Nhạc sĩ tham vọng có cơ hội làm đêm nhạc 7.0, 8.0 nhưng đó là chuyện mai hậu.
Anh trò chuyện về tuổi 60 đầy trải nghiệm về cuộc sống- tình yêu, và Về lại phố xưa chương trình để lại dấu ấn trong khán giả những ngày tháng 11 này.
“Về lại phố xưa” lần hai, có gì?
Đêm của anh, quảng trường Nhà hát Lớn kín xe hơi, khán giả đa số ở lứa trung niên trong đó nữ chiếm ưu thế - mặc diện, lặng phắc nghe, chịu khó vỗ tay. Khán giả của Phú Quang đang già đi?
Trước tôi cũng nghĩ, khán giả của mình phải là những người lớn tuổi, từng trải, từng va vấp, còn người trẻ chẳng thích nhạc mình. Nhưng khi biểu diễn ở các trường đại học, tôi biết là mình nhầm. Có buổi đã 12 giờ đêm mà họ vẫn gào lên. Hôm trực tuyến trên VnExpress, có cô bé 17 tuổi bảo “cháu cứ nghĩ chú là người yêu kiếp trước của cháu”, tôi đùa vậy thì người yêu của cháu ra đời cách đây 43 năm cơ à”. Nhiều khán giả dưới 20 yêu cầu những bài mà tôi ngỡ ngàng.
Anh vẫn chọn bài đại chúng, chiều lòng khán giả: "Hà Nội ngày trở về", "Điều giản dị", "Thương lắm tóc dài ơi", "Chiều phủ Tây Hồ", "Mơ về nơi xa lắm"…Tôi thì nghĩ "Biển của thời đã mất", "Mùa hạ còn đâu", "Nỗi khát khao mặt trời", "Trong miền ký ức"… - những ca khúc ít phổ biến hơn - mới thuộc loại “đỉnh” của Phú Quang.
Đợt này dành để kỉ niệm, tổng kết nên không thể không có những điểm danh kiểu đó. Mỗi đêm theo tôi đã quá dài (2 tiếng rưỡi) không thể tải hết, tôi đã định cắt bớt một số bài. Như vừa định cắt Thương lắm tóc dài ơi thì có đứa cháu con anh bạn nhắn vào máy “Cháu được bố mẹ mua vé cho, không biết có bài Thương lắm tóc dài ơi không hả bác”, thế là lại phải để.
Làm sang cho Phú Quang lần này là một không gian sân khấu đầm ấm; dàn nhạc vẫn cầu kì như mọi khi; một Hồng Nhung hát Nỗi buồn hay mà còn có tình tiết ứng xử đầy văn hóa trên sân khấu; một Lê Khanh đài từ “Hà Nội chuẩn” (dẫn chương trình), Bùi Công Duy - Trinh Hương độc tấu violon - đệm piano không qua hệ thống âm thanh; sự trở về của Ái Vân… Anh hài lòng?
Điều tôi hài lòng nhất là dường như các ca sĩ đều nhìn nhau, đua nhau để làm tốt nhất. Nghệ sĩ phải như vậy, có đua tranh.
Tôi đánh giá cao Hồng Nhung về sự nghiêm túc. Em ơi Hà Nội phố cô ấy hát mãi rồi, nhưng trước mỗi buổi đều đòi tập lại. Nhung vẫn luôn giỏi trong phản xạ.
Thanh Lam cũng không đọc thơ và luyến láy vô tội vạ nên được hẳn lên (Nỗi nhớ). Hẳn anh phải quân phiệt lắm?
Tôi kể với Lam, tan diễn khán giả bắt tay khen chú, mà thực ra là khen cháu. Họ kể vợ chồng em chỉ mất 2 triệu (một cặp vé) mà được xem một đêm hoàn hảo, chương trình trước mất 4 triệu. Lam hỏi thế là thế nào. Tôi bảo là vì lần trước, hôm thì Thanh Lam hát nhầm câu này hôm thì hát nhầm câu kia, phải xem hai đêm mới hoàn chỉnh. Cô ấy bảo sao chú thù dai nhớ lâu thế! Rồi hỏi sao chú không làm hẳn năm đêm? “Vì chú thấy cháu chỉ có ba bộ quần áo”.
