Nguyên nhân được đặt lên bàn nghị sự lâu nay vẫn là chuyện đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế mới chỉ bắt đầu và các doanh nghiệp chưa tìm thấy cơ hội phát triển kinh doanh từ khu vực này. “Từ cuối năm 2007, mọi hoạt động đầu tư tại khu vực cửa khẩu đã bị buộc phải dừng lại, dù kinh phí không thiếu, để chờ… quy hoạch. Thậm chí vốn kế hoạch giao không sử dụng hết đành phải chịu điều chuyển” - bà Lê Thị Thu Bồn, Phó ban Quản lý KKTCK Nam Giang nói.
Dù đã thành cửa khẩu quốc gia, nhưng lại không nằm trong danh sách 10 cặp cửa khẩu được phép lưu thông hàng hóa qua lại, nên doanh nghiệp không thể đưa hàng hóa lưu thông theo đường qua cửa khẩu Nam Giang rộng rãi được. Kim ngạch xuất khẩu từ 12.720,741USD năm 2008 đã nâng lên 22.980,57USD năm 2010, kim ngạch nhập khẩu từ 4.970,142USD năm 2008 lên 38.987,412USD năm 2010, nhưng chủ yếu phục vụ đầu tư xây dựng thủy điện Xê Ka Mán 3 và nhập khẩu gỗ qua Việt Nam của các doanh nghiệp các tỉnh Quảng Bình, Kon Tum…
Bao giờ khai thông?
Quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng KKTCK Nam Giang đến năm 2025 của Chính phủ ngày 24-3-2009 và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tiểu khu I của UBND tỉnh Quảng Nam được xem là chiếc “đũa thần”, tạo cơ hội cho cửa khẩu “bùng nổ” tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đón các nhà đầu tư… Công trình cấp nước, khu trung tâm hành chính, nhà công vụ, khu kiểm soát liên hợp… là những công trình được Ban Quản lý KKTCK Nam Giang lựa chọn đầu tiên để xúc tiến đầu tư. Dự kiến trong vòng 5 năm tới sẽ cơ bản hoàn thành phần đầu tư hạ tầng cho tiểu khu I và một phần tiểu khu II.
Thế nhưng, khi đã có quy hoạch thì lại thiếu kinh phí. Hoạt động xuất nhập khẩu đã có tiến triển nhưng thiếu bến bãi vận tải, hệ thống kho vận. Dự án đầu tư đường giao thông và hệ thống thoát nước đã khởi công từ tháng 8-2010, với tổng mức đầu tư gần 56 tỷ đồng hay Trạm kiểm soát liên hợp với mức đầu tư hơn 28 tỷ đồng hoặc hệ thống cấp điện và nhà công vụ tại tiểu khu I… vẫn tiếp tục dang dở vì thiếu vốn.
Những gì nhìn thấy được tại KKTCK này sẽ phải còn rất lâu mới có thể đủ độ hấp dẫn doanh nghiệp, mở đường thông thoáng giao thương. “KKTCK chủ yếu sử dụng nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ. Việc kêu gọi các nguồn vốn khác, nhất là nguồn vốn nước ngoài… là rất khó thực hiện được trong giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại cửa khẩu. Nhưng do nguồn vốn quá ít, hằng năm trung ương chỉ cân đối từ 8 - 10 tỷ đồng nên cơ hội nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng mời gọi các nhà đầu tư… sẽ không thể nào khả thi” - bà Lê Thị Thu Bồn nói.
Quảng Nam không đủ nguồn lực đầu tư. Một bản báo cáo xin nâng cấp 14D, bố trí vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2011 và những năm tiếp theo hoặc đề nghị bố trí vốn ODA hỗ trợ phía bạn Lào xây dựng đường sang cửa khẩu, bổ sung cửa khẩu Nam Giang vào danh mục 10 cặp cửa khẩu được phép qua lại và cho phép lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu Nam Giang kể từ năm 2010… đã được gửi đi. Lẽ nào, cửa khẩu trên quốc lộ 14D, nằm trên con đường xuyên Á, tuyến hành lang Đông Tây, là con đường ngắn nhất từ các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia đến biển Đông Việt Nam mãi cứ vời xa?
Theo Trịnh Dũng
Báo Quảng Nam