Pháp hứng làn sóng người nhập cư kỷ lục

TP - Theo số liệu thống kê chính thức mà nhà chức trách Pháp công bố ngày 8/1, số người nhập cư vào Pháp năm 2017 đạt mức kỷ lục - 100.412 người, đông nhất là di dân Albania.

Thống kê được đưa ra khi chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron chuẩn bị đưa ra luật mới về di dân. Các quan chức cho biết, tỷ lệ người nộp đơn xin nhập cư vào Pháp đã lên đến mức lịch sử, trong đó công dân Albania tạo thành nhóm ứng viên lớn nhất mặc dù nước Pháp cho rằng đất nước này đã an toàn. Ông Pascal Brice, người đứng đầu cơ quan bảo vệ người tị nạn Pháp OFPRA, cho rằng, cuộc khủng hoảng nhập cư kéo dài hơn 2 năm qua đã trở thành vấn đề chính trị lớn ở nhiều nước châu Âu. Các quan chức xét duyệt đơn xin tị nạn cho biết, số lượng đơn xin tị nạn vượt hơn 100.000 người, tăng 17% là con số kỷ lục trong vòng bốn thập niên qua.

Chính phủ ông Macron đang chuẩn bị công bố một dự luật về nhập cư vào tháng tới, nhưng đảng của ông đang bị chia rẽ vì vấn đề này. Tổng thống Macron và Thủ tướng Edouard Philippe đã cam kết sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý các yêu cầu xin tị nạn và đưa ra những điều kiện cải thiện hơn để tỉ lệ người nộp đơn thành công nhiều hơn và nhanh hơn. Mặc dù vậy, họ cũng khẳng định sẽ đưa ra một chính sách khắc nghiệt hơn đối với những người nhập cư vì mục đích kinh tế. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb cho biết, năm ngoái, Pháp buộc phải trục xuất 26.000 người, tăng 14% so với năm trước. Ông nói rằng, mục tiêu của Pháp là cải thiện điều kiện hồi hương, dù tự nguyện hay bắt buộc.

Người Albania trở thành nhóm người đông nhất xin tị nạn ở Pháp vào năm ngoái với khoảng 7.600 người trưởng thành. Tuy nhiên, hầu như tất cả những người này đều bị trả về nước vì Albania đã được xem là quốc gia an toàn. Người Afghanistan trở thành nhóm người xin tị nạn lớn thứ hai vào Pháp với gần 6.000 đơn, tiếp theo là di dân từ Haiti, Guyana và Sudan.

Cuối tháng này, Tổng thống Macron sẽ tới London để trao đổi với Anh về vấn đề tị nạn, trong đó có trại tị nạn trong rừng ở Calais, biên giới Pháp-Anh. Trại này dù đã bị dỡ bỏ vào năm 2016, nhưng nhiều người di cư vẫn tiếp tục đi tới bờ biển phía bắc nước Pháp với hy vọng sẽ tới Anh qua ngả này.

Theo Theo SCMP