Phân cấp, khơi thông vốn

TP - Theo các chuyên gia công nghệ, để vươn mình trong kỉ nguyên mới, phát triển khoa học công nghệ phải “cắt bỏ được những vướng víu để bay cao, bay xa”.

Đề xuất sửa Luật ngân sách

TS. Nguyễn Trung Dũng - Tổng GĐ Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK Holdings), ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết, Nghị quyết 57 ra đời, những người trong giới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phấn khởi và có nhiều hi vọng. Đảng, Nhà nước đã nhận diện được vấn đề và chuẩn về đường hướng. Theo ông Dũng, đối với việc phát triển startup (khởi nghiệp) công nghệ, thì cần khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm, đầu tư thiên thần và nhà nước phải chấp nhận rủi ro, khai thông nguồn vốn đầu tư.

Sinh viên trường ĐH Y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) học tập trong phòng thí nghiệm. Ảnh: VNU.

“Nhưng mấu chốt để triển khai được, cần phải sửa Luật Ngân sách. Những khó khăn hiện nay trong startup đều bắt nguồn từ Luật Ngân sách quá cũ, không theo kịp thực tế”, ông Dũng nói. Ông lấy ví dụ trong trường ĐH, mọi hoạt động bị đình trệ và khó khăn vì phải theo quy định giải ngân của tài vụ. Trường muốn lập quỹ đầu tư mạo hiểm cho startup hay spin - off (Cty con tách ra từ Cty mẹ để chuyển giao công nghệ) đều không thể vì Luật Ngân sách không cho phép. Quỹ BK Fund của BK Holdings phải gây dựng hoàn toàn từ các cá nhân, cựu sinh viên, nhà trường không được tham gia.

Những “trói buộc” của Luật Ngân sách có thể kể đến ví dụ điển hình là Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted). Sự tồn tại của Nafosted trong vòng hai thập niên qua là nhờ thụ hưởng chính sách cởi mở và thúc đẩy khoa học theo đúng bản chất của khoa học. Tại Việt Nam, Nafosted là nơi duy nhất ở khu vực công tài trợ cho nghiên cứu cơ bản theo thông lệ quốc tế, hướng tới những sản phẩm chính là kết quả nghiên cứu được cộng đồng quốc tế công nhận (bài báo) và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước một cách trực tiếp (thông qua nghiên cứu) cũng như gián tiếp (tri thức giảng dạy).

Suốt thời gian trước đó, Nafosted là một mô hình tài trợ cho khoa học duy nhất ở khu vực công theo cơ chế quỹ, một cơ chế tiền chờ đề tài chứ không phải đề tài chờ tiền.

Hiện tại, có khoảng 100 đề tài được quỹ tài trợ thuộc diện hết thời gian thực hiện mà chưa xuất bản được bài báo. Liệu những đề tài này có bị đánh giá là không đạt và nhà khoa học chủ trì đề tài có bị thu hồi kinh phí?

Tuy nhiên, vị thế này giờ đã “mất thiêng” do Luật Ngân sách 2015, đưa Nafosted trở lại quỹ trong ngân sách giống các chương trình khoa học và công nghệ khác. Theo quy định Luật Ngân sách 2015, từ năm 2017, Nhà nước sẽ không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách (bao gồm Nafosted). Do đó, từ năm 2020, những sản phẩm nào Nhà nước đặt hàng thì Nhà nước chi, dẫn đến tình trạng đề tài đợi tiền.

Nỗi chật vật “liệu cơm gắp mắm” trong khuôn khổ cơ chế dự toán khiến Nafosted gặp khó khăn, khó cựa quậy cả ở đầu vào lẫn đầu ra. Việc trở thành quỹ trong ngân sách bắt buộc các đề tài phải tuân theo các bước: được phê duyệt xong rồi gửi danh mục cho Bộ Tài chính thẩm định; thẩm định xong rồi mới cấp kinh phí và cứ vênh năm tài chính là mất đi thời gian hai năm. Bất cập ấy dẫn đến khó khăn trong hoạt động tài trợ.

Năm 2024, kinh phí của quỹ về chậm hơn so với nhiều năm khi đến tháng Bảy mới nhận được kinh phí. Do đó, các hoạt động tài trợ, hỗ trợ đều được triển khai chậm, việc hoàn tất danh sách các đề tài được hội đồng khoa học ngành lựa chọn để trình hội đồng quản lí quỹ phê duyệt vào tháng 12 và cố gắng kịp trình kế hoạch tài chính năm 2025.

Phân cấp cho đơn vị nghiên cứu

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, Nghị quyết 57 là một cuộc cách mạng trong tư duy, thể chế và ứng dụng về khoa học công nghệ. “Chúng ta phải thay đổi hoàn toàn tư duy về khoa học công nghệ. Tổng Bí thư Tô Lâm có nói về chuyển đổi số trong đó nhấn mạnh 3 điểm, gồm: Phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất và tư liệu sản xuất. Khi đó, khoa học công nghệ cũng phải vậy. Nó phải là một trục thúc đẩy quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Như vậy mới có kỉ nguyên mới”, ông Trình nói.

Theo ông Trình, để đạt được điều đó, cần phải phân cấp, giao trách nhiệm, và kiểm tra về phát triển khoa học công nghệ cho các đơn vị nghiên cứu. Hiện nay chưa có sự phân cấp trong khoa học công nghệ. Nhà khoa học phải khai báo trong thuyết minh cần làm gì, mua gì trong cả quá trình làm đề tài. “Điều này có nghĩa rằng không ai tin nhà khoa học, nên phải kiểm soát đến từng giờ lao động, người lao động, mua bán những gì”, ông Trình nói.

Thực tế cho thấy, hơn ai hết, các nhà khoa học chủ trì đề tài Nafosted thấm thía nhất cái chặt chẽ và ngặt nghèo của cách quản lí từ đầu vào đến đầu ra. Việc buộc phải có bài báo là sản phẩm từ đề tài do quỹ tài trợ trong khoảng thời gian hai năm là điều gần như không thể vì một bài báo buộc phải trải qua quá trình phản biện, đòi hỏi nhiều thời gian chờ đợi. Nếu chiểu theo quy định mới thì việc không có bài báo đúng hạn sẽ được coi là không đạt và buộc nhà khoa học phải hoàn kinh phí.