Với Thanh Lam tôi vẫn nói tôi đánh giá cô ấy là giọng ca thuộc loại hàng đầu Việt Nam nhưng khi bốc quá thì khó kiểm soát. Lần này cô ấy kể: vừa hát vừa liếc vào cánh gà không thấy ông Quang nhăn nhó mới yên tâm.
Trong chương trình còn có Nỗi nhớ mùa đông dành tưởng niệm thi sĩ Thảo Phương vừa qua đời. Bài thơ phổ nhạc này được nhớ nhất trong đời thơ của chị Thảo Phương nhưng Nỗi nhớ mùa đông theo cảm nhận của tôi, khi phổ vẫn gây cảm giác “hát thơ” trong khi "Em ơi Hà Nội phố" (phổ thơ Phan Vũ), "Biển của thời đã mất" (phổ thơ Dương Thu Hương), "Biển nỗi nhớ và em" (phổ thơ Hữu Thỉnh) là âm nhạc đích thực, cực nhuyễn?
Khi viết Nỗi nhớ mùa đông tôi cứ nghĩ đến Paul Mc Cartney ca sĩ của Beatles với Yesterday, bài rất ngắn và tuyệt. Tôi cố ý thử viết bài ngắn như Nỗi nhớ mùa đông xem có thuyết phục được mọi người. Nó là một thể nghiệm, thành công hay không còn tùy cảm nhận, cũng có thể nó là hát thơ. ¾ lời bài hát là của tôi, chỉ ¼ của Thảo Phương.
Người làm nhạc của hơn 200 bộ phim như anh hãy cho biết theo anh thì ở Việt Nam ai viết nhạc phim hay?
Đàm Linh. Tay nghề rất chắc.
Anh từng đánh giá Lê Dung là ca sĩ có học nhất, hiện nay thì ai?
Không có. À, có Bích Thủy hát nhạc cổ điển, nhưng nội tâm vẫn có vẻ chưa đủ phong phú. Hát như Hồng Nhung, Hà Trần là hiếm, ca sĩ đa số hát bản năng. Có ca sĩ giọng hay, xử lý giỏi, nổi tiếng lâu nhưng càng ngày cách chọn bài càng có vấn đề.
Chất lượng bài hát quyết định phải đến 50% thành công. Nghe cả đĩa Celine Dion hoặc Mariah Carey có khi bạn chỉ thích khoảng ba bài, không phải vì các bài kia họ hát không hay mà là do bài không hay. Ca sĩ không thể biến bài dở thành bài hay, “tôi mà đã hát thì cả mười bài đều hay” được.
Anh thấy Bằng Kiều thế nào?
Giọng cực kỳ cá tính. Tôi rất thích. Sang Mỹ biểu diễn tôi có gặp. Bằng Kiều cũng muốn về hát lắm. Tôi không tin Bằng Kiều cố tình cầm cờ ba que như người ta đồn. Đang hát hò trên sân khấu người ta nhét gì vào tay thì cầm cái ấy thôi, làm gì có ý thức gì. Đến Phạm Duy còn có ngày về cơ mà.
“Đôi khi cuộc tình ngỡ đã nhạt nhòa/Bỗng trở về với xót xa”
Tuổi 60 của nhạc sĩ Phú Quang như thế nào? Vẫn duy mỹ, cầu toàn, thích lập ngôn, nói có người nghe đe có kẻ sợ, đời tư thì như cái bánh bóc ra cho thiên hạ xem?
Lập ngôn gì đâu, chẳng qua mình hay nói cái gì đó có thể làm người ta nhớ.
Tôi vẫn giữ thú sưu tầm những đồ vật nho nhỏ xinh đẹp, thế là duy mỹ chăng. Và đã làm chương trình là phải kỹ, sang, phải là Nhà hát Lớn. Khó tính thì rõ rồi.
Nhiều bài phỏng vấn hoặc viết về tôi trên báo không hề đúng, tôi không phô trương đến thế, kể tồng tộc hết cả ra. Có đến 50% phỏng vấn không phải là của tôi, việc này có lẽ đến lúc phải nói đến nơi đến chốn, sòng phẳng.
Tình đồng nghiệp ở giới âm nhạc chẳng cao gì cho lắm?
