Sáng 21/12, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, nhiệm vụ năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá, năm 2023 báo chí truyền thông đã để lại những dấu ấn quan trọng, thành tích đạt được rất đáng khích lệ.
Theo ông Quang, báo chí trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đã “nhanh hơn, kịp thời hơn, đặc biệt là sâu sắc hơn”. “Có những bài viết, phóng sự rất xúc động, lấy được nước mắt mọi người”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, vẫn còn hiện tượng giật tít và có những bài báo thực sự không có trách nhiệm. Cùng với đó, vai trò của cơ quan chủ quản cũng mờ nhạt, thậm chí buông lỏng.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá vấn đề chuyển đổi số rất chậm, số lượng cơ quan báo chí bị đánh giá chuyển đổi số ở mức kém chiếm 63%.
Ông Trần Lưu Quang thấy bất ngờ bởi tiêu chí xếp hàng chuyển đổi số có 63% cơ quan báo chí xếp loại yếu. Theo ông, chuyển đổi số không phải nằm ở phần mềm, không phải nằm ở phần cứng, mà nằm ở ý chí của người đứng đầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý, thời gian tới báo chí phải tăng cường khả năng cạnh tranh với mạng xã hội như Tiktok và Facebook. Bởi nếu không cạnh tranh thì tỷ lệ quảng cáo sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến chi phí hoạt động, đến đời sống cán bộ công nhân viên.
“Không có cách nào khác, chúng ta phải hay hơn, hấp dẫn hơn thì tỷ lệ quảng cáo sẽ tăng lên”, ông nói.
Đối với nhà báo, Phó Thủ tướng lưu ý, phải là người tử tế, nếu không làm tử tế thì sản phẩm của nhà báo chắc chắn không tử tế được. Phải luôn luôn học hỏi từ những lớp tập huấn, chương trình công tác và học chính đồng nghiệp của mình trong và ngoài nước. Đối với cơ quan chủ quản phải trách nhiệm hơn, sâu sắc hơn, tăng cường kiểm tra giám sát.
Về vấn đề tài chính cho báo chí, Phó Thủ tướng chỉ rõ, các địa phương bao gấp gần hết các cơ quan báo chí của mình, nhưng cơ quan báo chí trung ương đang tự xoay xở và chỉ một phần của ngân sách nhà nước, có thể là do đặt hàng.
“Sẽ có sự hài hòa giữa ngân sách Nhà nước và ngân sách do chính báo chí tự lo liệu được, theo nguyên tắc báo chí sống được nhưng cũng không triệt tiêu đi sự phấn đấu nỗ lực vươn lên của các cơ quan báo chí. Do vậy, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chủ yếu cho hoạt động đổi mới và đào tạo”, Phó Thủ tướng nêu.
Cũng theo lãnh đạo Chính phủ, đối với các cơ quan quản lý báo chí, trực tiếp là Bộ TT&TT cần phải quan tâm đến công tác tài chính của các cơ quan báo chí để thúc đẩy mọi người, đặc biệt là tháo gỡ các cơ chế, chính sách như cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập…