Phi cơ có thể bay giật lùi

Máy bay Antonov An-2 có thể cất cánh ở đường băng ngắn, hạn chế khả năng bị radar phát hiện và bay giật lùi trong điều kiện phù hợp.

Chiếc Antonov An-2 cất cánh lần đầu tiên năm 1947, khi Liên Xô bắt đầu công cuộc tái thiết sau Thế chiến II. Phi cơ được thiết kế nhằm đáp ứng các nhu cầu lúc bấy giờ của Bộ Lâm nghiệp, dùng để vận chuyển hàng hóa và phun rải thuốc trừ sâu, phân bón cho cây cối.

Máy bay được sơn màu xanh lá ở phần đầu và xanh biển ở phần đuôi. Chiếc Antonov An-2 được thiết kế với một động cơ lớn, buồng lái kín và không gian đủ sức chứa 12 hành khách hoặc hơn một tấn hàng hóa. Điểm đặc biệt của nó là khả năng cất cánh ở đường băng ngắn và có thể bay giật lùi.

Thiết kế cánh hai tầng của máy bay tạo ra nhiều lực nâng, giúp nó cất cánh ở khoảng cách rất ngắn. An-2 hoạt động bình thường dù vận tốc chỉ khoảng 40 km/h, nhưng nó không có tốc độ chòng chành và là phương tiện phổ biến trong các buổi diễn tập rơi tự do và nhảy dù. Phi công có thể để máy bay trôi lơ lửng bằng cách bay ngược hướng gió, và nếu gió đủ mạnh máy bay có thể bay giật lùi với tốc độ chậm.

Mấu chốt của khả năng trôi lơ lửng hay bay giật lùi là các bề mặt kiểm soát trên cánh máy bay. Phần trước của An-2 có thiết kế các cánh tà trước, được dùng khi hạ cánh vì chúng làm tăng lực cản của gió và giảm dần tốc độ của phi cơ. Các tấm ván, tương tự cánh tà trước, ở phía sau cánh máy bay gọi là cánh tà sau, cũng được dùng để giảm tốc độ nhưng đồng thời làm tăng lực nâng bằng các thay đổi hình dạng cánh máy bay.

Ở An-2, cánh tà sau được lắp đặt trên toàn bộ độ dài của cánh dưới máy bay và lắp nhiều hơn ở cánh trên. Đặc điểm này giúp cân bằng lực nâng đồng thời giảm tốc độ máy bay xuống mức tối thiểu.

Truyền thông Triều Tiên hồi đầu tháng tiết lộ kế hoạch ngụy trang mới cho phiên bản An-2s, một trong những phi cơ quân sự quan trọng nhất của nước này. An-2s bay tầm thấp với tốc độ chậm, có thể thả lính đặc công xuống biên giới Hàn Quốc mà không bị radar phát hiện.

Theo Theo Vnexpress