Phải hứa trước dân

TP - Tuần này Quốc hội sẽ bầu và phê chuẩn nhiều chức danh quan trọng của bộ máy nhà nước, nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương chia sẻ cùng phóng viên Tiền Phong.
Nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương

> Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới, gắn bó với nhân dân
> Ông Trương Tấn Sang được đề cử làm Chủ tịch nước

Nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương.
 

Việc bố trí nhân sự bên Chính phủ khác với bên Quốc hội. Các bộ trưởng phải là người có phẩm chất đã đành nhưng cần tinh thông nghiệp vụ, am hiểu lĩnh vực mình phụ trách.

Trước nay, có quan điểm cho rằng cứ Ủy viên Trung ương (UVT.Ư) thì làm việc gì cũng được, nhưng tôi cho rằng quan điểm đó lạc hậu rồi. Quan điểm của tôi là không nhất thiết bộ trưởng nào cũng phải là UVT.Ư. Nhiều thứ trưởng rất giỏi nhưng không là UVT.Ư nên không được làm bộ trưởng. Nhiều trường hợp tôi thấy rất đáng tiếc.

Không yêu cầu một ông bộ trưởng phải am hiểu tất cả nhưng ít nhất người đó cũng phải nắm được phần lớn lĩnh vực mình phụ trách thì khi về mới “bày binh bố trận” được.

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư mới đây có đề cập đến việc cán bộ ngoài năng lực còn phải là tấm gương đạo đức, nhân cách để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình?

Bây giờ để cơ quan Nhà nước thực sự có hiệu lực, thì từng cán bộ phải có năng lực, phải đủ phẩm chất để người ta gửi niềm tin, thứ hai là đủ năng lực để quán xuyến công việc.

Tôi ví dụ, ông cứ hô hào chống tham nhũng mà chính ông lại tham nhũng thì nói ai nghe. Bộ trưởng trước hết phải là những người trong sạch nhất, minh bạch nhất, mẫu mực nhất. Thứ hai ông ấy phải là tư lệnh cầm quân trong lĩnh vực của mình, phải biết bày binh bố trận.

Ở bất kỳ một cương vị nào anh cũng phải là người có trách nhiệm trước dân. Chứ bây giờ có những người được bầu lên rồi thì lo cho gia đình mình nhiều hơn lo cho dân.

Bên cạnh thuận lợi, chúng ta đang gặp nhiều thách thức. Theo ông sắp tới Chính phủ nên chú ý vào lĩnh vực nào?

Cơ quan Nhà nước, kể cả lập pháp, hành pháp, tư pháp mà bố trí đúng người, đúng vị trí thì đưa nghị quyết vào cuộc sống ngay. Chúng ta cứ hô hào đưa nghị quyết vào cuộc sống nhưng làm thế nào để đưa? Phải có con người, có nhân sự để thực hiện.

Đất nước ta đang gặp phải những khó khăn, thách thức lớn. Từ các vấn đề kinh tế rồi tranh chấp chủ quyền biển đảo, tham nhũng... Ai sẽ đứng ra giải quyết? Nói Đảng giải quyết là đúng, nhưng phải thể hiện qua cơ quan nhà nước chứ không thể chỉ đứng ra hô hào chung chung.

Vừa qua, QH đã đưa ra hơn một ứng viên để bầu Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, cử tri mong muốn việc Quốc hội bầu và phê chuẩn các vị trí của Chính phủ cũng nên có số dư?

Tôi đã tham gia làm nhân sự một khóa, cần phải tăng cường dân chủ trong công tác nhân sự, Đảng có quyền giới thiệu một người nhưng Quốc hội cũng có quyền giới thiệu người khác. Nếu có hai ứng cử viên thì cứ để QH bầu. Tôi nhớ Quốc hội khóa VI, Bộ Chính trị giới thiệu ông Đỗ Mười để Quốc hội bầu vào chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng bây giờ), sau ra Quốc hội giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt. Lúc đó Bộ Chính trị bàn đi bàn lại, ý kiến của tôi trình bày với Bộ Chính trị là cứ để 2 ứng cử viên để Quốc hội bầu vì lúc đó không khí Quốc hội cũng đang lên cao. Sau Bộ Chính trị đồng ý để hai người.

Theo ông, bầu các vị trí chủ chốt lần này cũng nên như vậy?

Tôi nghĩ là nên. Bộ Chính trị cứ giới thiệu một người mà mình chọn, ra Quốc hội giới thiệu thêm người nữa và để cho Quốc hội bầu. Cứ để dân chủ mà bầu, càng dân chủ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.

Cử tri cả nước mong muốn những vị trí được Quốc hội bầu, phê chuẩn phải xây dựng chương trình hành động trong nhiệm kỳ của mình để cử tri giám sát, ông nghĩ sao?

Tôi rất đồng tình với điều đó, phải hứa trước Quốc hội trước dân, và khi đã hứa thì phải thực hiện lời hứa. Chẳng hạn nhiệm kỳ này Bộ trưởng Bộ Y tế thử có một lời hứa đi; Bộ trưởng GD&ĐT hứa giải quyết gì đi để dân giám sát. Ví như Bộ trưởng Y tế hứa khi nào giải quyết việc quá tải bệnh viện khi 3, 4 bệnh nhân nằm 1 giường, hay chuyện kiểm soát giá thuốc, y đức trong ngành... Bộ trưởng GD&ĐT thử hứa xem trong nhiệm kỳ chất lượng đào tạo sẽ phải như thế nào, trước khi Quốc hội phê chuẩn, anh phải hứa, phải ghi vào để Quốc hội và cử tri giám sát, ở các vị trí cao hơn cũng vậy.

Trước mỗi nhiệm kỳ, người ứng cử vào các vị trí quan trọng, vẫn phải kê khai tài sản nhưng chúng ta lại không công khai việc đó nên không thể giám sát được. Theo ông, việc đó có cần công khai việc đó để Quốc hội và người dân cùng giám sát?

Cái này Nghị quyết của Đảng đã đề cập, Chính phủ cũng có quy định nhưng thực tế thì chưa thể làm được. Lý do là bây giờ người ta có rất nhiều cách để không thể kiểm soát được. Họ có thể đứng tên chủ sở hữu tài sản nhưng cũng có thể để anh em hay người thân trong gia đình đứng tên. Hay có bao nhiêu người lập tài khoản ở nước ngoài có nắm được không? Theo tôi, đây là vấn đề khó có thể làm chính xác được.

Cảm ơn ông.

Theo Báo giấy