Phải lắp mới được cấp phép

TP - Theo Nghị định số 91/2009/NĐ-CP, lắp hộp đen là một trong những điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh vận tải từ ngày 1-7. Nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải cũng như Sở GTVT nhiều địa phương vẫn lúng túng trong việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình này.
Xe phải lắp hộp đen (ảnh nhỏ), doanh nghiệp mới được cấp phép kinh doanh vận tải

> Hơn 16.000 xe ôtô phải lắp “hộp đen” trước 1-7-2011

Xe phải lắp hộp đen (ảnh nhỏ), doanh nghiệp mới được cấp phép kinh doanh vận tải.

Hộp đen hợp chuẩn chưa được công bố

Mặc dù đã có quy định cho phép lùi xử phạt đến 1-7-2013 đối với xe thuộc diện phải lắp đặt hộp đen nhưng với các doanh nghiệp vận tải, nếu muốn đăng ký kinh doanh vận tải bằng ô tô, vẫn phải lắp thiết bị này như một điều kiện bắt buộc từ 1-7-2011. Trong hồ sơ yêu cầu cấp phép phải có hợp đồng và bản nghiệm thu việc lắp hộp đen.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, lắp hộp đen không đơn giản là lắp thiết bị trên xe là xong mà còn phải đào tạo đội ngũ vận hành, xây dựng bộ máy quản lý và xử lý số liệu nên rất cần thực hiện theo một lộ trình cụ thể.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, HTX vận tải trong Hiệp hội, do hộp đen hợp chuẩn chưa được công bố nên các Sở GTVT và cơ quan chức năng khi cấp giấy phép kinh doanh vận tải chỉ cấp tạm thời 1 năm thay vì 7 năm như qui định và yêu cầu phải hoàn thành việc lắp đặt khi có đủ điều kiện để được cấp giấy phép theo đúng qui định là 7 năm.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết, mặc dù là địa bàn có khá nhiều phương tiện thuộc diện phải lắp hộp đen nhưng đến nay Sở chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào từ Bộ GTVT. Do vậy, việc cấp phép kinh doanh vận tải vẫn diễn ra bình thường. Theo đó, các doanh nghiệp vận tải chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện theo Nghị định số 91/2009/NĐ-CP sẽ chỉ được cấp phép tạm thời 1 năm.

4 đơn vị có hộp đen hợp quy

Tính đến 23-6, theo thông tin từ Bộ GTVT, mới có 4 đơn vị sản xuất, cung ứng hộp đen được Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cấp giấy chứng nhận hợp quy.

Ông Nguyễn Văn Ích, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, cho biết: “Để cấp giấy chứng nhận hợp quy cho thiết bị hộp đen phải trải qua các công đoạn kiểm chuẩn tại các trung tâm sau đó mới chuyển hồ sơ về Vụ Khoa học công nghệ của Bộ để cấp giấy chứng nhận nên một số đơn vị vẫn đang trong quá trình kiểm chuẩn, chưa cấp giấy chứng nhận. Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ có thêm các đơn vị đủ điều kiện cung ứng thiết bị này”.

Nhiều doanh nghiệp vận tải lo lắng bởi chi phí lắp đặt và duy trì hoạt động của trung tâm điều hành lớn trong khi giá cước vận tải thấp nên các doanh nghiệp, HTX có dưới 5 xe chưa dám lắp hộp đen. Không những thế, sự hiểu biết về thiết bị của nhiều cán bộ quản lý vận tải còn rất hạn chế.

Tuy nhiên, ông Đào Thanh Anh, Giám đốc Cty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh (đơn vị sản xuất hộp đen đầu tiên được Bộ GTVT cấp giấy chứng nhận hợp quy) cho biết: “Hầu hết doanh nghiệp lắp thiết bị này đều chọn phương án thuê dịch vụ máy chủ, khách hàng chỉ cần trả tiền hằng năm cho mỗi xe chứ không phải tốn kém đầu tư nhân lực quản trị, duy trì, bảo mật, bảo hành, bảo trì, nâng cấp sao lưu định kỳ... Bởi vậy, kể cả các doanh nghiệp vận tải chỉ có một, hai xe cũng không còn phải lo lắng”.

Các doanh nghiệp khi đầu tư hộp đen hợp quy đều tính toán để nhanh chóng khấu hao thiết bị và có thêm tính năng đo được mức nhiên liệu, kết nối được với camera để quản lý số lượng hành khách và thái độ phục vụ của lái xe, phụ xe, kiểm soát tình trạng cố tình tắt điều hòa…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, Tổng cục vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện qui định bắt buộc lắp hộp đen khi cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Nhiều địa phương đang vận dụng những cách khác nhau khi cấp giấy phép kinh doanh nên cần có sự thống nhất trong cách hiểu để thực hiện.

Kiến nghị lùi lắp hộp đen

Ngày 27-6, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam gửi văn bản tới Bộ trưởng GTVT kiến nghị lùi thời gian lắp đặt, cho phép tiếp tục sử dụng hộp đen đã lắp và nâng thời gian cấp phép kinh doanh tạm thời đến năm 2013 cho xe khách.

Theo Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, kiến nghị trên nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa quy định xử phạt và quy định lắp đặt: Nghị định xử phạt vi phạm giao thông mới được sửa đổi quy định đến ngày 1-7-2013, mới chính thức xử phạt xe ô tô không lắp đặt hộp đen.

Trong khi đó, Nghị định số 91 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô (chưa được sửa đổi) quy định từ ngày 1-7 này, kinh doanh vận tải vẫn phải lắp đặt hộp đen. Vì vậy, nhiều địa phương lấy lý do doanh nghiệp chưa lắp đặt hộp đen nên chỉ cấp phép tạm thời hoạt động vận tải trong thời gian 1 năm. Khi nào doanh nghiệp hoàn thiện đầy đủ việc lắp đặt hộp đen mới được cấp phép theo đúng thời hạn là 7 năm.

Theo Báo giấy