Quả lê tự sướng

TP - Sắp giữa thu rồi đấy nhỉ. Nghe nói bánh trung thu ở quê nhà sớm đắt? Bên này chẳng có loại bánh ngọt ấy để ăn, bù lại, lê và táo ngọt ngào chẳng kém, giá rẻ như cho. Cơn cớ làm sao cứ hỏi ông Putin ở nước Nga và bà Angela Merkel nước Đức là biết.

Người châu Âu thở dài “lại chơi trò ông lớn rồi đấy” mỗi khi có xung đột vũ trang, li khai hoặc sáp nhập vùng lãnh thổ đâu đó trên thế giới này.



Chuyện xảy ra ở Ucraina, chưa kịp để nước này tự giải quyết các ông lớn đã nhảy vào. Châu Âu quyết định trừng phạt Nga. Đáp lại, Putin không cho nhập trái cây châu Âu nữa. Và rồi mọi sự rối bung beng, người Nga không có đủ lê, táo và dầu ôliu mà ăn còn nông dân châu Âu nhìn cánh đồng trĩu quả, tự hỏi “có nên thu hoạch hay cứ để quả chín rụng lầy đất?”. 

Trồng cây chỉ mong ngày hái quả. Thu đến cũng là mùa nông dân được gặt hái trên cánh đồng. Nào táo đỏ lê vàng, ruộng ngô đã mẩy hạt, khoai tây đang căng da nằm no tròn trong đất còn bí ngô sắp ngả màu cam... Hơn một năm rồi Jacek mới lại từ Ba Lan sang Bỉ thăm chúng tôi.

Là con trai trưởng trong gia đình nông dân nhưng vụ mùa này anh không ở nhà phụ giúp thu hoạch táo mà sang Bỉ kiếm việc “Thà để chín thối trên cành. Bán chẳng được bao nhiêu lại phải trả khoản tiền rất lớn để hái táo, phân loại táo”. Năm nay bố mẹ Jacek không than đau lưng, đau khớp - bệnh mãn tính của nông dân, nhưng ngày nào ngắm những trái táo chín mọng trong vườn họ cũng đau lòng. 

Nghe Jacek kể tôi vội giấu túi lê vừa mua với giá chỉ 50 cent/cân. Tin nổi không, những quả lê to như trái bưởi, ngọt lịm như đường phèn mà bác nông dân gần nhà tôi lôi ra từ tủ lạnh lớn (lại còn tốn tiền bảo quản trong tủ lạnh nữa chứ) có giá chưa đến 15.000 đồng/cân?

Tôi kể cho Jacek nghe nông dân ở Việt Nam cũng hay gặp cảnh tương tự, nào dưa hấu chín thối ở cửa khẩu, vải thiều ngập phố... nếu một mối quan hệ ngoại giao nào đó xấu đi, xuất khẩu đình trệ. 

Nhớ cái thời giao thương còn chưa tiện lợi, tuổi thơ của tôi chỉ được ăn cây trái vườn nhà. Đến mùa vải thiều, nhãn lồng Hưng Yên, bà tôi thường nhanh nhảu cho hái sớm “ăn tranh chim và bọ xít”. Bây giờ được mùa thu hoạch mà không được mùa xuất khẩu, đến chim cũng chẳng thèm rỉa quả.

Liên minh châu Âu quyết định chi 125 triệu Euro hỗ trợ nông dân sau lệnh cấm nhập khẩu của Nga. Tiền rút ra từ Quỹ chính sách nông nghiệp chung, chẳng đủ. Ở vùng Limburg, thủ phủ của nông nghiệp và trái cây nước Bỉ có một thị trấn tên gọi Peer (tiếng Hà Lan có nghĩa thị trấn Quả Lê), ông thị trưởng mới đây sáng kiến ủng hộ nông dân bằng cách tải một clip lên YouTube kêu gọi người địa phương mua và ăn lê hết mức có thể. Chưa hết, đăng càng nhiều hình ảnh tự sướng khi ăn lê lên trang mạng xã hội càng tốt. Những video, hình ảnh này có nhan đề “Khi người thành Lê chén lê”. 

À, cái sáng kiến gắn liền trào lưu selfie - chụp ảnh tự sướng này quả thời thượng. Với selfie tôi chẳng dửng dưng cũng không nhiệt tình, đôi lúc thấy thiếu thiện cảm khi đọc thông tin kiểu như hệ thống camera phát hiện 2.767 người chụp ảnh tự sướng trong phòng kín khi đi bỏ phiếu vào ngày bầu cử 25/5/2014 tại Bỉ. 

Phạm luật đã đành, chính là không hiểu họ thấy sướng gì trong phòng kín đó. Nhưng thôi, nếu kiểu này giúp được nông dân tiêu thụ lê thì cứ selfie thoải mái đi. Người ta lạc quan bình luận tếu rằng vấn đề của quả lê coi như được giải quyết, bây giờ dân châu Âu chỉ cần nấu ăn nhiều hơn bằng dầu ôliu của Hy Lạp và trong bữa ăn gắng tăng khẩu phần táo Ba Lan. 

Giá mà mọi chuyện đơn giản thế. Đã sang ngày thứ ba tôi ăn lê, vừa ăn vừa nghĩ nếu hôm nay được nếm một miếng dứa của châu Á, quả chuối Panama hoặc trái hồng nhập từ Colombia thì đỡ ngán biết mấy. Sáng sáng lái xe qua nhà một nông dân thân quen, mắt tôi không còn háo hức nhìn tấm biển mời chào táo, lê chỉ 50 cent/cân nữa (ảnh).