Phòng từ gốc bệnh 'tham nhũng, tiêu cực'

TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

“Song song với chống tham nhũng, tiêu cực thì phải nhấn mạnh yếu tố phòng là chính. Phòng tốt thì mới chống tốt được, mới xử lý được tận gốc vấn đề, ít có thiệt hại”, ông Chức nói.

Hội thảo khoa học “Công tác giáo dục liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực trạng và giải pháp” thuộc Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính. Ảnh: PV

Thưa ông, Ban Nội chính Trung ương đang nghiên cứu soạn thảo Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Tôi cho rằng, Đề án có ý nghĩa rất lớn. Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, yếu tố “phòng” đóng vai trò rất quan trọng. Mà muốn “phòng” thì phải giáo dục cán bộ, đảng viên, như Bác Hồ đã dạy, phải: cần, kiệm, liêm, chính... Chúng ta đang đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trước hết, cần học tập những đức tính đó.

Trong giai đoạn hiện nay, những đức tính đó lại càng cần thiết, bởi vì, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường phát triển, có rất nhiều cám dỗ. Cán bộ, đảng viên chỉ cần xao nhãng, nhẹ dạ một tí, có khi hỏng cả đời người chứ không đơn giản.

Ngân sách, tiền bạc, vật chất nhiều hơn, cơ chế thuận lợi, thông thoáng hơn, dễ để làm việc, nhưng những “viên đạn bọc đường, bọc tiền” nhiều khi ở ngay sát bên. Nên nếu cán bộ, đảng viên bản lĩnh không vững vàng, không liêm chính thì hỏng. Có thể, buổi sáng vẫn là người rất tốt, chân chính, nhưng đến chiều đã hỏng mất rồi.

TS Nguyễn Viết Chức

Phân tích để thấy rằng, Đề án về giáo dục liêm chính có tính gốc rễ, giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, giúp cho họ có cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý để học tập, rèn luyện, nâng cao đạo đức liêm chính trong hoạt động công vụ. Đây là chúng ta đang đẩy mạnh yếu tố “phòng” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cái này, tất cả mọi người, toàn Đảng, toàn dân cần lấy phòng là chính.

Phòng tốt thì mới chống tốt được, mới xử lý được tận gốc vấn đề, ít gây thiệt hại. Ví dụ như mỗi người cần phòng bệnh trước khi nghĩ tới chữa bệnh, bởi chữa bệnh tốn kém, thiệt hại cả về vật chất, tinh thần, sức khỏe. Với sức khỏe của xã hội, bộ máy công vụ, cũng cần phải phòng để không có bệnh. Nếu có bệnh thì xử lý rất khó khăn.

Cán bộ lãnh đạo cần nêu gương

Cùng với việc sẽ có Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính, vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Rõ ràng, yếu tố đạo đức cán bộ đang rất được chú trọng, thưa ông?

Nếu nhìn lại, chúng ta thấy có rất nhiều văn bản, quy định về vấn đề này. Việc này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước về đạo đức cán bộ, bởi nếu không trong sạch, không liêm chính, không vững mạnh thì làm sao Đảng lãnh đạo được toàn xã hội. Đảng ta, như Bác Hồ đã nói - là đạo đức, là văn minh, không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân. Toàn Đảng phải “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”; cán bộ, đảng viên cũng phải “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Cán bộ, đảng viên phải nhìn vào các văn bản, quy định để thực hiện. Liêm chính là cán bộ phải sống một cách ngay thẳng.

Để giáo dục liêm chính, một trong những biện pháp quan trọng là nêu gương. Cán bộ, đảng viên lớp trước, cán bộ cao tuổi, cán bộ cấp cao nêu gương sáng cho thế hệ sau và cấp dưới. Có nhiều ý kiến nói rằng, vì sao thời xưa cán bộ tốt thế, hay thế. Tôi nghĩ rằng, một trong những nguyên nhân là do có những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng.

Đề án giáo dục liêm chính cần nhấn mạnh về các tấm gương của cán bộ lãnh đạo, các bài học, tiêu chuẩn để cán bộ, đảng viên phấn đấu, noi theo, để giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Thưa ông, chúng ta đang chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Làm sao để phát hiện, lựa chọn những cán bộ liêm chính, “vừa hồng vừa chuyên” vào bộ máy?

Theo tôi, không có cách nào tốt hơn là sự minh bạch. Cán bộ, đảng viên liêm chính thì không có gì phải giấu giếm. Khi anh giấu giếm thì có nghĩa có gì đó sai, mới phải giấu. Công khai cho người dân biết, thực hiện đúng chủ trương: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “dân người ta biết hết”.

Cán bộ liêm chính thì không sợ gì cả. Thậm chí, họ mong nhân dân biết để có sự hỗ trợ để làm tốt nhiệm vụ. Làm tốt thì nhân dân yêu mến, tin tưởng. Cần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, lắng nghe, tiếp thu thông tin từ “tai mắt của nhân dân” về cán bộ.

Công tác cán bộ cần lắng nghe thông tin từ cơ sở, ý kiến người dân, tổ chức chính trị xã hội. Nhân dân, tổ chức chính trị xã hội phải thẳng thắn, góp ý tích cực để lựa chọn cán bộ tốt.

Cảm ơn ông.

Xây dựng nhà nước liêm chính, xã hội liêm chính

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Công tác giáo dục liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực trạng và giải pháp” thuộc Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính mới đây, Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc nhấn mạnh: Cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để có giải pháp tăng cường công tác giáo dục liêm chính, trước hết là đối với cán bộ, đảng viên, những người đang nắm giữ quyền lực do nhân dân giao phó để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ sớm, từ xa, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, liêm khiết, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.