Đến thời kỳ tiền mãn kinh, mọi phụ nữ đều phải trải qua các cơn bừng bốc hỏa. Đó là những cảm giác rất khó chịu mà chị em nào cũng muốn xua tan càng nhanh càng tốt. Làm gì để hóa giải chúng?
Cơn bốc hỏa ở thời kì tiền mãn kinh
Đây là vấn đề được ở phụ nữ thời kì tiền mãn kinh phàn nàn nhiều nhất. Các nghiên cứu cho thấy: các cơn bốc hỏa gặp ở ¾ số phụ nữ. Theo Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ thì một phụ nữ bước vào thời kì mãn kinh sẽ xuất hiện các cơn bốc hỏa trước đó từ 6 tháng đến 1 năm.
Cơn bừng bốc hỏa là cảm giác nóng dữ dội nhưng không do các nguyên nhân bên ngoài. Nó có thể xuất hiện đột ngột hoặc có các dấu hiệu báo trước như: cảm giác râm ran ở đầu các ngón tay, tim đập nhanh, đột ngột cảm giác nóng ở da, mặt đỏ bừng, vã mồ hôi, đặc biệt là nửa trên cơ thể.
Cho đến nay người ta vẫn chưa xác định được những nguyên nhân chính xác gây ra các cơn bừng bốc hỏa. Các nhà chuyên môn cho rằng: hầu hết các cơn bốc hỏa xảy ra do sự thay đổi hormon trong cơ thể. Ở một số phụ nữ hầu như không có các cơn nóng bừng mà chỉ có cảm giác bực bội nhẹ. Trong khi hầu hết những người khác thì các cơn bốc hỏa lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống theo một cách khá tiêu cực.
Tuy nhiên ở mỗi phụ nữ lại có những yếu tố khởi phát các cơn bốc hỏa khác nhau, chẳng hạn như: sau uống rượu, sau khi sử dụng các sản phẩm chứa cafein như cà phê, nước chè, ăn nhiều đồ ăn có các gia vị, ở lâu trong phòng nóng bức, tâm trạng cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng, mặc quần áo chật, hút thuốc hay ngửi phải khói thuốc thụ động…
Vì thế chị em nên ghi lại những triệu chứng của mình như là bạn đang làm gì, đang ăn gì, mặc gì… khi xuất hiện các cơn bốc hỏa. Làm như thế sau một vài tuần, bạn có thể xem lại và tránh những tác nhân đặc biệt gây khởi phát cơn bốc hỏa.
Cách hóa giải cơn bốc hỏa
Trên thực tế bạn có thể hóa giải các cơn bốc hỏa của mình với những công cụ hay kỹ thuật đơn giản như: chú ý mặc quần áo thoáng mát, bằng chất liệu vải cotton; uống một ngụm nhỏ nước lạnh khi bắt đầu cơn bốc hỏa; chuẩn bị sẵn một túi chườm lạnh trên bàn cạnh giường ngủ; sử dụng các sản phẩm tự nhiên hay thực phẩm chức năng để kiểm soát các cơn bốc hỏa…..Tuy nhiên bạn cần thảo luận với các bác sĩ trước khi bạn quyết định sử dụng một loại gì.
Sử dụng hormon thay thế:
Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng liệu pháp hormon thay thế nếu các cơn bốc hỏa làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống cuả bạn. Dùng estrogen bổ sung giúp giảm tỉ lệ mắc và mức độ nặng của các cơn bốc hỏa và vã mồ hôi về ban đêm. Estrogen thường được sử dụng cùng với progestin để làm giảm nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung. Bạn có thể sử dụng viên uống, kem hoặc gel bôi âm đạo, hay miếng dán.
Biện pháp không sử dụng hormon:
việc dùng các loại thuốc khác cũng có thể giúp kiểm soát các cơn bốc hỏa và vã mồ hôi về đêm. Các thuốc gabapentin và pregabalin thường được dùng để giảm đau thần kinh cũng có hiệu quả đối với một số phụ nữ chống cơn bừng bốc hỏa. Các thuốc chống trầm cảm như venlafaxin, fluoxetine và paroxetin cũng đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị các cơn bừng bốc hỏa ở nhiều phụ nữ.
Biện pháp châm cứu cũng mang lại nhiều lợi ích mà lại không có tác dụng phụ như khi sử dụng thuốc. Một nghiên cứu cho thấy: những phụ nữ được châm cứu đã giảm đáng kể các cơn bốc hỏa. Bên cạnh đó, việc ngồi thiền cũng có tác dụng trong việc kiểm soát căng thẳng, mà căng thẳng lại là yếu tố gây khởi phát các cơn bừng bốc hỏa.
Thay đổi lối sống cũng tạo nhiều tác động đến cơ thể bạn giống như một loại thuốc hay thực phẩm chức năng. Khi thực hiện một lối sống lành mạnh có thể giúp bạn giảm tỉ lệ mắc cũng như mức độ nặng của các cơn nóng bừng và giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch và loãng xương. Những việc bạn cần làm là: duy trì một chế độ ăn cân bằng; tập luyện thường xuyên một bài thể dục hay thể thao như đi bộ, đạp xe, thể dục dưỡng sinh…; bỏ hút thuốc lá, hoặc tránh hít phải khói thuốc do người khác hút…
Tuy nhiên, mỗi phụ nữ có những đáp ứng khác nhau với các phương pháp điều trị cơn bốc hỏa. Khi một phương pháp tỏ ra không hiệu quả với bạn, hãy thử phương pháp khác.