Nguyên đơn rút bớt yêu cầu khởi kiện:

Phải thông báo cho các đương sự khác

TP - Nguyên đơn có quyền thay đổi, bổ sung, rút bớt yêu cầu khởi kiện trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết vụ án. Tuy nhiên trình tự, thủ tục việc này thế nào đang có nhiều tranh cãi, việc thực hiện của Tòa án cũng không thống nhất.
Xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của đương sự sẽ giúp làm giảm tỷ lệ án bị hủy do vi phạm tố tụng. Ảnh: Internet

Bà Phạm Anh Thơ (trú tại 12A ngõ Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có đơn gửi Tiền Phong, phản ánh: Theo Đơn khởi kiện của bà Hồ Thị Nhần (trú tại Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội) và Thông báo về việc thụ lý vụ án của TAND TP Hà Nội, bà Thơ là đồng bị đơn trong vụ kiện “tranh chấp quyền sử dụng đất”. Mới đây, Tòa án tổ chức phiên hòa giải không thông báo cho bà Thơ biết. Bà Thơ khiếu nại. Theo văn bản trả lời khiếu nại, hóa ra sau khi vụ án được thụ lý, bà Nhần sửa đổi nội dung khởi kiện, không kiện bà Thơ nữa, nên Tòa án xác định bà Thơ không còn là bị đơn. Qua báo Tiền Phong, bà Thơ muốn được biết: Tòa án có phải thông báo cho bà biết việc bà Nhần rút bớt yêu cầu khởi kiện? Tòa án tổ chức hòa giải “bỏ qua” bà là đúng hay sai? PV Tiền Phong đã trao đổi với luật gia Minh Trí:


Đề nghị luật gia cho biết pháp luật tố tụng dân sự có quy định về việc nguyên đơn rút bớt yêu cầu khởi kiện?

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) có quy định cụ thể việc nguyên đơn sửa đổi, bổ sung, rút bớt yêu cầu khởi kiện tại hai thời điểm: Thời điểm thụ lý đơn khởi kiện (Điều 169), và thời điểm mở phiên tòa (Điều 217, 218). Trong quá trình tòa án thụ lý vụ án, tuy BLTTDS không quy định cụ thể, song theo Điều 5 BLTTDS thì đương sự có quyền rút bớt yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn này.

Xin cho biết Tòa án có phải thông báo cho các đương sự khác biết việc Nguyên đơn rút bớt yêu cầu khởi kiện?

Theo BLTTDS, quyền và nghĩa vụ của đương sự phát sinh, thay đổi, chấm dứt khi họ nhận được Thông báo hoặc Quyết định, bản án của Tòa án. Việc nguyên đơn rút bớt yêu cầu khởi kiện có thể dẫn đến thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các đương sự khác, vì vậy Tòa án phải thông báo cho các đương sự để họ biết và thực hiện, đồng thời phải thông báo cho Viện KSND cùng cấp.

Ông nói rõ hơn vì sao nguyên đơn rút bớt yêu cầu khởi kiện có thể làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các đương sự khác?

Ví dụ trước đây bà Nhần kiện bà Thơ, nay bà Nhần không kiện bà Thơ nữa. Khi đó có thể xảy ra ba trường hợp: (i) Nếu bà Thơ trước đó đã đưa ra yêu cầu phản tố, bà Thơ sẽ được xác định là người có yêu cầu độc lập trong vụ án; (ii) Nếu bà Thơ không đưa ra yêu cầu phản tố, song bà Thơ có quyền lợi hoặc nghĩa vụ liên quan đến yêu cầu khởi kiện của bà Nhần (hoặc của các đương sự khác), bà Thơ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (CQL, NVLQ); (iii) Bà Thơ không có yêu cầu phản tố, cũng không CQL, NVLQ, khi đó bà Thơ sẽ chấm dứt quyền và nghĩa vụ của đương sự trong vụ án.

Sau khi bà Nhần rút bớt yêu cầu khởi kiện, TAND TP Hà Nội xác định bà Thơ là người CQL, NVLQ song không thông báo cho bà Thơ biết, như vậy có vi phạm tố tụng?

Để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các đương sự (Điều 58, 59, 60, 61 BLTTDS) và bảo đảm quyền giám sát của Viện kiểm sát (Điều 21 BLTTDS), Tòa án phải thông báo cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp biết bà Thơ không còn là bị đơn, mà chuyển thành người CQL, NVLQ trong vụ án. Tòa án không thông báo là vi phạm tố tụng.

Với tư cách người CQL, NVLQ, bà Thơ có được tham gia các phiên hòa giải không, thưa ông?

Bà Thơ có quyền và nghĩa vụ tham gia các phiên hòa giải theo các Điều 183, 184 BLTTDS. Bà Thơ phản ánh không nhận được Thông báo về phiên hòa giải đề ngày 14/7/2014 của TAND TP Hà Nội là có căn cứ, bởi Thông báo này hoàn toàn không có tên bà Thơ, và TAND TP Hà Nội không đưa ra được bằng chứng về việc Bưu điện đã gửi Thông báo đến tay bà Thơ, theo quy định tại Điều 156 BLTTDS. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án TAND TP Hà Nội ngày 25/8/2014 cho rằng cơ quan này đã gửi Thông báo về phiên hòa giải cho bà Thơ qua đường Bưu điện là thiếu căn cứ thuyết phục. Nếu không đồng ý với giải quyết khiếu nại của TAND TP Hà Nội, bà Thơ có quyền khiếu nại tiếp lên TAND Tối cao, theo Điều 396 BLTTDS.

Xin cảm ơn luật gia!