Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

Phải làm cho người dân tin tưởng vào công lý

TP - Ngày 25/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) và Chánh án Toà án nhân dân Tối cao (TANDTC).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: QH.

Nhiều vụ án ban đầu tưởng “ghê gớm lắm”

Báo cáo công tác của ngành Tòa án, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, trong nhiệm kỳ qua, các Tòa án đã xét xử 1.233 vụ án với 2.813 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, nhiều vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng đã được xét xử kịp thời, nghiêm minh, như: vụ án PMU18; vụ án Dương Chí Dũng; vụ Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Nguyễn Đức Kiên…

“Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng đảm bảo nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước. Việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng được giám sát chặt chẽ”, ông Bình nói.

Theo Ủy ban Tư pháp, con số 1.809.080 vụ án đã thụ lý là rất lớn, TAND các cấp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, chất lượng xét xử các vụ án đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên Ủy ban Tư pháp cho rằng, một số TANDTC chưa khắc phục triệt để tình trạng để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do lỗi chủ quan của Tòa. Ủy ban Tư pháp kiến nghị TANDTC triển khai các biện pháp khắc phục có hiệu quả các hạn chế, thiếu sót trong công tác xét xử các vụ án, bảo vệ các quyền con người và quyền cơ bản của công dân.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đánh giá: Qua 5 năm xét xử nhiều vụ án, ban đầu thấy ghê gớm lắm, nhưng sau cũng thấy đơn giản thôi. Nguyên tắc xét xử của Tòa án là phải xử lý nghiêm minh, đúng luật, nhưng qua dư luận thấy còn nhiều điều chưa được yên tâm về các mối quan hệ khi xét xử. Ông Ksor Phước đề nghị báo cáo nhiệm kỳ cần quan tâm hơn đến các vụ “xử quan” (vụ án hành chính) trong việc tạo niềm tin về công lý.

Viện kiểm sát không “nghỉ hưu”

Cùng ngày, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong nhiệm kỳ, Viện đã đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm, phức tạp, được dư luận quan tâm. Viện đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng và một số vụ án có dấu hiệu bức cung, nhục hình. Điển hình như vụ: Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội)…

Đánh giá cao những nỗ lực của VKS, song Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ngành phải cố gắng hạn chế việc gia hạn án, đẩy nhanh tiến độ xét xử đúng pháp luật. Theo bà Phóng, nếu cứ gia hạn án, để gia đình bị can, bị cáo đi lại thăm nuôi nhiều sẽ rất khổ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, VKS phải làm sao để thực hiện quyền năng của mình, kiểm sát hoạt động tư pháp trong đó có kiểm sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. “Hết nhiệm kỳ, Viện trưởng, Viện phó có thể nghỉ về hưu nhưng VKS có nghỉ đâu, có về hưu đâu? Vì vậy làm sao phải hoạt động cho chất lượng, lớp sau kế tiếp lớp trước cho dân được nhờ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

“Kể cả thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên, đối với đội ngũ này hiện nay nhân dân chưa thật sự tin tưởng lắm. Vì vậy phải làm sao cho nhân dân tin tưởng để khi có tội phạm người dân vẫn tin vào công bằng trong điều tra, xét xử”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Kỳ 11, Quốc hội bàn về nhân sự

Theo dự kiến chương trình, kỳ họp 11, Quốc hội sẽ dành 3 ngày bàn về công tác nhân sự (từ ngày 6 – 8/4). Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, thời gian 3 ngày có thể không đủ, nên phải làm chương trình, điều hành chi tiết, thậm chí phải tính tới phương án kéo dài kỳ họp. Về việc có nên thực hiện tiếp xúc cử tri trước kỳ họp 11 hay không, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ thống nhất trước mỗi kỳ họp cần tiến hành tiếp xúc cử tri. Thời điểm tiếp xúc cử tri dự kiến từ 15 – 18/3, tập trung vào các nội dung: Báo cáo chương trình kỳ họp; báo cáo công tác tổng kết nhiệm kỳ.