'Quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế'

TP - Đấy là một trong những nội dung chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh tại Hội nghị Giao ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2018, khu vực phía Bắc, diễn ra từ ngày 5 - 7/6/2018.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Nhiều khó khăn, thách thức

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, năm 2017, công tác thực hiện chính sách BHYT đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Trong đó, nhiều địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT đến năm 2020 tiến tới BHYT toàn dân; đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. “Tuy nhiên, công tác thực hiện chính sách BHYT nói chung, khám chữa bệnh BHYT nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Việc thực hiện công tác BHYT ở địa phương còn nhiều bất cập, tồn tại, chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng cao”, bà Minh đánh giá.

Đánh giá kết quả thực hiện chính sách BHYT năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Phó trưởng ban Phụ trách Ban Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc cho biết: Năm 2017, sự phối hợp giữa cơ quan tổ chức thực hiện (BHXH Việt Nam) và cơ quan xây dựng chính sách (Bộ Y tế) đã được nâng lên một bước. Cơ quan BHXH đã khẳng định được vai trò trong phối hợp xây dựng chính sách, đặc biệt là sửa đổi Nghị định 105, Thông tư số 37 và các văn bản quy phạm pháp luật khác. BHXH Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ từ phía Bộ Tài chính khi đề xuất các chính sách liên quan đến phát triển bền vững Quỹ BHYT, quản lý chi khám chữa bệnh BHYT tiết kiệm, hiệu quả. Về phía các địa phương, các cấp chính quyền, đặc biệt là UBND các tỉnh thành đã có nhiều thay đổi trong nhận thức về chính sách BHYT, thường xuyên quan tâm chỉ đạo để nâng cao độ bao phủ BHYT và ổn định quỹ trên địa bàn. Thể hiện rõ nhất là rất nhiều tỉnh, UBND đã ban hành quyết định giao kinh phí khám chữa bệnh BHYT năm 2018 cho các cơ sở y tế theo Quyết định 17/2018 của Thủ tướng. Việc giao kinh phí này góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan BHXH, Sở Y tế và cơ sở khám chữa bệnh trong quản lý và sử dụng Quỹ BHYT.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2017, số đối tượng tham gia BHYT là 79,9 triệu người, tăng khoảng 4 triệu người so với năm 2016, vượt 1% so với kế hoạch năm, và tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 85,6% dân số. Tất cả các địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng giao tại Quyết định 1167. Năm 2017, số cơ sở y tế mới tham gia khám chữa bệnh BHYT là 189 cơ sở, với 168 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT (tăng 14% so với năm 2016).

Hội nghị giao ban thực hiện chính sách BHYT khu vực phía Bắc, diễn ra từ ngày 
5 - 7/6/2018.

Còn lạm dụng dịch vụ kỹ thuật

 Chia sẻ những vấn đề phát hiện qua công tác kiểm tra, ông Nguyễn Tất Thao, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết: Nhiều cơ sở y tế có xu hướng chỉ định rộng rãi xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh, đặc biệt là các chỉ số hóa sinh máu, siêu âm màu tim mạch, chụp CT-Scanner, Chụp MRI… Kết quả kiểm tra tại Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau… cũng phát hiện một số cơ sở y tế có thống kê thanh toán dịch vụ kỹ thuật đã được thanh toán; thực hiện một loại phẫu thuật nhưng thanh toán loại phẫu thuật khác với mức độ phức tạp hơn, có mức giá cao hơn; thống kê thanh toán không đúng thực tế chỉ định, thực hiện trong hồ sơ bệnh án…

Theo ông Thao, tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, người thực hiện dịch vụ kỹ thuật chưa đủ điều kiện theo quy định như: Chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề; thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở y tế…

Trong đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân điều trị nội trú, vẫn xuất hiện tình trạng cơ sở y tế lập hồ sơ bệnh án cấp cứu khi tình trạng bệnh lý của người bệnh chưa phải là cấp cứu. Cơ sở khám chữa bệnh chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú rộng rãi đối với nhiều trường hợp bệnh nhẹ, không cần thiết phải nằm viện, như: Điều trị tủy răng, viêm họng cấp, tái khám sau các can thiệp hoặc phẫu thuật tim mạch…; người bệnh có hồ sơ điều trị nội trú nhưng không nằm điều trị tại BV… Đặc biệt, có cơ sở y tế còn chỉ định kéo dài ngày điều trị không hợp lý cho các trường hợp đẻ thường, phẫu thuật Phaco, điều trị hóa chất, điều trị phục hồi chức năng (Đà Nẵng, Hòa Bình, Lào Cai…).

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đề nghị, lãnh đạo BHXH các tỉnh thành cần thường xuyên báo cáo, tham mưu với lãnh đạo địa phương về các giải pháp phát triển BHYT, quản lý sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh; tăng cường chỉ đạo công tác giám định; phối hợp với ngành y tế kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT. Đồng thời, bà Minh yêu cầu, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia BHYT và tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát công tác khám, chữa bệnh BHYT. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách pháp luật BHYT theo hướng thực hiện đa dạng các loại hình truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2018, cả nước có 70,6 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, với số chi Quỹ BHXH khoảng 38.272 tỷ đồng. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh thành thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh số người tham gia BHYT; thường xuyên báo cáo với UBND tỉnh về tình hình sử dụng Quỹ BHYT và đề xuất các giải pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT...