Từ ngày tiêu thổ kháng chiến
Gia đình chúng tôi gốc ở Huế, ra Vinh từ trước cách mạng. Bà tôi dòng dõi hoàng tộc, tên là Tôn Nữ Thị Hà, nhưng mọi người thường gọi là bà Tam, theo tên ông nội tôi. Năm 1945 cách mạng thành công thì năm 1946 Pháp quay trở lại, gia đình chúng tôi từ Vinh ngược lên dãy Trường Sơn để tản cư. Dự định của ông tôi là sẽ đi lên Phủ Quỳ, vùng núi phía Tây xứ Nghệ, nơi trồng nhiều cà phê ngon. Nhiều người bà con của ông bà tôi đã lên đó trước vài tuần chờ sẵn. Nhưng theo như mọi người kể lại thì khi ngang ngã ba Tam Lệ, cửa ngõ vào Phủ Quỳ, đoàn của ông bà bị máy bay Pháp tấn công. Mọi người kịp bỏ xe thoát ra ngoài, chiếc xe cháy rụi và gia đình tôi ghé vào ở nhờ tại địa phương với hai bàn tay trắng.
Một người địa phương tốt bụng đã cho nhà ông bà tôi ở nhờ trong gian chái của họ. Người lo lắng nhất chính là bà nội tôi, vốn sống trong gia đình quý tộc mà giờ đây phải lo cho cả gia đình khi của cải chẳng còn gì. Sự cởi mở và nhiệt tình của người dân vùng ngã ba trung du giữ ông bà tôi ở lại vùng đất gian khó. Ban đầu chúng tôi sinh sống bằng cách mở một quán cơm Huế, bà cố tôi quán xuyến. Hợp tác xã hình thành, mọi người làm việc tính theo công điểm của hợp tác xã và quán nước quân nhân phục vụ miễn phí cho bộ đội ra đời từ đó.
Quán nước quân nhân năm ấy do bà nội tôi và bà Nguyệt (người địa phương) trông nom. Kinh tế hai bà không khá giả gì. Khi ba mẹ tôi cưới nhau, có chiếc giường cưới gỗ mít cũng do ông ngoại tôi (người địa phương) làm tặng cho con. Ba tôi, o tôi ra Hà Nội học đại học, ông nội phải lo việc nhà, một tay chăm tôi dưới hầm. Bà tôi và bà Nguyệt ngày ngày bám mặt đường với cái quán nước quân nhân ấy.
Máy bay Mỹ đánh phá ngã ba Tuần (tên gọi khác của ngã ba Tam Lệ) ngày đêm, người dân bỏ mặt đường vào trong núi trú ẩn, các đơn vị bộ đội dựa vào núi triển khai trận địa. Giữa cái ngã ba bom đạn như trấu còn lại quán nước quân nhân của hai bà. Thật ra, khi tôi lớn lên, mọi người kể lại mà tôi hình dung được ngày tháng chiến tranh. Vì năm 1975 đất nước vừa thống nhất, bảo tàng tới đem hết nồi niêu và những cuốn sổ cảm tưởng của bộ đội đi hết cả. Bà tôi thì không bao giờ kể chuyện ngày chiến tranh cho tôi nghe.
Có lần tôi gặp một nhà văn già. Khi biết tôi là người từ quán nước quân nhân ngày ấy, bác nói rằng: “Bác đã từng ghé qua nhà cháu và được bà cho uống nước chè xanh, rồi bác đã tặng tôi trang bản thảo viết tay của bác về quán nước quân nhân trong đó có ghi là bài báo đã đăng trên một tờ X. Những năm 1980, bà tôi vẫn bán quán nước chè xanh với giá rất rẻ, còn ba mẹ tôi làm công chức vẫn thường bù lỗ cho bà.