Tôi ít chơi với dân trong giới, nói thật là không thích lắm. Ở giới nhạc tôi gặp rất nhiều người mà sau hai mươi năm sau vẫn nói đến những ý đồ ý tưởng của chục, mười lăm năm trước. Phần đông trong số họ nói chuyện chán lắm, mà mình là người làm việc nhiều nên lúc nghỉ ngơi thì đúng nghĩa nghỉ ngơi, không tranh luận nghề nghiệp, bình phẩm nọ kia…
Hồi trước sống ở Sài Gòn, tôi có nhận xét rằng một số nhạc sĩ cứ viết những bài “trẻ mãi” và quá sến. Họ liền thách tôi viết được sến. Tôi bảo có ai bảo nude là khó đâu, nhưng người ta không dám!
Anh viết: “Có những khi về qua phố - phố chói chang không thấy mặt trời/ Có những khi về qua phố - phố quá đông không thấy mặt người” (Chuyện bình thường cuối cùng). Cuộc đời anh đến giai đoạn này đã bớt mệt chưa?
Có người khen tuổi Trâu của tôi sướng. Tôi bảo đã là kiếp người thì làm gì có tuổi con gì mà sướng được. Được cái nọ thì mất cái kia thôi. Nghệ sĩ thì cô đơn đến chết. Vừa dở hơi vừa cô đơn, ai yêu vào chỉ có khổ.
Nghe nói anh không yêu ai chỉ đẹp không?
Đẹp không thôi thì ai mà yêu nổi. Như các hoa hậu, tôi chả bao giờ để ý. Phụ nữ cần thông minh nữa, và nói gì thì nói, phải có một tấm lòng. Không có tấm lòng thì khó.
Lại nghe nói các cuộc tình của anh nếu kết thúc đều êm đẹp không tan nát? (Gọi là kết thúc có hậu chăng). “Ngày mai anh sẽ khác - dù cây cỏ rất mềm/Ngày mai anh sẽ hát - bài hát là xa em” phổ thơ Nguyễn Khắc Thạch, anh bảo là viết tặng một cuộc chia tay đẹp. Trên đời này có cả những cuộc chia tay êm đẹp?
Chia tay mà người ta vẫn trân trọng nhau, nghĩ tốt về nhau thì êm đẹp chứ sao. Vì lý do gì đó mà không thể đến được với nhau, buộc phải chia tay thì đành chia tay.
Anh lại nghệ sĩ. Có câu “nhẫn tâm như người yêu cũ đối với người yêu cũ” nghe đời hơn.
Tôi yêu ai thường nhớ những tiểu tiết, khi hết yêu có thể cũng chỉ vì tiểu tiết. Đôi khi cuộc tình ngỡ đã nhạt nhòa/Bỗng trở về với xót xa là bởi tôi cứ day dứt trong hoài niệm. Kỉ niệm dù xa đến mấy nhưng khi ký ức trở về thì tươi rói như mới hôm qua.
Và tôi có cái dở là trí nhớ hình ảnh quá tốt, điều này lợi cho việc làm phim làm kịch, khiến người ta sợ luôn, nhưng trong đời sống thì vứt đi. Nó làm mình khốn khổ.
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa hồi làm phim Tình nhỏ làm sao quên có nhờ tôi viết nhạc. Tôi xem băng rồi bỏ ra ngoài, anh ấy hỏi có cần xem lần nữa không, tôi bảo đủ rồi. Anh ấy nghĩ thằng này kiêu ngạo. Tôi liền kể lại khoảng hơn chục hình ảnh trong phim mà tôi sẽ chọn làm nhạc. Anh ấy nói: “Nếu không phải là lần đầu tiên cho Quang xem phim này - vì chỉ anh có duy nhất băng này trong tay thôi, thì anh tưởng Quang phải xem đến trăm lần”. Nhớ khủng khiếp luôn. Hình ảnh luôn đọng lại trong tôi rất lâu. Và cái gì hay tôi nhớ mãi, ký ức đẹp về người mình yêu thì nhớ mãi, đến khó mà nhẫn tâm được.
Trên mạng trực tuyến, có cô gái hỏi anh về bài Khúc mùa thu “Em tìm gì khi thất vọng về tôi”, rằng chú đã bao giờ làm ai thất vọng chưa, và anh trả lời là chưa. Anh nói thật đấy à?
Thật. Sai lầm lớn nhất của tôi đối với vài người là khi yêu, tôi đã chiều họ quá, đến mức họ nghĩ họ có thể làm gì với mình cũng được.
Người yêu nhiều chưa chắc là người lăng nhăng, xấu, họ yêu nhiều chỉ vì không có được điều mà mình muốn. Đông - Gioăng đáng thương hơn đáng trách chứ, anh ta có kiếm ngay được người mình cần đâu nên cứ phải đi tìm.
Tôi thấy anh cũng là người biết tận hưởng cuộc sống, sao hay mang vẻ chán chường và thủ thế, chống chọi với đời?
Là vì mình luôn sống không dễ dàng. Ví dụ người ta hút thuốc tôi cũng hút thuốc nhưng người ta vừa có điếu thuốc trên tay vừa có tút thuốc trong cặp một cách dễ dàng, còn tôi có được bao thuốc này thì phải mua đắt gấp hai ba lần người ta. Cái giá mình phải trả để có được mọi thứ luôn luôn quá đắt, hơn người khác.
Lý do?
Tôi là người kém may mắn. Thời bao cấp, cơ quan có bắt thăm chẳng bao giờ tôi bắt trúng cái săm cái lốp nào. Động tay vào là y như rằng hỏng. Sau này, mình làm cái gì mười thì chỉ được công nhận khoảng năm, mà năm là mừng lắm rồi, có khi chỉ một, hai. Nhưng như thế cũng hay vì cuối cùng mọi người cũng nhận ra.
Giờ thiên hạ nghĩ gì không phải là điều tôi quan tâm nữa. Cũng không thủ thế, chống chọi gì nữa rồi. Và khi mình buồn thì chẳng ai biết được, để người ta biết làm gì cơ chứ.
Nguyễn Tuân viết: “Bao nhiêu người chẳng hề yêu nhau mà vẫn có con sống con chết, ở với nhau hết năm này năm khác mà không biết đến vẻ đẹp của giải tán”. Xứ mình chữ “sĩ” nhiều khi đặt trên hết, cùng những hệ lụy khác nên dễ gì mà “giải tán”. Quan niệm của anh?
Tôi thì thích câu này của Giê-su: “Sống với người không hiểu mình thì thà lên núi sống một mình còn hơn”. Một cặp vợ chồng hay tình nhân có thể ngồi lên lòng nhau, gắp thức ăn cho nhau, à ơi điện thoại trước đông người nhưng chỉ thoáng qua là thiên hạ biết họ không còn yêu nhau. Còn những người yêu nhau thật, dù họ đứng cách xa hàng bao nhiêu mét, chẳng nói câu nào, vẫn bị người khác nhận ra là họ đang yêu. Đời ngắn lắm, sống được bao lâu mà phải dối trá.
Anh nói vậy để biện hộ cho những cuộc tình, cuộc hôn nhân liên miên của mình?
Không phải. Những chuyện như thế cũng chả hay ho gì, nhưng còn hơn là giả vờ hay ho.
Anh cũng đến lúc viết hồi ký rồi đấy nhỉ.
Viết rồi, nhưng khi đang có trào lưu tung hồi ký thì tôi lại chưa thích tung.
Anh đọc lại tôi nghe ca từ bài "Biển của thời đã mất", "Nỗi khát khao mặt trời" - một phổ thơ và một là nhạc phim mà anh đã viết như thể một người sâu sắc (ha ha!)
Đây. Biển của thời đã mất (thơ Dương Thu Hương):
Biển rất xanh và cát trắng dịu êm/Con sóng ru lời hát ru bình yên/Và từng cánh buồm lộng gió khơi xa/ Đã có một thời em yêu anh như thế.
Nhưng anh đi xa rồi- Nơi chân mây cuối trời/ Chỉ còn mình em với nỗi đơn côi.
Những tháng năm xa dần - Giấc mơ xưa phai tàn/ Em như kẻ chài mòn tay với biển.
Rồi những ngày giông bão tràn qua/Biển thét gào giận dữ cuồng điên/Làm sao, làm sao em giữ được tình yêu.
Nỗi khát khao mặt trời (bài hát trong phim Tình khúc 68, hai câu đầu của Phan Đan, phần sau của Phú Quang):
Vẫn nghe quanh đời những dòng sông đen réo con sóng đen cuộn một mặt trời trôi vào mịt mù
Vẫn nghe bên đời những bầy chim đêm vỗ đôi cánh đen ngậm một mặt trời bay vào mịt mù
Nhưng ta vẫn chờ một tia nắng nhỏ nhoi/ Nhưng ta vẫn chờ một tia sáng nhỏ nhoi
Và nỗi khát khao mặt trời, và nỗi khát khao một đời, còn mãi còn mãi trong ta.