Phạt 8,2 tỉ đồng các cơ sở thiếu an toàn thực phẩm Tết

Trong số hơn 40.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm Tết được kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện 5.621 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.
Kiểm tra thực phẩm được tăng cường vào các dịp lễ, tết (ảnh: SKĐS)

Ngày 25-1, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết báo cáo của 6 đoàn thanh tra, kiểm tra trung ương và 42 địa phương cho thấy trong đợt thanh tra, kiểm tra thực phẩm Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, trong số hơn 40.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra đã phát hiện 5.621 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (chiếm 14%). Trong số này đã xử lý 2.990 cơ sở (chiếm 53,19% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 2.311 cơ sở với số tiền gần 8,2 tỉ đồng

Ngoài các hình thức xử phạt chính, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, đình chỉ hoạt động 22 cơ sở, đình chỉ lưu hành 41 loại thực phẩm, số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm là 400, tiêu hủy 414 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...).

Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 426 vụ vi phạm về đo lường chất lượng và an toàn thực phẩm, phạt hành chính trên 1,899 tỉ đồng.

Sở Y tế Hà Nội kiểm tra 65 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở với số tiền 89.900.000 đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội thanh tra, kiểm tra, xử phạt và yêu cầu các cơ sở vi phạm tiêu hủy hơn 20 kg sản phẩm động vật và 4 kg hạt tiêu không rõ nguồn gốc.

Theo ông Phong, các vi phạm chủ yếu được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra thực phẩm Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 là về điều kiện vệ sinh cơ sở như trang thiết bị, dụng cụ, vi phạm về con người. Ngoài các nội dung vi phạm chủ yếu trên, một số cơ sở còn vi phạm về việc ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng...

"Qua kiểm cho cho thấy tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm về vệ sinh thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng... vẫn phức tạp. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng và các địa phương thì sẽ có nguy cơ đưa vào tiêu thụ tại các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa"- ông Phong lo ngại.

Theo Theo NLĐ