Bức ảnh “xét lại”
Phúc Tân kêu gọi trả thù là bức ảnh đen trắng chụp một bé gái mắt dõi về phía xa đau đớn gào khóc trên nền những ngôi nhà cháy dữ dội và cảnh đổ nát hoang tàn. Bức ảnh gây ấn tượng mạnh, đoạt Giải thưởng Lớn tại cuộc thi ảnh quốc tế ở Liên Xô năm 1967. Chẵn bốn chục năm sau đoạt Giải thưởng Nhà nước. Nhưng một thời gian dài nó bị lãng quên và tác giả thì gặp khó. Lý do: Quá đau thương, làm yếu lòng người ra trận, và gây tâm lý sợ hãi chiến tranh.
51 năm trước, 1966, Hà Nội trở thành mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ. Bức ảnh có cái tít mạnh mẽ Phúc Tân kêu gọi trả thù ra đời trong hoàn cảnh ấy. Người chụp ảnh là Vũ Ba, phóng viên báo Quân đội Nhân dân. Ông năm nay đã 87 tuổi, định cư TPHCM từ 1981. Biết rằng bức ảnh nổi tiếng này từng được một số đồng nghiệp khai thác, hôm nay tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với nhà báo lão thành Vũ Ba bằng câu hỏi ông ưng ý nhất điều gì ở bức ảnh. Ông cho biết:
“Ðiều ưng ý nhất, là tôi bám được tình hình đấu tranh chính trị lúc bấy giờ. Thời điểm ấy Tổng thống Johnson tuyên bố Mỹ đưa máy bay đánh phá miền Bắc chỉ nhằm mục tiêu quân sự, không phải thường dân. Tôi nghe ức lắm. Trước đó tôi đã chụp được nhiều bức ảnh bám sát thực tế. Bây giờ nói không hề ném bom dân thường thì tôi đã chụp được cảnh khu dân cư lao động bị bom, nhà cháy, trẻ con khóc kêu cứu... Cho nên, bức Phúc Tân kêu gọi trả thù khiến tôi ưng ý vì thực hiện được ý đồ lột mặt nạ Tổng thống Johnson”.
Hỏi: “Có đúng ông bị hạ cấp bậc vì bức ảnh này?” Ông đáp: “Sao vạch không hạ nhưng tôi bị phê bình kiểm điểm, mười mấy năm không lên lương. Tại cuộc thi ảnh nhân 50 năm Cách mạng tháng Mười, tôi gửi ảnh này sang Liên Xô tham dự với tít: Phải chăng đây là mục tiêu quân sự của Johnson. Họ sửa thành Không thể để thế này được và chấm Giải thưởng Lớn. Sau đó, tôi được biết ông đại sứ Việt Nam tại Liên Xô phản ánh về nước rằng bức ảnh nội dung đau thương như thế, lại đặt tít Không thể để thế này được có ý chống lại chiến tranh, gây tâm lý sợ hãi chiến tranh, người chụp ảnh đi vào con đường xét lại. Tổng biên tập của tôi lúc ấy là Nguyễn Ðình Ước nghe bực lắm cho nên ngoài kiểm điểm thì bức ảnh của tôi suốt mười mấy năm không được triển lãm, phát hành. Mãi năm 1979 khi Trung Quốc đánh ta, báo Nhân Dân có bài khen bức ảnh, tít về sau là Phúc Tân kêu gọi trả thù, thì nó mới được nhìn nhận lại”.
Ký ức của “Em bé Phúc Tân”
“Em bé Phúc Tân” là biệt hiệu của Dương Thị Lượt tức Bé khi bức ảnh Phúc Tân kêu gọi trả thù trở nên nổi tiếng. Cô bé 11 tuổi xinh xắn, đau khổ trong bom đạn và cảnh hoang tàn năm xưa, nay lên chức bà ở tuổi 62, sống tại số 44 Q6, tập thể Tân Mai Hà Nội.
Buổi chiều tháng Tư, vẻ mệt mỏi, bà Bé cho biết đang chữa trị căn bệnh tiểu đường và tim mạch. Nhưng bà vui vẻ hồi ức lại kỷ niệm không thể nào quên 51 năm trước:
“Năm đó đang sơ tán ở Nam Hà với bố, tôi lên Hà Nội thăm mẹ mấy ngày. Mẹ bảo cứ ở đây không phải đi đâu nữa, chết thì chết. Nhà nuôi hai con lợn với mấy con gà, hôm ấy mẹ bảo tôi ra chợ Hàng Bè nhặt rau lợn còn mẹ đi kéo xe bò. Ðược đầy rổ rau tôi đi về, rẽ vào nhà đứa bạn tên là Thêm. Hai đứa nói chuyện một lúc thì còi báo động vang lên, bèn chui vào gầm giường, hoảng sợ thấy nhà cửa run bần bật. Một lúc nghe tiếng kêu cháy rồi cháy rồi, tôi nghĩ thôi chết, thể nào cũng cháy nhà mình, liền chạy về đạp cửa (hồi ấy cửa chỉ buộc sơ chứ không khóa). Gió to cuộn khói muốn mù mắt. Bình thường hộ khẩu và sổ gạo mẹ tôi luôn để trong cái túi và dặn có báo động thì phải chạy cái này trước. Tôi đeo vội túi, vơ mấy cái quần áo chạy lên đê, vừa chạy vừa hô các ông các bà ơi cứu cháu với, vì lửa lúc ấy lan đến gần nhà tôi mà chẳng ai ở nhà. Tôi cứ chân cao chân thấp ngã vập ngã vồ, vừa chạy vừa hô. Thế là có mấy ông bà chạy từ trên đê xuống cứu, họ bắt lợn gà cho vào bao tải mang lên đê chèn đá giữ nó ở đấy. Tôi cứ chạy đi chạy lại như thế hàng chục lần. Nhà tôi cháy gần cuối cùng trong khối, tan hoang cả. Mẹ tôi lúc ấy biết Phúc Tân cháy nhưng không về được. Thấy nhà cháy rừng rực còn mình không biết phải làm gì, tôi hốt hoảng khóc gọi mẹ ơi mẹ ơi! Rồi tự nhiên thấy ông Vũ Ba chạy đến hỏi cháu ở đâu, nhà bị sao, cùng một ông nữa. Hóa ra ông ấy đã chụp được bức ảnh tôi đang gào khóc”.
Vũ Ba, tác giả bức ảnh trứ danh, khớp thêm thông tin của bà Bé: “Mỗi khi nghe còi báo động máy bay Mỹ ở cự ly gần là tôi lại đạp xe xách máy ảnh đến các trận địa. Hôm ấy đến cầu Long Biên thì bom dội. Trên đê nhìn xuống bờ bãi sông Hồng thấy lửa ngùn ngụt. Tôi lao về phía ấy thấy một cháu bé cứ gào khóc mẹ ơi giữa biển lửa. Tôi bấm ngay một kiểu rồi nhìn cột đồng hồ phố Trần Nhật Duật, chỉ 3 giờ 15 phút chiều. Có anh phóng viên báo Hà Nội Mới cũng xông vào đám cháy để chụp. Khi tôi chụp con bé thì chụp được cả anh ấy. Tôi không rõ tên nhưng biết là ở báo Hà Nội Mới vì sau khi tôi chụp, anh ấy chạy đến nói em ở báo Hà Nội (Mới) đây. Cùng thời điểm này tôi còn chụp được bức Vào lửa ưng ý, về sau đoạt giải Nhất của Hội Nhà báo Việt Nam 1968.
Thời xa vắng
Năm 2012, trong tọa đàm quanh cuốn sách Ðối mặt với B52, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành phát biểu: “Một trong những nhiệm vụ của báo chí thời chiến tranh là tố cáo tội ác của địch, chụp nơi có người bị bom nhưng hay hướng vào nhà đổ, hầm sập, chùa chiền bị phá mà ít chụp cảnh người chết, dân sống khó khăn. Quan điểm của trung ương là không muốn thấy đau thương mất mát nhiều vì tác dụng hai mặt, một mặt tố cáo chiến tranh nhưng mặt khác gây sợ hãi. Chính vì thế chúng ta có những bức ảnh tố cáo rất tốt nhưng không tung lên phương tiện thông tin đại chúng khiến báo chí thế giới không biết đến. Ðó là điều đáng tiếc vì đưa ra được những tấm ảnh giá trị của phóng viên Việt Nam- trực tiếp sống dưới bom đạn, thì tiếng vang và tác động rất lớn”.
Ông Thành so sánh những bức ảnh đó, tiêu biểu là Phúc Tân kêu gọi trả thù, với bức Em bé Napal của Nick Út có giá trị phản ánh sự thật và tố cáo tội ác mạnh mẽ vì đã kịp thời công bố ra thế giới.
Vũ Ba vốn dân quay phim. Căn bệnh đau dây thần kinh tọa từ lúc 26 tuổi khiến ông phải chuyển sang chụp ảnh vì chiếc máy quay 7 ki lô gam “làm tôi cứ run lên”. Qua điện thoại, ông lúc nói giọng Bắc lúc giọng Nam vì quê ông ở Nam Ðịnh nhưng 5 tuổi đã vào Sài Gòn sinh sống, đến 1954 tập kết ra Bắc, 1981 lại trở vào Nam. Vũ Ba kể: “Xuất thân quay phim lại từng là phóng viên báo Hình Ảnh của quân đội từ năm 1957, năm 1959 chuyển sang báo Quân đội Nhân dân, cùng hệ thống Tổng cục Chính trị với báo Hình Ảnh, làm phóng sự nhiều nên tôi say mê và quen săn lùng cái đẹp, điển hình nhất”. Nhưng Vũ Ba cũng nói “Tôi hay bám sát nội dung chính trong công tác tuyên truyền của chúng ta rồi tìm cách thể hiện quan điểm của mình”, mà Phúc Tân kêu gọi trả thù là một ví dụ. Tư tưởng thông suốt như thế mà vẫn bị “xét lại”, khốn đốn thì chỉ có thể là chuyện một thời? Nhắc lại để nhớ thời xa vắng ấy với ít nhiều ngậm ngùi, và thêm trân trọng những nhà báo, nghệ sĩ chân chính như Vũ Ba.
