Sẽ áp dụng nhiều biện pháp
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội Đèn tín hiệu, phụ trách Trung tâm điều khiển giao thông (Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, Hà Nội được trang bị 380 camera để giám sát hệ thống giao thông, trong đó có khoảng 100 camera được trang bị để xử phạt các phương tiện vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Theo trung tá Nam, trung tâm đi vào khai thác đến nay đã gần 1 năm, trung bình mỗi ngày phát hiện khoảng 30 trường hợp vi phạm.
Bước đầu, hệ thống đưa vào ứng dụng sẽ áp dụng hình thức xử phạt “nóng” bằng cách phối hợp với lực lượng CSGT tuần tra và cắm chốt nhằm ngăn chặn tình trạng mất an toàn giao thông trên các tuyến đường phố của thủ đô. Hiện tại, trung tâm đang triển khai xử lý 2 lỗi chính là vượt đèn đỏ và đi sai làn đường, 2 lỗi này là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc và TNGT. Các cán bộ tại Trung tâm Điều khiển giao thông sẽ gửi hình ảnh phương tiện vi phạm đồng thời gọi bộ đàm tới tổ tuần tra trên đường và các chốt CSGT để xử lý phương tiện vi phạm.
Theo trung tá Nam, để khai thác hiệu quả hệ thống camera, sắp tới sẽ đề xuất Trưởng phòng CSGT; Giám đốc Công an TP Hà Nội cho tiến hành xử phạt “nguội” bằng hình thức gửi văn bản thông báo tới chủ sở hữu phương tiện. Trường hợp gửi văn bản 3 lần nhưng chủ phương tiện không trình diện, trung tâm sẽ tổng hợp danh sách gửi tới các đơn vị chức năng để phối hợp xử lý.
Cụ thể, trung tâm sẽ gửi văn bản tới phòng CSGT các tỉnh, các đội CSGT trên địa bàn TP Hà Nội, các đội quản lý xe, các đơn vị đăng kiểm đề nghị chủ phương tiện trong quá trình giải quyết sẽ phối hợp xử lý phương tiện vi phạm. “Việc ứng dụng công nghệ, xử lý bằng hình ảnh sẽ đảm bảo được tính khách quan và thường xuyên liên tục, nâng cao trách nhiệm chủ phương tiện” - trung tá Nam nói.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội, trong giờ cao điểm mới tập trung vào hướng dẫn và tuyên truyền. Chính vì thế, hiện tại trung tâm mới áp dụng hệ thống camera xử lý các phương tiện vi phạm ngoài giờ cao điểm. Trung tá Nam khuyến cáo người dân cần sang tên chính chủ khi trao đổi, mua bán phương tiện nhằm tránh tình trạng bị xử phạt oan do chủ trước vi phạm. Đối với trường hợp cho mượn, việc xử phạt “nguội” là việc làm cần thiết nhằm nâng cao ý thức đối với chủ phương tiện.
Nhiều vướng mắc
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Cty Luật TNHH Trường Lộc cho biết, Nghị định 171/2013/NĐ-CP không quy định chủ phương tiện phải nộp phạt thay cho người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông. Tại điểm đ khoản 1 điều 3 Luật xử lý vi phạm Hành chính (Luật 15/2012/QH13) quy định, “người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh lỗi vi phạm hành chính”.
Theo đó, việc truy thu tiền xử phạt đối với chủ phương tiện là chưa thuyết phục. Thực tế có nhiều Cty kinh doanh trong lĩnh vực vận tải như thuê và cho thuê phương tiện. “Nếu trường hợp người thuê vi phạm Luật Giao thông nhưng đã thanh lý hợp đồng thì ai sẽ là người nộp phạt? Lực lượng CSGT cần xử phạt người điều khiển phương tiện vi phạm chứ không thể xử phạt phương tiện vi phạm. Để ứng dụng được việc xử phạt nguội, cơ quan thẩm quyền cần điều chỉnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới có thể áp dụng được. Hoặc như nếu phạt “nguội” tài xế lái xe công vụ điều khiển phương tiện vi phạm (đăng ký sở hữu lại thuộc về cơ quan, tổ chức) sẽ xử lý thế nào?” - luật sư Tuấn nói.
Trò chuyện với phóng viên, anh Trần Văn Việt (ở Văn Quán, quận Hà Đông) tài xế của 1 hãng taxi ở Hà Nội nói, chiếc xe của anh được giao cho 2 tài xế, chia làm 2 ca, nếu phạt nguội sẽ rất khó xác định tài xế nào đã vi phạm. Ngoài ra, có nhiều tài xế làm việc một thời gian lại chuyển đi hãng khác, ai sẽ chịu trách nhiệm trước các lỗi vi phạm của 1 phương tiện?
Dự án Nâng cấp Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi giai đoạn 1, 2012 – 2015 với kinh phí 231,569 tỷ đồng do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư, giao Sở GTVT Hà Nội thực hiện. Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội là đơn vị khai thác sử dụng.