Qua vụ bê bối nam ca sĩ hôn sư thầy

TP - Thông thường, thông tin liên quan đến các từ khóa “ngôi sao” và “đồng giới”/”đồng tính” thường gặp phản ứng dữ dội từ dư luận với số đông kỳ thị đồng tính. Nhưng với vụ tai tiếng mới đây của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thì “đồng giới” không gây chú ý bằng từ khóa “nhà sư”.
Sau nụ hôn đồng tính, hai nhân vật chính nay đang đổ lỗi và chê bai nhau

> 'Nhà sư bị khóa môi' định tự tử vì áp lực dư luận
> Báo Thái Lan bêu riếu vụ Mr. Đàm 'khóa môi' cư sĩ
> Đàm Vĩnh Hưng có quyền gây tội?

Không hiểu có may mắn hay không khi yếu tố “đồng giới” trong vụ Đàm Vĩnh Hưng hôn hai nhà sư bị dư luận (thông qua mạng xã hội) tỏ ra lơ là. “Được lơ là” thì đúng hơn. Nếu dư luận chú ý kỹ hơn, sẽ lại là thái độ kỳ thị, không thể khác được.

Lần này thì... may, chỉ một vụ việc mà quá nhiều vấn đề (thậm chí vấn nạn), người ta tạm lơ đi một chi tiết mờ nhạt nhất. Vấn đề tôn giáo, mức phạt các nhà sư, mức phạt Đàm Vĩnh Hưng, thư tay xin lỗi của nam ca sĩ… tất cả đều ồn ào hơn.

Nhưng dư luận vốn “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” lần này có vẻ vẫn bỏ sót một chi tiết: Nhà sư lấy tiền đâu ra để mua chai rượu làm từ thiện với giá 55 triệu đồng?

Kể cả tiền riêng của sư hay tiền của nhà chùa thì đều có vấn đề. Và, nhà sư mua rượu để làm gì? Không lẽ để trưng bày ở… nhà chùa làm kỷ niệm? Hoặc, đơn giản nhất, để uống?

Theo một tờ báo, sau khi hoàn tục, sư thầy Pháp Định (người được Đàm Vĩnh Hưng hôn môi) rời Thiền viện Phước Sơn với 50.000 đồng trong túi. Con số này đem đặt cạnh con số 55 triệu mua rượu làm từ thiện, càng thấy khó hiểu.

Ngày 19-11, tìm từ khóa “Đàm Vĩnh Hưng” trên Google cho ra kết quả đầu tiên là bài viết trên báo mạng Dân Trí - Hai nhà sư hôn môi Đàm Vĩnh Hưng bị biệt chúng 3 tháng.

Các kết quả còn lại trong trang 1 đều liên quan đến âm nhạc, nhưng sang đến trang 2 và liên tiếp mấy trang sau lại chi chít tin bài về vụ “hôn sư thầy” (kết quả cũng khá tương tự với từ khóa “sư thầy).

Một đồng nghiệp trong làng giải trí bênh Đàm Vĩnh Hưng, đại ý thật không công bằng khi vì vụ tai tiếng này mà người ta quên đi những cống hiến âm nhạc của ca sĩ.

Lý lẽ này ngoài việc vô lý rõ rành rành (chẳng lẽ đã có cống hiến là muốn làm gì cũng được?), còn có một điều cần suy nghĩ thêm: Công chúng có quên thật không và nếu có thì có bất công không?

Chưa có cuộc khảo sát nào để đưa ra trả lời (và nếu có thì công chúng nào sẽ chịu tham gia trả lời kháo sát), chỉ biết thông tin phổ biến nhất về Đàm Vĩnh Hưng trên Google liên quan đến vụ “hôn môi hai nhà sư”, chứng tỏ đây là thông tin được đọc nhiều/quan tâm nhất về Đàm Vĩnh Hưng hiện nay.

Kể cả chương trình ca nhạc dán băng rôn ầm ĩ khắp nơi Mr Đàm & The Voice “Nhạc tình muôn thuở” cũng chẳng được chú ý bằng.

Vậy công chúng (ở đây là cư dân mạng) có thiếu công bằng không? Câu trả lời là không. Trong lịch sử có không ít nhân vật nổi tiếng thân bại danh liệt vì một vụ bê bối lớn. Vụ việc của Đàm Vĩnh Hưng còn chưa là gì so với họ.

Cư dân mạng nhiều khi tàn nhẫn và chóng quên, nhưng chính là một phần tiếng nói của dư luận. Và tiếng nói đó công bằng, theo một khía cạnh nào đó. Một khi nhân vật cố tình hoặc vô tình gây chú ý bằng scandal mà còn đòi hỏi dư luận chú ý đến cống hiến chuyên môn thì quả thực vô lý.

Vụ Phương Uyên và Giọng hát Việt qua đi nhanh chóng, những lời kêu gọi tẩy chay chương trình này chìm vào quên lãng, độ ăn khách của nó vẫn tăng lên nhanh chóng. Nhiều người cho đó là bất công, khi công chúng không đủ tự trọng để quay lưng với một chương trình không tôn trọng công chúng.

Nhưng sự thật đó chứng minh rằng, cả scandal của Phương Uyên, Đàm Vĩnh Hưng hay toàn bộ chương trình Giọng hát Việt cũng chỉ là trò “mua vui”, thậm chí còn chẳng được “một vài trống canh”.

Mang đến vài đống tiền cho vài người (kèm theo mấy trận bão dư luận), nhưng mau đến cũng mau đi, đọng lại, là gì?

Theo Báo giấy