Phim về người chuyển giới hút khách

TP - Đơn vị phát hành, hãng phim Xanh ban đầu dự kiến thăm dò với 16 suất chiếu ở TPHCM, nhưng không ngờ số lượng vé được bán ra đã cán mốc hơn 10 nghìn, 30 suất chiếu trôi qua nhưng vẫn còn nhiều khán giả muốn đến rạp xem "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", bộ phim tài liệu về người chuyển giới hiếm hoi ở Việt Nam.
Nhân vật chị Phụng trong phim.

Tại rạp Idecaf, 18h30 phim mới bắt đầu chiếu, nhưng ở tuyến đường Lê Thánh Tôn, quận 1, trước cửa rạp, dòng người xếp hàng dài dằng dặc kiên nhẫn chờ đợi. Vì vé bán không số ghế, nên ai cũng tranh thủ đi sớm để có thể vào tìm chỗ ngồi đẹp. 18h20, rạp chứa 300 người đã ken kín khán giả, ngay cả những hàng ghế phụ cũng không còn chỗ chen chân.

Đông Kha, 27 tuổi, nhân viên một công ty dược phẩm hào hứng chia sẻ khi chọn được chỗ ngồi trung tâm nhất, cô bảo đây là lần thứ hai cô xem bộ phim này. Những thước phim chân chất, không màu mè, âm thanh không hoàn hảo nhưng chính những số phận trong phim đã ám ảnh cô không thôi, thế là cô quyết định trở lại rạp cùng một người bạn: 

"Tôi đã từng xem rất nhiều phim nói về người đồng tính, nhưng đây là lần đầu tiên hiểu, cảm, và thấy thương những người chuyển giới hơn. Những con người có giới tính bấp bênh và đời sống bấp bênh nhưng luôn biết cách tạo ra tiếng cười cho mình và cho người. Đây là lần đầu tiên mà những góc khuất sâu thẳm trong tâm hồn họ, những yêu, ghét khát khao... của họ được lột tả qua những thước phim mộc mạc nhất, thật nhất và cũng gần gũi với cộng đồng nhất".

Uyên Lê, một nhà làm phim tự do tiết lộ sau khi ra khỏi rạp, cô bảo 86 phút phim diễn ra cô bị cuốn vào mạch phim không dứt. Lý do cô chọn xem phim này vì hình ảnh đoàn lô tô với những người pê đê hát hội chợ đã ăn sâu vào trong ký ức của cô từ bé. Mỗi khi tết đến, những đoàn hát này thường đến vùng quê cô đóng đô diễn nửa tháng trời ở đó. 

Ngoài ra, là một nhà làm phim độc lập, cô cũng muốn "đo nhiệt độ" của khán giả phản ứng với dòng phim tài liệu thế nào. Phim về đề tài đồng tính, về những người chuyển giới  thường bao giờ cũng vui, cũng hài, cũng gây cười nhưng với “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” có những tiếng cười... ra nước mắt.

Những lời tâm sự về đời, về tình yêu, về thân phận "bóng gió" của nhân vật chủ đoàn lô tô là chị Bích Phụng, của người quản lý hậu đài - chị Hằng, những người đã mất sau khi phim đóng máy, lời tự sự tưng tửng của họ gây cười nhưng ẩn chứa đằng sau là những phận người đầy khát khao mãnh liệt, những khát khao được sống, được công nhận như một người bình thường, thế nên cười mà trái tim đau nhói. 

"Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” không chỉ nói về những người chuyển giới, mà là câu chuyện kể về những phận người". Uyên Lê chia sẻ thêm.

Thanh Tài, một người đồng giới và cũng là một chuyên viên trang điểm nổi tiếng của TPHCM cho hay: "Xem phim mà nước mắt tuôn rơi. 

“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” đã nói thay nỗi lòng của những người đồng giới chúng tôi. Dù thuộc thế giới thứ 3, chúng tôi cũng có những khát khao yêu đương và mong muốn được xã hội công nhận như những con người bình thường. Chúng tôi cảm ơn đạo diễn Nguyễn Thị Thắm vô cùng, cô đã dấn thân sâu vào đời sống của chúng tôi để hiểu, để chia sẻ và nói về chúng tôi một cách trong sáng, tôn trọng chúng tôi nhất và cũng nhân văn nhất".

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã thực hiện bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” trong 5 năm. Phim dài 86 phút, mô tả cuộc sống lang bạt của một đoàn lô tô rong ruổi khắp các tỉnh thành, chủ yếu là ở những vùng heo hút, xa xôi của Tây Nguyên và vùng Ninh Thuận với thành viên phần lớn là những người chuyển giới.

Họ chuyên ca hát, biểu diễn về đêm, với trưởng đoàn lô tô là chị Bích Phụng, nam đồng tính bẩm sinh, sau chuyển giới từ nam sang nữ đã trải qua nhiều thăng trầm, vật lộn mưu sinh với nghề biểu diễn và quay xổ số.