Phụ nữ Việt trên phim giờ vàng đã bớt cam chịu

TPO - Phản ứng của khán giả với phim giờ vàng cho thấy dạng nhân vật nữ yếu ớt, nhu nhược không còn được ủng hộ. Những tình tiết nữ chính cam chịu đều bị chỉ trích. Trái lại, ngày càng nhiều bộ phim được đón nhận tích cực vì xây dựng hình tượng phụ nữ thời hiện đại mạnh mẽ theo đuổi đam mê. 

Chân dung phụ nữ hiện đại

Trong những bộ phim giờ vàng gần đây, nhân vật nữ chính không còn nhu nhược, cam chịu mà thường được xây dựng với hình tượng mạnh mẽ. Nhiều phim truyền hình cho thấy chân dung phụ nữ Việt hiện đại có sự thay đổi tích cực.

Bộ phim Đi giữa trời rực rỡ vừa khép lại phần 1 vào tối 18/10 dù còn nhiều tranh cãi nhưng nhân vật nữ chính Pu (Thu Hà Ceri đóng) có nhiều điểm đáng chú ý.

Pu là cô gái dân tộc Dao đỏ ưa khám phá, không muốn quanh quẩn ở ruộng nương rồi lấy chồng sớm như bạn bè cùng lứa. Cô nỗ lực lên thành phố học đại học ngành y, đối mặt nhiều rắc rối để trang trải học phí.

Nhân vật Pu cố gắng thoát nghèo, làm chủ số phận.

Xuyên suốt các tập phim, Pu luôn muốn thoát nghèo, tự lực vươn lên trong cuộc sống. Cô bảo vệ người yếu thế và phản đối tục tảo hôn. Dù gây nhiều tranh cãi về tính cách nhưng không thể phủ nhận ý chí, sự mạnh mẽ của Pu.

Gặp em ngày nắng lên sóng đầu năm 2024 cũng xây dựng hình tượng nữ chính mạnh mẽ, cá tính, thậm chí lấn át nam chính. Anh Đào (vai Phương) là cô gái gánh trên vai nỗi lo cơm áo gạo tiền. Nhiều lần Phương cho thấy tính cách đanh đá, thẳng thắn, không ngại đáp trả những người định hãm hại mình.

Khi mối quan hệ của Phương với nam chính bị mỉa mai "chuột sa chĩnh gạo", Phương đáp trả: "Này người hạng sang, học rộng hiểu nhiều không ai dạy dỗ về phép lịch sự tối thiểu à? Phép lịch sự tối thiểu là kẻ nói phải có người nghe, khi người ta đã ngồi đây nghe mình nói, mặc dù những lời mình nói như đấm vào tai, thì mình phải ngồi lại nghe người ta nói cho hết".

Nét cá tính của Phương giúp Gặp em ngày nắng được khán giả yêu thích, đòi tăng số tập.

Những nhân vật nữ mạnh mẽ, quyết tâm theo đuổi sự nghiệp riêng thường có nhiều góc để khai thác sống động trên phim.

Trong một số phim truyền hình gần đây, hầu hết nhân vật nữ chính không ở nhà quẩn quanh nội trợ mà theo đuổi sự nghiệp riêng. Trâm Anh (Khả Ngân) trong Gia đình mình vui bất thình lình là chủ một cửa hàng váy cưới, Duyên (Lê Bống) phim Lỡ hẹn với ngày xanh là kiến trúc sư và nghề bằng công trình cho trẻ vùng cao, Yến (Hoàng Thùy Linh) phim Không ngại cưới chỉ cần một lý do được định hình là sếp nữ trong một công ty lớn.

Khán giả không ủng hộ nữ chính nhu nhược, yếu đuối

Dạng nhân vật nữ yếu ớt, nhu nhược không còn được ủng hộ. Những tình tiết nữ chính cam chịu đều bị chỉ trích.

Trạm cứu hộ trái tim từng gây tranh cãi vì nữ chính Ngân Hà (Hồng Diễm) có diễn biến tâm lý nhạt nhòa, thiếu quyết đoán dù gặp nhiều biến cố lớn.

Ngân Hà được xây dựng như một nhân vật thiện lành, có trái tim nhạy cảm. Bị chồng phản bội, tiểu tam khiêu khích nhưng phải đến cuối phim, Ngân Hà mới có một pha phản đòn đáng kể là màn quật ngã An Nhiên (Lương Thu Trang) ở lớp học võ.

Hồng Diễm có diễn xuất tốt nhưng vẫn bị ném đá khi nhiều lần vào vai người vợ nhẫn nhục, yếu đuối quá mức.

Ngân Hà luôn lưỡng lự trước những quyết định lớn để giành lại tài sản bị chồng cũ cướp mất. Cô cũng áy náy, không muốn làm tổn thương mẹ chồng cũ, phần nào là lý do khiến bố đẻ phải ngồi tù. Sự ngờ nghệch của Ngân Hà khiến Trạm cứu hộ trái tim bị chê tầm thường hóa phụ nữ. Diễn viên Hồng Diễm cũng hứng làn sóng chỉ trích từ khán giả vì diễn mãi dạng vai yếu đuối, chỉ biết khóc lóc.

Nữ chính quá mờ nhạt, yếu đuối thường khó thu hút người xem vì mang lại sự mệt mỏi, thiếu những tình huống phim kịch tính.

Theo xu thế phát triển của kinh tế - xã hội, khán giả ngày nay đòi hỏi hình tượng những nhân vật phụ nữ hiện đại độc lập, gai góc, có chiều sâu tâm lý. Những bộ phim bắt kịp xu thế sẽ được đón nhận nhiều hơn.