Phiên tòa giả định phòng chống bạo lực học đường cho học sinh, sinh viên

TPO - Chiều 6/11, tại Hội trường Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Kỹ thuật tổng hợp tỉnh Thanh Hóa, Ban Thường vụ Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức “Phiên tòa giả định” với chủ đề tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh, sinh viên.

“Phiên tòa giả định” xét xử bị cáo Lê Trung Hưng phạm tội “cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng tại phiên tòa, xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong lớp học nên Lê Trung Hưng và Lê Trọng Tuấn hẹn gặp nhau tại khu vực bãi đất trống gần sân bóng đá Việt Hùng, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa để giải quyết mâu thuẫn. Khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 13/4/2024 sau khi tan học, Lê Trung Hưng và Lê Trọng Tuấn gặp nhau tại địa điểm đã hẹn trước, cả hai lao vào đánh nhau. Trong lúc xô xát, Hưng đã dùng chìa khóa xe mô tô dài 8cm, có đầu bằng kim loại đang cầm sẵn trên tay đấm trúng vào vùng trán đỉnh phải của Lê Trọng Tuấn làm vỡ xương sọ vùng trán phải, tổn thương xuất huyết nội sọ. Hậu quả Hưng bị tổn hại 75% sức khỏe.

Phiên tòa giả định diễn ra với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Phần xét hỏi, tranh tụng và tuyên án tại phiên tòa đã giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, mức án áp dụng cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật. Đặc biệt, diễn biến của phiên tòa giả định đã giúp các các bạn trẻ hiểu sâu sắc các nội dung pháp luật liên quan đến tội cố ý gây thương tích.

Đông đảo học sinh, sinh viên tham dự phiên tòa giả định

Ngay sau phiên tòa là phần giao lưu và trực tiếp trả lời các câu hỏi thắc mắc của các bạn trẻ liên quan đến nội dung của phiên tòa giả định và chủ đề phòng, chống bạo lực học đường.

Chị Nguyễn Thị Mai - Bí thư Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá cho biết, hoạt động tuyên truyền bằng hình thức phiên tòa giả định được xem là một cách làm mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho học sinh, sinh viên. Thông qua hoạt động nhằm giáo dục học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về những mối nguy hại về bạo lực học đường, góp phần ngăn ngừa, định hướng cho các em những kỹ năng sống cũng như nhận thức được hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật.