Chiều 1/11, T.Ư Hội SVVN tổ chức chương trình Tập huấn cán bộ Hội SVVN ở nước ngoài năm 2024, với sự tham dự của anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN.
Những đại sứ văn hoá
Chương trình tập huấn là một hoạt động quan trọng trong định hướng nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô, phát triển tổ chức Hội ở ngoài nước. Hiện có khoảng hơn 200.000 học sinh, sinh viên và lưu học sinh Việt Nam học tập tại 49 quốc gia trên thế giới, trong đó, có 14 tổ chức Hội SVVN ở nước ngoài với số lượng khoảng hơn 100.000 hội viên, sinh viên.
Phát biểu khai mạc chương trình, anh Nguyễn Minh Triết nhận định, lực lượng sinh viên ngoài nước ngày càng khẳng định mong muốn được tham gia và tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động trong và ngoài nước. Các bạn cũng đóng vai trò cầu nối văn hoá, kết nối, trở thành đại sứ văn hóa giới thiệu văn hóa đất nước tới bạn bè quốc tế.
Theo anh Triết, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, học tập, sinh viên ở ngoài nước kiêm nhiệm vừa học vừa làm cán bộ Hội, nên gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí thời gian cũng như tiếp cận nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội.
“Vì vậy, thông qua chương trình tập huấn, các bạn sẽ được trang bị kiến thức căn bản cho công tác Hội để có hành trang thực hiện tốt, hoàn thành các nhiệm vụ mà tổ chức giao cho và cụ thể hoá thành các hoạt động tại đơn vị mình. Ngoài ra, các bạn cũng có thể đề xuất giới thiệu về việc làm, cách làm hay của mình để các bạn ở các nước, các bang, các vùng có điều kiện nhân rộng các mô hình hay”, anh Triết nói.
Tình nguyện “ảo” - Chiến dịch “thật”
Trong tham luận về “Tình nguyện trực tuyến và một số gợi ý về hoạt động tình nguyện trực tuyến”, anh Nguyễn Tiến Hưng - Phó Chủ tịch T.Ư Hội SVVN đã nhấn mạnh tới thông điệp tình nguyện "ảo", chiến dịch "thật”.
Theo anh Hưng, với các Hội SVVN ở ngoài nước, các bạn có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn, có nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực hơn. Với hoạt động tình nguyện trực tuyến, sẽ giúp tiếp cận nguồn nhân lực đa dạng, giảm chi phí vận hành, mở rộng phạm vi và đa dạng hoá nội dung hoạt động.
Về tình nguyện trực tuyến, anh Hưng cho rằng, trước tiên cần xác định mục tiêu hoạt động. Trong đó, xác định vai trò là người tham gia hay tổ chức; xác định cộng đồng hướng tới nước sở tại, cộng đồng sinh viên Việt Nam tại nước ngoài, trong nước…
“Đặc biệt, muốn tình nguyện trực tuyến hiệu quả, các bạn cần lựa chọn nội dung phù hợp với hình thức trực tuyến, lựa chọn nền tảng, công cụ đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp với nguồn lực, như về sức lực, thời gian, tài chính...”, anh Hưng nói.
Tuy nhiên, anh Hưng cũng chỉ ra một số rào cản khi thực hiện hoạt động tình nguyện trực tuyến, trong đó, việc thiếu tương tác trực tiếp có thể làm giảm cảm giác kết nối và động lực của tình nguyện viên, khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ và làm việc nhóm. Ngoài ra, việc đánh giá tác động của tình nguyện trực tuyến phức tạp hơn so với hình thức truyền thống.
“Để vượt qua những thách thức này, cần có sự đầu tư vào công nghệ, xây dựng quy trình làm việc hiệu quả và tạo ra các cơ hội tương tác ảo để duy trì động lực cho tình nguyện viên”, anh Hưng nói.
Phát huy “Sinh viên 5 tốt” ở nước ngoài
Trong đó, có 11 cá nhân là cán bộ Hội, hội viên, sinh viên tiêu biểu của Hội đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương” trong hai năm học 2022-2023 và 2023-2024; có 4 cá nhân vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì thành tích trên.
Chia sẻ tại chương trình, anh Đặng Đình Hùng - Phó Chủ tịch Hội SVVN tại Australia nêu 6 nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với công tác xây dựng và tạo môi trường để hội viên, sinh viên tại Australia rèn luyện, tham gia phong trào “Sinh viên 5 tốt”.
“Australia là đất nước có nhiều thế mạnh trong các hoạt động nghiên cứu khoa học - kĩ thuật, đổi mới sáng tạo. Vì thế, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu khoa học, kết nối các chuyên gia hàng đầu giúp tạo động lực cho các bạn du học sinh đạt tiêu chí “học tập tốt”, anh Hùng chia sẻ.
Ngoài ra, Hội SVVN tại Australia đã chủ động hội nhập, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam tới sinh viên quốc tế theo tiêu chí “hội nhập tốt”. Hội cũng tích cực kết hợp với các tổ chức Hội Sinh viên trong nước để phát động tiêu chí “tình nguyện tốt” tới tất cả các bạn sinh viên, thanh niên tại Australia…
Còn chị Phạm Nguyễn Như Quỳnh và anh Ngô Văn Tài - đại diện Hội SVVN tại Thái Lan chia sẻ, Hội SVVN tại Thái Lan đã triển khai “Cẩm nang du học Thái lan từ A đến Z” nhằm chia sẻ rộng rãi trên fanpage và các nhóm hỗ trợ sinh viên.
“Trong năm học này, chúng tôi tiếp tục duy trì và bổ sung thông tin hữu ích, từ hướng dẫn thủ tục đến những mẹo hòa nhập, giúp sinh viên chuẩn bị tốt nhất khi du học Thái Lan", chị Quỳnh nói.
Ngoài ra, theo chị Quỳnh, Hội SVVN tại Thái Lan cũng sẽ thành lập nhóm nghiên cứu khoa học để cùng nhau phát triển kỹ năng khoa học và nâng cao khả năng nghiên cứu độc lập; tổ chức workshop hỗ trợ các bạn sinh viên trong việc phát triển kỹ năng nghiên cứu và học thuật; tiếp tục triển khai các chuyến tham quan học tập tại các trường đại học hàng đầu Thái Lan; mở rộng hợp tác với các Hội Sinh viên trong và ngoài nước và ở nước sở tại Thái Lan.
Cũng tại chương trình, đại diện Hội SVVN tại Liên bang Nga đã trình bày tham luận về “Phát huy vai trò sinh viên ngoài nước trong xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị”.