Phim truyền hình Việt 2022: Khởi sắc nhưng thiếu điểm nhấn

TP - Vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt đã có những cú nhảy ngoạn mục. Năm 2022 tiếp tục có nhiều tác phẩm lên sóng để lại ấn tượng cho khán giả. Tuy nhiên, để đạt được sự “bùng nổ” như năm 2021 thì vẫn còn cần nhiều hơn thế.

Đa dạng đề tài

Điểm sáng của phim truyền hình năm 2022 là nhiều bộ phim với những mảng đề tài khác nhau nhận được phản hồi tích cực của khán giả. Phim về người trẻ lập nghiệp, trưởng thành có “Lối về miền hoa”, “Gara hạnh phúc”; mảng đề tài gia đình có “Anh có phải đàn ông không?”, “Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ”, “Thông gia ngõ hẹp” và “Thương ngày nắng về”; dòng phim cảnh sát hình sự, công an, có “Đấu trí”, “Bão ngầm”…

Ở mảng phim chính luận, “Đấu trí” (đạo diễn - NSƯT Nguyễn Danh Dũng) thu hút sự quan tâm của dư luận khi khai thác câu chuyện “đại án” thổi giá dụng cụ xét nghiệm COVID-19. Phim tái hiện những cuộc mua bán “ma” của các nhóm lợi ích để ăn chia, giữa bối cảnh dịch bệnh hoành hành. Cách phim đề cập các chiêu thức tham ô hối lộ, như để tiền trong hộp rượu, tặng tủ lạnh chất đầy tiền, mạnh dạn chỉ mặt những nhân vật làm chuyện xấu là các doanh nhân, quan chức cấp cao… khiến người xem ngạc nhiên và bất ngờ vì độ táo bạo.

Phim hình sự “Bão ngầm” (đạo diễn Đinh Thái Thụy) miêu tả chân thực, sống động cuộc chiến khốc liệt đấu tranh phòng chống ma túy, tôn vinh lực lượng công an nhân dân. Phim cũng mạnh dạn vạch mặt những trường hợp thoái hóa biến chất trong ngành công an. Cách nhìn thẳng thắn đó khiến người xem thích thú vì rất “đời”.

Nếu như trước đây, dòng phim nông thôn chủ yếu khai thác chuyện đất đai, làn sóng đô thị hóa, những hủ tục lạc hậu, lỗi thời; nhân vật thường là những người trung niên, lớn tuổi... thì nay thể loại này đang mang đến một “làn gió” mới với lối kể chuyện của người trẻ, cách xây dựng tình huống thời thượng, lôi cuốn và hấp dẫn như phim “Lối về miền hoa”. Cũng đề tài nông thôn, “Mẹ Rơm” của đạo diễn Phương Điền lại là bức tranh của nông thôn Nam Bộ với góc nhìn mới mẻ, cảm động về tình cha con, tình người.

Vừa làm vừa lắng nghe

Dù chưa có bộ phim nào phá được kỷ lục rating của những dự án trước đó như “Người phán xử”, “Về nhà đi con” song phim Việt năm 2022 lại có sự đồng đều về chất lượng các bộ phim. Theo số liệu thống kê của Kantar Media Vietnam (đơn vị phân tích, đo lường rating) công bố danh sách top 10 chương trình được xem nhiều nhất cả nước thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua có đến 3 phim truyền hình phát sóng giờ vàng. “Thông gia ngõ hẹp” đã kết thúc nhưng tỷ suất người xem vẫn lọt top 2 với con số 2,5%. “Hành trình công lý” theo sát với con số 2,3%. “Mẹ Rơm” đạt 2,3%, có thời điểm bộ phim này còn vươn lên vị trí số 1 với tỷ suất người xem chạm mốc 4,0%.

“Thương ngày nắng về” có lẽ là phim truyền hình được đề cập nhiều nhất trên nền tảng mạng xã hội. Riêng hashtag #thuongngaynangvephan2 đạt tổng cộng hơn 740 triệu lượt xem. “Đấu trí”, “Chồng cũ vợ cũ người yêu cũ”, “Gara hạnh phúc”... cũng được các kênh mạng xã hội tận dụng triệt để để đăng tải clip, thông tin. Riêng tổng video liên quan phim “Gara hạnh phúc” sau khi phát sóng mới chỉ 6 tập là hơn 100 triệu view.

Hầu hết các dự án phim truyền hình Việt trong năm 2022 đều được thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”, vừa chiếu vừa tiếp thu ý kiến phản hồi của khán giả để bổ sung, hoàn thiện kịch bản và quay các tập kế tiếp. Nhờ đó, rất nhiều phim đã bám sát, cập nhật các xu hướng, tin tức thời sự đang được dư luận quan tâm.

Bệ phóng tài năng

Phim truyền hình cũng đã trở thành “bệ phóng” tạo nên nhiều ngôi sao, đặc biệt là tạo cơ hội cho dàn diễn viên trẻ của các nhà hát ở Thủ đô. “Vũ trụ phim VFC” hội tụ dàn diễn viên từ thế hệ đi trước như NSND Như Quỳnh, NSND Minh Hòa, NSƯT Thanh Quý, NSND Thu Hà, NSND Mạnh Cường… đến những gương mặt “vàng” về khả năng diễn xuất như Hồng Diễm, Mạnh Trường, Việt Anh, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Quỳnh Kool... Đồng thời phát hiện thêm nhiều nhân tố mới như Anh Đào, Ngọc Huyền, Thái Vũ… Các lớp diễn viên nối tiếp nhau, tre già măng mọc, tạo ra các thế hệ đan xen giữa người giàu kinh nghiệm và người trẻ, giúp phim truyền hình Việt phát triển ổn định. Nếu như diễn xuất giàu nội tâm là thế mạnh của diễn viên gạo cội thì những gương mặt trẻ lại chạm tới trái tim khán giả bằng lối diễn rất đời, rất tự nhiên, khiến khán giả phải sống, phải đồng cảm, phải khóc cùng nhân vật.

Phim “Đấu trí” khai thác câu chuyện “đại án” thổi giá dụng cụ xét nghiệm COVID-19

Năm 2022 tiếp tục ghi dấu ấn những gương mặt “vàng” của phim truyền hình Việt

NSND Nguyễn Hữu Phần, đạo diễn của loạt phim truyền hình đình đám một thời như “Đất và người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”, “Làng ma - 10 năm sau”… cũng đã phải nhận định: “Giới trẻ ngày nay làm phim chất thật. Cho tôi ra hiện trường mới có kịch bản, mới quay thì có lẽ tôi không làm được đâu. Người trẻ ngày nay sáng tạo kịch bản ngay tại bối cảnh quay, còn thế hệ chúng tôi khi xưa là kịch bản phải có từ lâu, đọc chỉnh sửa mãi rồi mới ra hiện trường”.

Tại giải Cánh diều vàng 2022, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) cũng giành đến 10 giải trên tổng số 12 giải ở các hạng mục khác nhau: Phim hay nhất, Biên kịch xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Nam – nữ diễn viên chính xuất sắc, Nam – nữ diễn viên phụ xuất sắc.

Cần thêm những “cú nổ”

Tiếp nối sự chuyển mình trong mấy năm vừa qua, nhìn chung, 2022 là một năm có nhiều khởi sắc với phim truyền hình Việt. Tuy nhiên, công bằng đánh giá thì vẫn còn thiếu sự “bùng nổ” so với năm 2021. Dù vẫn “chịu khó” tương tác với khán giả trên mạng xã hội, nhưng phim truyền hình Việt năm 2022 được đánh giá là khá “hiền”. Nếu năm 2021 Khả Ngân gây bão với bộ sưu tập thời trang trong vai Tuệ Nhi ở “11 tháng 5 ngày”, hay ồn ào về cách phối đồ khó hiểu của Phương Oanh ở “Hương vị tình thân”, hoặc gây tranh cãi về những tình tiết căng não trong “Cây táo nở hoa”… khiến khán giả phải đứng ngồi không yên, bình luận cuồng nhiệt, tạo nên những “cơn sóng” nhỏ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, năm 2022 lại thiếu vắng điều đó.

“Thương ngày nắng về” dù là tác phẩm ấn tượng với dàn diễn viên và nội dung sáng tạo so với bản gốc nhưng vẫn tương đồng với “Về nhà đi con” hay “Sống chung với mẹ chồng”. Khá dễ hiểu khi đội ngũ biên kịch của “Thương ngày nắng về” cũng đã từng tạo nên thành công cho “Về nhà đi con”. Điều này đòi hỏi các biên kịch cần nỗ lực hơn nữa để tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn riêng cho từng tác phẩm.