Nghị định 167/2013/NĐ-CP gồm 74 điều quy định rất chi tiết về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” đã chính thức có hiệu lực.
Từ nay những hành vi “lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình” sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (điều 51). Hiểu nôm na là vợ chồng cãi, chửi nhau, bố mẹ chửi mắng xúc phạm con cái hay ngược lại đều sẽ bị xử phạt.
Các hành vi bất hiếu như “từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ” (điều 54) cũng sẽ bị phạt từ 100.000 -300.000 đồng. Thậm chí việc “cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó” cũng sẽ bị xử phạt” từ 100-300.000 đồng (điều 52).
Từ nay anh chàng nào yêu vợ quá mà cứ suốt ngày cấm đoán nàng đi gặp gỡ bạn bè, giao lưu giải trí coi chừng sẽ bị khép vào tội “cô lập” người khác.
Hành vi tiểu tiện, đại tiện bậy bạ nơi công cộng cũng sẽ bị phạt từ 100 - 300.000 đồng kèm việc bắt buộc phải dọn dẹp sạch sẽ “hiện trường” (điều 7). Riêng bà hàng xóm nhà tôi chắc sẽ thích nhất khoản d của điều 7 quy định “để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng” cũng bị phạt y như hành vi của con người vậy. Chả là một tuần 7 ngày thì có tới 5 ngày bà phải dọn đống phân của con chó nhà người khác chuyên nhằm ngay cửa nhà bà mà “xả”.
Lần nào bà cũng vừa dọn vừa chửi ầm ĩ nhưng chỉ tổ điếc tai hàng xóm, đâu lại vào đấy. Liệu từ hôm nay tôi có thể mách bà làm đơn thưa lên công an phường hay chính quyền phường sở tại để xử phạt? Chắc là khó, bởi trên thực tế công an hay chính quyền phường - dù được quy định có trách nhiệm xử phạt trong NĐ này - sẽ không có thời gian lẫn thói quen đi giải quyết cái chuyện vốn bị coi là vặt vãnh như thế.
Trước tiên cần khẳng định ngay rằng, những quy định chi tiết trong NĐ nêu trên là hết sức cần thiết trong một nhà nước pháp quyền, một xã hội văn minh. Các nước Âu Mỹ đều có những quy định tương tự. Họ chỉ khác ở ta một điểm, người dân ai cũng thuộc nằm lòng các quy định pháp luật đại loại như thế, cảnh sát thì không bao giờ coi đó là chuyện vặt và luôn sẵn sàng thực thi nhiệm vụ.
Như thế, để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, thiết nghĩ cần phải một quá trình phổ biến tuyên truyền cho cả người dân và lực lượng chức năng (chẳng hạn như in NĐ167 thành các cuốn sổ tay bỏ túi phát cho từng hộ). Chỉ khi nào bà hàng xóm nhà tôi thôi không phải chửi đổng nữa vì tất cả những người nuôi chó đều sợ bị phạt, khi đó luật mới đi vào cuộc sống. Bằng không thì câu hỏi “phạt ai, ai phạt” sẽ có nguy cơ tái diễn như tiền lệ xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng.