Pháp giận dữ vì bị gạt ra khỏi liên minh an ninh mới AUKUS

TPO - Pháp vừa thể hiện thái độ giận dữ khi bị Anh, Mỹ và Úc gạt ra rìa khi thành lập một liên minh an ninh mới. Paris gọi đây là bước đi đáng tiếc và sẽ thúc đẩy châu Âu tự chủ hơn trong hoạch định chiến lược.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Liên minh mang tên AUKUS được lãnh đạo 3 nước gồm Mỹ, Anh và Úc công bố ngày 16/9 sẽ khiến Pháp đánh mất thoả thuận tàu ngầm mới Úc.

Tuyên bố chung của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng quốc phòng Florence Parly đưa ra hôm nay nói rằng “việc Mỹ lựa chọn loại bỏ một đồng minh và đối tác châu Âu như Pháp khỏi cấu trúc đối tác với Úc, vào thời điểm chúng ta cùng đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ ở Ấn Độ - Thái Bình dương, dù về giá trị hay sự tôn trọng chủ nghĩa đa phương dựa trên pháp quyền, cũng cho thấy sự thiếu nhất quán mà Pháp chỉ có thể lưu ý và lấy làm tiếc”.

“Một quyết định đáng tiếc vừa được thông báo sẽ chỉ cho thấy sự cần thiết phải nhấn mạnh hơn và rõ hơn về sự tự chủ chiến lược của châu Âu”, tuyên bố nói thêm.

Úc chọn hãng đóng tàu Pháp Naval Group để thuê chế tạo đội tàu ngầm mới trị giá 40 tỷ USD nhằm thay thế đội tàu Collins có từ hai chục năm trước, nhưng thoả thuận này bị trì hoãn vì Canberra yêu cầu tất cả hoạt động chế tạo và thành phần đều phải diễn ra và lấy từ nguồn trong nước.

Thông báo về việc thành lập AUKUS được đưa ra khi EU chuẩn bị công bố chi tiết cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình dương của khối. Chủ tịch EU Ursula von der Leyen cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh về vấn đề quốc phòng của châu Âu, và rằng châu Âu cần củng cố lực lượng của riêng mình.

Tổng thống Macron khẳng định Pháp vẫn là một đối tác chủ chốt của Mỹ. “Pháp đã có sự hiện diện đáng kể ở Ấn Độ - Thái Bình dương, là một đối tác và đồng minh chủ chốt trong tăng cường an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Mỹ trông mong làm việc chặt chẽ hơn với Pháp và các quốc gia quan trọng khác khi chúng ta tiến về phía trước”, ông Biden nói.

Theo AUKUS, các quan chức hải quân và chuyên gia kỹ thuật của ba nước sẽ làm việc với nhau trong vòng 18 tháng để giúp Úc sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân nhằm nâng cao năng lực răn đe trên khắp Ấn Độ - Thái Bình dương.

Theo AP