Sau khi Phúc Tân kêu gọi trả thù in báo lần đầu, phóng viên Vũ Ba trở lại xóm bãi sông Hồng tìm nhân vật của mình để tặng cô bé tờ báo và tìm hiểu cuộc sống của cô sau khi cháy nhà. Vài năm sau đó họ mất liên lạc. Mãi 2007 ông mới lần ra địa chỉ của Bé và họ có cuộc hội ngộ cảm động. Qua bạn bè, ông gửi tặng bà Bé món tiền nhỏ và mời bà vào TPHCM chơi ít hôm. Từ đó đến nay chẵn chục năm, Vũ Ba giờ đau yếu vì tuổi già mà bà Bé cũng nghỉ bán tai lợn, vó bò ở chợ Mơ do bệnh tật. Chồng bà vẫn làm nghề xe ôm sau khi giải ngũ.
NSNA Chu Chí Thành, thành viên hội đồng xét tặng Giải thưởng Nhà nước 2007:
Còn có những bức ảnh “xét lại” khác
Khi tôi vào nghề ở Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) năm 1966 thì Vũ Ba đã nổi tiếng với bức ảnh Phúc Tân kêu gọi trả thù và bức Vào lửa cùng chụp chiều 13/12/1966.
Những năm chiến tranh, phóng viên ảnh VNTTX và báo Quân đội gặp nhau hàng ngày- khi ở trận địa cao xạ, tên lửa, khi ở phòng phát hành ảnh của Phân xã Nhiếp ảnh VNTTX số 18 Trần Hưng Ðạo. Giọng nói trầm ấm, nụ cười đôn hậu, tính khiêm tốn, Vũ Ba làm người ta dễ gần.
Năm 1967, Phúc Tân kêu gọi trả thù được báo Sự Thật trao Giải thưởng Lớn và mời tác giả sang Liên Xô nhận giải. Nhưng ông không được đi. Những năm ấy phong trào chống “xét lại” ở miền Bắc rất mạnh, đặc biệt trong văn hóa văn nghệ, báo chí. Trong nhiếp ảnh, ngoài Phúc Tân kêu gọi trả thù thì bức Gà ấp trứng của Ðức Như, phóng viên ảnh Phân xã Nhiếp ảnh VNTTX cũng bị coi là “có vấn đề”. Ảnh chụp một con gà mái đang ấp trứng, ổ trứng đầy rơm trong cái mũ sắt của quân đội Pháp thua trận để lại. Tác giả thuyết trình rằng: Hình ảnh con gà và ổ trứng tượng trưng cho hòa bình chiến thắng, còn cái mũ sắt tượng trưng sự thất bại của quân xâm lược. Nhưng một số người quản lý văn nghệ và nghệ sĩ lại cho rằng bức ảnh có ý đồ ru ngủ, thỏa mãn với hòa bình, quên mất nhiệm vụ đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam v.v.
Chúng tôi những người cầm máy lúc đó thấy vậy cũng chờn. Cho nên rất ít người hướng ống kính vào cảnh chết chóc, tang thương. Tuy nhiên VNTTX và Ủy ban Ðiều tra Tội ác của Mỹ ở Việt Nam lại có bộ phận đảm nhiệm việc này.
Về Vũ Ba, tôi nhớ khi hòa bình lập lại, tình cờ một nhà báo Liên xô tốt bụng gặp ông, biết chuyện đã đến sứ quán Liên Xô tại Hà Nội làm việc với Tùy viên Văn hóa, rồi liên hệ với báo Sự Thật, được họ cho biết: Hồ sơ và giải thưởng còn đó, báo Sự Thật rất vui mừng mời Vũ Ba sang nhận giải và thăm Liên Xô hơn một tuần. Báo Quân đội lúc ấy chẳng ngần ngại gì nữa đã làm giấy tờ để phóng viên của mình xuất ngoại đón vinh dự.
Là người cầm máy ảnh trong chiến tranh lại trải qua các cuộc sát hạch nghệ thuật nhiếp ảnh trong ngoài nước, tôi rất cảm phục con người và tác phẩm Vũ Ba. Chỉ vì một bức ảnh mà lên bờ xuống ruộng nhưng ông không bao giờ than thở oán thán. Ông luôn tin vào lẽ phải và sức mạnh của nghệ thuật nhiếp ảnh.
Cuối cùng, Phúc Tân kêu gọi trả thù cũng được hội đồng xét duyệt Giải thưởng Nhà nước 2007 (trong đó có tôi) nhất trí trao tặng giải thưởng. Giải cho một tấm ảnh duy nhất. Bởi nó thực sự tuyệt vời.