Nhiều bộ đội và cả nhà văn nhà thơ sau chiến tranh vẫn ghé quán bà tôi uống chè xanh ôn lại chuyện thời chiến. Một trong số ấy là nhà văn Nguyễn Minh Châu. Nhà văn ăn ở trong nhà bác Tác làm kho lương thực gần nhà tôi, thường ghé vào quán nước của bà tôi mỗi sáng. Nhà văn dáng cao gầy, suốt ngày mặc quần áo bộ đội, chiếc xe U oát màu xanh còn khá mới của huyện đưa ông đi gặp các nhân vật. Những truyện ngắn “Khách ở quê ra”, “Phiên chợ Giát” được ông viết trong chuyến đi này. Buổi sáng, nhà văn hay uống chè xanh, nói chuyện với bà tôi trong cái quán lá. Buổi tối, tại nhà bác Tác, tôi và mọi người được ông đọc cho nghe những trang viết còn dang dở từ cuốn sổ tay mà ông luôn mang theo bên người. Những tác phẩm ấy được xem như truyện tiên phong của phong trào đổi mới văn học 1986, trong đó Nguyễn Minh Châu đã gọi vùng bán sơn địa chúng tôi là vùng “chó ăn đá gà ăn sỏi”.
Cách đây vài năm, bác Lê Lân, một nhà thơ, từng phụ trách ngành điện ảnh Nghệ An cũng đến tặng tôi một tập thơ của bác có bài thơ viết về quán nước quân nhân của bà tôi và bà Nguyệt:
Quán nước quân nhân
(Kính tặng mẹ Tam, mẹ Nguyệt)
Ai một lần ra trận
Vào những năm chiến tranh
Ngược Bò Lăn, xuôi ngã ba Tuần
Hẳn không quên
Quán nước quân nhân ngày ấy
Nước chè xanh đậm đặc
Suốt chặng đường hành quân
Như tấm lòng mẹ Tam, mẹ Nguyệt
Giữa ngã ba bom đạn trống trui.
Hơn 40 năm đã trôi qua từ ngày đất nước thống nhất và bà tôi đã có mấy lần về thăm Huế trước lúc qua đời. Bà tôi đã thăm lại trường Đồng Khánh, mái trường từng theo học, ghé chợ Đông Ba. Cũng ngần ấy năm, chúng tôi không biết những cuốn sổ lưu bút của bộ đội lưu lạc về đâu? Cho đến ngày các nhà báo trẻ tìm thấy chúng trong bảo tàng. Cũng từ lúc ấy mà thế hệ chúng tôi tận mắt nhìn thấy những cuốn sổ lưu bút mà gia đình thường hay nhắc tới.
Cuốn sổ lưu bút đã bạc màu theo thời gian. Những con chữ viết tay vẫn còn đó, sống động trên những trang giấy dày đôi khi còn cả dăm gỗ (trước kia gia đình chúng tôi có thói quen viết thư bằng máy chữ hoặc viết tay trên giấy mỏng nhiều màu có lót giấy than để lưu giữ một bản).
Trên một trang giấy trong cuốn sổ cũ kỹ, thấy người viết cẩn thận ghi cả tựa đề: “Vài dòng gửi lại quán nước quân nhân (…) thấy hai mẹ đón tiếp rất nhiệt tình đầy tình thương, chúng con hứa hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và của nhân dân giao phó. Bất cứ nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc. Tạm biệt quán nước. Con. Hòm thư 270.414”.
Lại có những dòng chữ khá vội: “Chúng con ra đi nhận nhiệm vụ. Chúc các mẹ khỏe, phục vụ cho các con lâu dài. Gởi lời chào quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Con, hòm thư 271020, JB05”. Tôi không biết người lính ấy tên gì.
Những hòm thư bí mật, không ghi đơn vị ấy, mấy người cựu chiến binh nói với tôi là chỉ xác định được dễ dàng hơn nhờ ngày tháng. Nhưng thi thoảng lắm người viết mới để lại ngày tháng: “Ngày 22/9/1971. Chúng con qua đây nhận gạo. Chúng con chân thành cám ơn hai mẹ và toàn thể HTX Đại Xuân đã giúp đỡ chúng con trong lúc các con khát nước. Chúng con không biết lấy gì đền đáp lại công ơn đó. Chúng con xin hứa đánh tan giặc Mỹ mới trở về quê hương. Đơn vị C26 - K7. Thay mặt anh em, Trần Anh Dũng”.
