Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc làm này của Bắc Kinh, Người phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên nước ngoài ở khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị”.
Ông Lê Hải Bình nói: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nói trên của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ ngay hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông”.
Cùng ngày, Tổng thống Philippines Benigno Aquino mỉa mai những đề nghị và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, đồng thời ủng hộ Nhật Bản thông qua luật mới cho phép đưa quân đội ra nước ngoài, Channel News Asia đưa tin. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABS-CBN, ông Aquino nói rằng, Trung Quốc đã đề xuất cùng phát triển ở biển Đông, trong khi lại tuyên bố chủ quyền trên hầu hết các vùng nước có vị trí nhạy cảm chiến lược. “Điều buồn cười là việc Trung Quốc nói: “Cái gì của chúng tôi là của chúng tôi, cái gì của các ông thì chúng ta chia sẻ”, ông Aquino nói. Tổng thống Philippines cũng bác bỏ lời kêu gọi đối thoại song phương của Bắc Kinh. Tổng thống Philippines nói rằng, bất kỳ cuộc đối thoại nào về tranh chấp chủ quyền trên biển Đông cũng phải có sự tham gia của các bên liên quan khác trong khu vực như Brunei, Malaysia, Việt Nam, Đài Loan…
Ngày 23/9, báo Philippines Daily Inquirer đưa tin, 16 ngư dân nước này mới đây gửi đơn kiện lên Liên Hợp Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các quyền của họ trên ngư trường truyền thống tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trên biển Đông. Ngư dân Philippines yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng quyền sinh kế, quyền có đầy đủ lương thực, thực phẩm, quyền khiếu nại…
Cùng ngày, Tổng thống Philippines hoan nghênh việc Nhật Bản thông qua luật nhằm nới lỏng hạn chế phát triển quân đội, mở ra khả năng đưa quân đội ra nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2. Ông Aquino cho rằng, điều này sẽ khiến Nhật Bản trở thành “đối tác có khả năng hơn trong nhiều hoạt động như gìn giữ hòa bình”.