch Tiễn bị loại hẳn khỏi Ban Tổ chức (BTC), mặc cho Phó Chủ tịch Phạm Văn Tý ở Huế sẵn sàng rút để nhường chỗ. Đặc biệt, ông Tiễn kể bị loại chỉ bằng quyết định miệng của Chủ tịch, không có văn bản nào ngoài email Chủ tịch trả lời thắc mắc của hội viên về sự “mất tích” của cấp phó. 

Chính trong cuộc đó, ông Khánh với tư cách trưởng BTC, trưởng BGK đã gây lùm xùm lớn khi tự chấm cho mình 2 giải. Sự việc khiến nhiều hội viên bức xúc, báo chí vào cuộc rôm rả. Nhưng cuộc họp BCH sau đó chỉ ra thông báo đã kiểm điểm, nhìn nhận sai sót của Chủ tịch, dành để cuối năm ra quyết định kỷ luật một thể. Thế rồi cuộc họp cuối năm có sự tham dự của Bí thư Đảng đoàn kiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hữu Thỉnh. Ông Thỉnh nhận lỗi trước BCH Hội vì không sát sao vụ việc, và nói đại ý: “Nếu biết, tôi sẽ nói anh Khánh không nên nhận giải nhưng anh Khánh cũng rút rồi và có thư gửi hội viên cả nước. Thư đó tôi đọc thì thấy anh Khánh chưa thực sự biết nhìn nhận lỗi của mình. Nhưng thôi có đánh thì đánh kẻ chạy đi… nên tôi đề nghị không nên kỷ luật anh Khánh mà chỉ nên nghiêm khắc phê bình”. 

NSNA Bùi Hỏa Tiễn Ảnh: FBNV

Điều đáng nói là “phê bình” “nghiêm khắc” cỡ nào cũng không nằm trong thang bậc kỷ luật của tổ chức nên ông Khánh không bị ghi hồ sơ vụ này. Đơn thư kiến nghị của các hội viên nhắc tới vụ này nhưng cấp trên coi như đã xử lý, nên hình phạt “cảnh cáo” mới đây không tính phốt “tự chấm giải”.

“BỌN TÔI CÓ GHÉT BỎ GÌ PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐÂU”

 Chủ tịch Hội Vũ Quốc Khánh giải thích cho PV Tiền Phong: “Chính tôi là người ủng hộ anh Tiễn vào BCH, đề nghị bổ nhiệm Phó Chủ tịch. Đến khi bức xúc vài vấn đề liên quan công việc mà thực ra anh Tiễn đảm bảo phần việc của anh ấy thôi, nhưng anh ấy muốn được nhiều hơn, quyết định nhiều hơn. Anh ấy giận dỗi vài việc, cho mình rất là đúng. Có những cuộc họp nói xấu cả BCH, Ban kiểm tra. BCH cảm thấy anh ấy cực đoan quá, nên khi bỏ phiếu 9/11 đồng ý cho anh ấy ra chứ bọn tôi có muốn đâu, có ghét bỏ gì ông Tiễn đâu…”. 

Trong buổi họp BCH giải quyết đơn từ chức của mình, Bùi Hỏa Tiễn đốp chát: “Anh Khánh không muốn tôi phát triển hơn, gặp gỡ anh em nhiều hơn vì anh còn tham vọng khóa thứ 3. Tôi mà phát triển có nguy cơ mất ghế anh Khánh, chứ chả có lý do gì”. Ông Tiễn kể, nghe vậy, ông Khánh chỉ cười.

“Nhiều người bảo tôi dại, cứ ở trong BCH mà đấu tranh”, ông Tiễn kể. “Nhưng ở trong tập thể mà đấu tranh không được, mình cứ nhịn rất khổ. Mà mình cũng không dám bung ra đơn thư được. Nhưng khi ra khỏi BCH rồi, mình có quyền đấu tranh. Đơn thư khi ra ngoài tôi mới làm”.
Ông Trương Hoàng Thêm, nguyên ủy viên Thường vụ khóa 7 của Hội khi mới biết tin ông Tiễn từ chức cũng trách cứ, cho là “bỏ vị trí để đầu hàng vô điều kiện”. Nhưng mới đây ông nói: “Khi hiểu ra rồi thì tôi thấy đó cũng là một hình thức đấu tranh. Bị vô hiệu hóa thì sao làm việc được! BCH không ủng hộ ý kiến đúng mà chỉ nghiêng về phía Chủ tịch tôi thấy cũng hơi đáng tiếc”.

Theo ông Thêm, nhiệm kỳ đầu (khi ông Tiễn chưa vào BCH), ông Khánh quản lý, lãnh đạo tốt, “rất nghe anh em”, khóa 2 mới phát sinh mâu thuẫn. “Trong nhiệm kỳ đầu tiên của anh Khánh, phải nói đóng góp của Tiễn giúp Khánh rất nhiều. Vì Tiễn am hiểu tình hình chung”.

“Tôi thấy kỷ luật lần này Đảng ta cũng có ưu ái anh em văn nghệ sĩ. Vì nếu căn cứ điều lệ Đảng thì sai sót của anh Khánh là phải ‘khai trừ’ chứ không phải ‘cảnh cáo’. Anh bỏ sinh hoạt Đảng 3 tháng mà không có lý do coi như cho anh ra khỏi Đảng rồi. Đằng này 3 năm chỉ sinh hoạt có 4 lần! Cho nên cũng có một số anh em hội viên là đảng viên chưa đồng tình với mức kỷ luật này”.
NSNA TRƯƠNG HOÀNG THÊM - Chủ tịch Hội VHNT Cà Mau, 
Ủy viên Ban Thường vụ Hội NSNA Việt Nam khóa 7


Bản thân ông Tiễn nhận thấy: “Từ 2010, tôi làm việc chẳng bao giờ bị chê. Trong cuộc họp ông Khánh vẫn nói anh Tiễn là người làm việc tốt nhất, chỉn chu, bài bản. Giữa khóa 2 bắt đầu sinh chuyện. Ông ấy bắt đầu có thái độ giữ ghế, không muốn người khác phát triển”. Về việc ông Tiễn tố bị Chủ tịch cản trở công tác, Phạm Công Thắng chỉ “nghe nói” vì không trong BCH. Nhưng ông cũng nhận thấy: “Ông Khánh làm việc theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ. Ưa ai thì dùng, không ưa sẽ tìm cách vô hiệu hóa”.

Ông Thắng nhận định: “Ông Khánh cũng có nhiều thành tích. Nếu so đũa tìm người đủ tiêu chuẩn (làm Chủ tịch) như ông Khánh không phải là nhiều. Nếu ông ấy trong sạch thì vẫn tiếp tục làm khóa 3 không sao”. Sau khi ông Thắng gửi đơn lên Ban Tuyên giáo cuối 2019, Chủ tịch Khánh đã định kỷ luật ông Thắng tội vu khống nhưng không thành. Ông Thắng cho mức “cảnh cáo” với ông Khánh vẫn còn nhẹ. 
(còn tiếp)