Khắc khoải bà tôi
Những người chiến sĩ khi vào quán nước quân nhân được hai bà tặng một bình tông nước chè xanh ngon. Bà tôi chỉ mong đất nước mau chóng hòa bình thống nhất và mọi người sẽ bình an trở về. Nam Bắc sẽ nối liền. Mẹ tôi kể: “Thư từ trong Nam gửi ra, bưu điện giữ lại cả. Năm 1975 bưu điện mới chuyển cho bà hàng bao tải thư như món quà và thông cảm rằng vì hoàn cảnh chiến tranh, nên chúng con không chuyển hết thư cho bà được”. Bà tôi đã đọc tất cả những lá thư ấy (không ít thư được viết từ những năm 1960), bà tôi đọc chúng với tất cả sự lo lắng của mình.
Mới đây tôi đã tình cờ đọc cuốn sách hồi ký chiến trường “Có một thời như thế” của cựu chiến binh Võ Minh (đã được Nxb Thanh Niên tái bản đến lần thứ 6), cuốn sách mà nhà văn Chu Lai nhận xét là “Một bài ca đau thương và hào sảng của người lính”. Trong cuốn sách có ghi lại không khí ra quân ở ngã ba chúng tôi ngày ấy:
“23-10-1971 . Buổi sáng nay, đơn vị phát quân trang, thuốc men, vũ khí đạn dược… Giờ tập trung hành quân lên đường ra mặt trận đã đến. Tất cả đường làng ngõ xóm đều phủ một màu xanh lá cây áo lính, xen lẫn đủ màu sắc áo quần của các bà con cô bác, các chị, các anh, các em và các cháu thiếu nhi ở vùng trung du đồi núi này. Để tiễn biệt và chúc chúng tôi chiến thắng bình an trở về. Mặc dù trong lòng ai cũng hiểu rằng: Phải rất may mắn mới có thể thoát ra được từ lò lửa chiến tranh khốc liệt”.
Nhờ cuốn hồi ký mà gia đình chúng tôi biết được hành trình của một trong những đơn vị đã xuất quân từ ngã ba Tuần. Đơn vị được đưa đến tận miền Đông Nam bộ này là trung đoàn 271 anh hùng. Anh Võ Minh viết: “Gần 3.000 cán bộ chiến sĩ trung đoàn chúng tôi, chủ yếu từ các miền quê Thanh Hóa Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và một số nữa là ở các tỉnh khác, rời miền Bắc hậu phương, hành quân cuốc bộ vượt dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, để bổ sung lực lượng chiến đấu cho chiến trường miền Đông Nam bộ. Quân số lúc đó gần ba nghìn người. Thế mà giờ đây, ngồi điểm lại, không biết có còn được ba trăm người nữa không?”.
Năm tháng đã trôi qua và mỗi thời đều có những khó khăn thử thách. Nhiều người lính đã hi sinh, bà nội tôi và bà Nguyệt cũng đã qua đời, quán nước quân nhân năm xưa thì không còn nữa. Mỗi lần đọc lại những dòng lưu bút của những người chiến sĩ không rõ địa chỉ và số phận ấy, đọc những trang viết nghĩa tình của người lính năm xưa với những trang thơ trang văn của họ, như thấy còn đây đó những tấm lòng tiền tuyến hậu phương một thủa, như bài thơ ghi trong cuốn sổ cảm tưởng: “Bát nước chè xanh nặng nghĩa tình/ Công tác qua mẹ tiếp mình/ ngày mai chiến thắng miền Nam đó/ có bát nước này tặng chiến binh”. (Ký tên H.T 271016 JB05 ngày 25/8/1971).
TPHCM 19/4/2015
Chiến tranh cũng đã tôi luyện nên người chiến sĩ và anh Võ Minh cho biết, trong số 300 đồng đội mà anh còn liên lạc được thì nhiều người khá thành đạt trong thời bình, như anh Hồ Xuân Hùng nhiều năm làm Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – rồi Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; tiến sĩ Trần Anh Phương tiến sĩ - Trưởng ban chuyên đề Báo điện tử Đảng Cộng sản VN. Đại tá Hà Văn Thái, Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô. Viện trưởng Viện Máy và Công cụ Công nghiệp là anh Trương Hữu Chí, đại biểu quốc hội. Vũ Đức Tiến - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất khẩu Cà phê Tây Nguyên, doanh nghiệp được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới với sản lượng cà phê xuất khẩu chiếm 20% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước…