Phố núi khát nước sạch

TP - Đầu năm 2009 TP Pleiku, Gia Lai, được công nhận là đô thị loại 2. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 25 phần trăm dân số (11.000 hộ) được sử dụng nước sạch.

Bà Mai Thị Thắm 84 tuổi - tổ 12, phường Diên Hồng,TP Pleiku hằng ngày quay nước giếng để sử dụng

Sau khi được nâng cấp, từ chỗ hàng năm ngân sách phải bù lỗ, năm 1998 đến nay, Cty Cấp Thoát nước Gia Lai đã tự hạch toán sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm thu nhập cho 130 cán bộ nhân viên. Năm 2008, tổng lượng nước sản xuất của Cty đạt hơn 2,85 triệu m3, doanh thu gần 11 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Hà Quang Khanh - Giám đốc Cty Cấp Thoát nước Gia Lai, việc cung cấp nước sạch cho TP Pleiku gặp không ít khó khăn như: địa hình đồi núi chia cắt, độ dốc lớn; hệ thống đường ống cấp 2 cũ nát đến nay chưa được đầu tư cải tạo. Chi phí đầu tư một mét khối nước tổn hao điện năng lớn, cộng với giá vật tư vôi, phèn, clor ngày càng tăng.

Sau khi cải tạo một số tuyến ống mới, do kết cấu giữa cũ và mới không đồng bộ nên tỷ lệ thất thoát nước trên đường ống còn cao.

Từ giữa năm 2009, Cty Cấp Thoát nước Gia Lai có dự án trình UBND tỉnh đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước địa bàn TP Pleiku, tổng mức đầu tư là 12 tỷ đồng. Mục tiêu là cải tạo, thay thế hệ thống cấp nước hiện hư hỏng không đáp ứng được và phát triển mở rộng hệ thống cấp nước hiện trạng.

Dự kiến, đến năm 2015 có khoảng 15.000 hộ dân ở Pleiku được dùng nước sạch từ nhà máy tương đương 30 phần trăm dân số TP Pleiku.

Một số người dân Pleiku có điều kiện tài chính đã tự khoan giếng ngầm lấy nước, còn đa số người dân đào giếng lấy nước, sinh hoạt.

TP Pleiku, Gia Lai hiện có hơn 200.000 dân, quy tụ ở 9 xã, 14 phường, diện tích trên 26.060ha.

Do mật độ dân cư đô thị ngày càng tăng, các giếng này không đáp ứng được yêu cầu vệ sinh bởi đa số đào gần các hầm rút nhà cầu, không đủ cự ly cần thiết.

Cho đến nay, hầu hết nước thải của hơn 200.000 dân thành phố Pleiku đều đổ vào lòng đất, chỉ có nước mưa mới chảy ra cống rãnh, vì thế ô nhiễm nguồn nước ngầm là không tránh khỏi.

Nên xã hội hóa

Cho đến nay TP Pleiku chỉ có Cty Cấp Thoát nước Gia Lai cung cấp  nước sinh hoạt, toàn bộ kinh phí đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước phần lớn do doanh nghiệp vay.

Do quy mô doanh nghiệp và nhiều nguyên nhân khác nên nhiều năm qua, việc phát triển mạng lưới cấp nước, cung ứng cho các hộ gia đình được làm khá chậm.

Theo kỹ sư Vũ Tiến Anh - Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP Pleiku, vừa qua, Phòng Quản lý Đô thị đi học tập, tìm hiểu mô hình quản lý của một số đô thị, thấy mô hình cấp nước của Buôn Ma Thuột - đô thị có nét tương đồng với Pleiku đang áp dụng hình thức xã hội hóa việc cấp nước sạch cho dân rất tốt. Một số doanh nghiệp tư nhân, Cty cổ phần được chính quyền địa phương giao cho một số đơn vị hành chính để bán nước sạch.

Mô hình này nếu được áp dụng ở TP Pleiku sẽ phần nào chia sẻ gánh nặng với Cty Cấp Thoát nước.

Hiện, cư dân TP Pleiku ở khu vực chưa có nước sạch ngoài việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo còn tốn kém chi phí đào giếng, mua thiết bị bơm. Bình quân mỗi giếng đào sâu 25-30m, tốn từ 5-10 triệu đồng. Nếu khoan nước ngầm chi phí lên đến 20-30 triệu đồng.