Video độc hại xóa không xuể
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), thời gian qua, đơn vị này rà quét để đánh giá vi phạm trên Facebook, Google. Kết quả, có tới 55.000 video xấu độc, vi phạm pháp luật hoặc phát tán tin giả trên nền tảng YouTube. Cục đã yêu cầu phía Google (chủ quản của YouTube) gỡ bỏ song quá trình này thụ động và không hiệu quả khi một năm chỉ gỡ được 8.000 video, trong khi mỗi phút có hơn 400 giờ video được up lên YouTube.
Đáng lưu ý, trong 55.000 video vi phạm rất nhiều video được làm từ các YouTuber Việt Nam nhằm mục đích kiếm tiền. “Thống kê của YouTube cho thấy, cứ 10 đồng thu nhập từ các video vi phạm thì có tới 5,8 đồng dành cho YouTuber Việt Nam. Mình đứng đầu trong sản xuất các nội dung vi phạm”, ông Lâm cho hay. Các sai phạm chủ yếu là nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng, cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy và gây hại cho trẻ em.
Đại diện của METUB, một đối tác quản lý hơn 1.000 kênh YouTube tại Việt Nam, chia sẻ nhiều video được đầu tư tốn kém cả triệu đô, nội dung tốt nhưng chỉ có lượng view bằng một video nội dung xấu, được làm bằng việc ngồi một chỗ, ghép lời vào ảnh. Điều đó khuyến khích các nội dung xấu phát triển. Nhiều YouTuber lựa chọn làm nội dung xấu vì không có nhiều tiền đầu tư video chất lượng mà vẫn kiếm được tiền. Nhiều video xấu độc dành cho trẻ em vì đối tượng này không kiểm soát được mình xem gì. Vị này cho rằng, cần khuyến khích các video có nội dung tốt, lành mạnh.
Đại diện Bộ Công an cho rằng, để hạn chế các video vi phạm pháp luật, cần tập trung quản lý YouTuber sản xuất nội dung vi phạm pháp luật, đa số ở trong nước. Vừa qua, Bộ Công an tăng cường đấu tranh, vô hiệu hóa, đặc biệt với đối tượng tiền án, tuyên truyền bạo lực, nhờ đó số lượng kênh YouTube dạng đó giảm đi.
Chặn nguồn tiền quảng cáo vào clip xấu độc
Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, có bằng chứng cho thấy, các video xấu độc được bật chức năng kiếm tiền. Điều đó thúc đẩy việc sản xuất nội dung vi phạm pháp luật thành hoạt động kiếm tiền và nguồn tiền đến từ các thương hiệu quảng cáo trên YouTube.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, gần đây tình trạng lồng quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu trên video xấu độc xuất hiện trở lại với mức độ và phạm vi mở rộng. Dòng tiền quảng cáo này lại được Google chia sẻ cho các đối tượng sản xuất video xấu độc, phản động, vô tình tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật.
Để giải quyết tình trạng này, ông Lâm cho biết, thời gian tới sẽ lập danh sách nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp có mục tiêu kiếm tiền trên YouTube để quản lý nội dung đăng tải và thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. “Ở đây sẽ phải hình thành một khu vực gọi là kênh trắng, tức là Nhà nước phải biết chủ kênh là ai, có thể kiểm soát, can thiệp được để đảm bảo kiểm soát nội dung và chấp hành các quy định pháp luật khác”, ông Lâm nói.
Đồng thời, sẽ đề xuất với phía Goolge, chỉ những kênh không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật mới được xem xét chia sẻ tiền quảng cáo. Bộ TT&TT đang phối hợp Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ dòng tiền quảng cáo trên YouTube Google.
Ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG, cho rằng, nhiệm vụ ưu tiên là phải kiểm soát được dòng tiền từ các nhãn hàng trong nước trả cho Google và dòng tiền Google trả tiền cho người dùng.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, đơn vị này đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) để giúp cho hoạt động quảng cáo minh bạch, đúng tôn chỉ, mục đích và thu được lợi cho Nhà nước.
Khuyến khích quảng cáo trên nền tảng sạch
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp, chia sẻ, doanh nghiệp Việt chưa có thói quen trả tiền cho nội dung sạch. Khi bán quảng cáo cho VOV, VTV, doanh nghiệp thấy chi phí tới 22.000 đồng/view thì kêu. Doanh nghiệp chỉ chú ý đến số lượng view mà chưa chú trọng chất lượng view. Độc giả đọc xem VTV chắc chắn phải khác độc giả xem video Khá Bảnh. Hiện nay, một số công ty lớn đã mua dịch vụ an toàn thương hiệu, chẳng hạn quảng cáo của họ không xuất hiện trên các clip bạo lực, nội dung chính trị. Tuy nhiên, trên diện rộng, rất ít doanh nghiệp làm vậy.
Ông Lâm cho biết, thời gian tới sẽ yêu cầu các đại lý quảng cáo chủ động rà soát, tuyệt đối không quảng cáo trong các video YouTube có nội dung xấu độc, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước. Đề xuất ưu tiên quảng cáo trên nền tảng số của Việt Nam, là những nền tảng chấp hành tốt pháp luật Việt Nam, đảm bảo an toàn thương hiệu cho nhãn hàng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, các doanh nghiệp nền tảng Việt Nam tuân thủ luật pháp Việt Nam tốt hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp nên mua quảng cáo nhiều hơn trên các nền tảng Việt Nam. “Chúng ta mua quảng cáo trên các nền tảng sạch tức là đã giúp cho đất nước sạch hơn, giúp các công ty sạch phát triển. Mua quảng cáo trên một nền tảng xấu độc vô hình trung tiếp tay để hại đất nước mình”, ông Hùng nói.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh, nếu chú trọng đến chất lượng view thay vì chỉ chú trọng số lượng view như hiện nay thì quảng cáo sẽ có bước tiến mới. Ông Hùng giao Cục PTTH&TTĐT sớm làm việc với VCCorp để triển khai nhanh nội dung này.
Theo đại diện Bộ Công an, việc xử lý đối tượng vi phạm pháp luật trên YouTube đã có quy định nhưng gặp khó vì chúng ta phụ thuộc và Facebook, Google để xác định đối tượng. Vì vậy, các công ty này cần phải có văn phòng ở Việt Nam để được bảo vệ theo pháp luật Việt Nam, đồng thời có trách nhiệm tuân thủ pháp luật Việt Nam