Quan chức Mỹ đề xuất bố trí vũ khí tầm xa sát nách Trung Quốc

TPO - Một nhóm các nhà lập pháp do thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Mac Thornberry đã đưa ra đề xuất Sáng kiến Răn đe Ấn Độ Thái Bình Dương trị giá 6 tỷ USD, củng cố hệ thống vũ khí ở phía tây Thái Bình Dương, sát nách Trung Quốc.
Khu trục hạm USS Mustin tuần tra ở Thái Bình Dương cùng tàu sân bay USS Ronald Reagan

Số tiền này được nói nhằm tăng cường các hệ thống phòng không mặt đất, thông tin tình báo, giám sát, trinh sát (ISR), tăng cường tuần tra bằng máy bay ném bom, tăng tài trợ cho tác chiến dưới biển, National Interest đưa tin.

Luật đề xuất sẽ tài trợ ngân sách cho một “hệ thống phòng không – phòng thủ tên lửa tích hợp thường trực và các loại vũ khí khác trên đảo Guam” - điều mà Trung Quốc phản đối kịch liệt.

Mặc dù luật đề xuất tất nhiên không ủng hộ bất kỳ hành động khiêu khích hay hành động quân sự nào, nhưng nó kêu gọi tăng cường các cuộc tập trận liên minh của Mỹ,  đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu ngăn chặn sự thù địch từ Trung Quốc.

Mục đích của sáng kiến, có vẻ như là để tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực, nhờ vào việc tăng khả năng của Mỹ trong khu vực.

 “Không phải tất cả các chương trình này đều là mới, nhưng bằng cách kéo chúng lại với nhau theo một chính sách, chúng tôi sẽ có thể đánh giá tốt hơn cam kết của chúng tôi, thể hiện quyết tâm của chúng tôi với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, và ngăn chặn Trung Quốc, nghị sỹ Thornberry nói trong một “dự thảo thảo luận”.

Đề xuất này, có sự ủng hộ của hơn 15 thành viên quốc hội từ cả hai đảng, cũng kêu gọi bố trí thêm radar phòng thủ tên lửa ở Hawaii và bố trí các hệ thống hỏa lực chính xác tầm xa trong khu vực.

Trong khi đó, tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ Tư, một phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ ngồi yên nếu kế hoạch đó được tiến hành.

Ngô Khiêm, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đã đưa ra nhận xét nói trên khi trả lời câu hỏi về cuộc thảo luận của Mỹ với phía Nhật Bản để triển khai tên lửa tầm trung tại căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản.

Nếu phía Mỹ đẩy mạnh việc triển khai, đó là một sự khiêu khích rõ ràng ở ngưỡng cửa của Trung Quốc, ông Ngô nói và rằng Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết chống lại việc triển khai.

Theo The National Interest, đề xuất này sẽ củng cố các chiến lược hiện có đang được Mỹ tiến hành trong khu vực.

Mỹ đã điều máy bay ném bom B-2, B-52 và B-1B tuần tra từ đảo Guam, căn cứ của một số máy bay không người lái Triton chuyên thực hiện nhiệm vụ biển, và thường tiến hành các cuộc diễn tập chung với các đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương.

Tư duy chiến lược song trùng với đề xuất này dường như đã được tiến hành ở một số khía cạnh, với việc hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động huấn luyện phối hợp tấn công tàu sân bay và tăng cường tuần tra bằng máy bay săn ngầm Poseidon trong và xung quanh biển Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc đã phái đến khu vực nhiều khí tài mặt nước và trên không. Họ đã phái các tàu sân bay tới Biển Đông và tiến hành tuần tra bằng máy bay gần Đài Loan.

Chiến dịch hiện đại hóa quân sự lớn và đầy tham vọng của Trung Quốc, với các tàu sân bay bản địa mới, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và các tàu tấn công đổ bộ, tất nhiên đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp và lãnh đạo quân sự Mỹ.