Phải đột phá, vượt trội mới là đặc khu

TP - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, các quy định trong Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải có tính đột phá, vượt trội thì mới “đặc biệt”, mới tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, cũng như bộ máy đủ quyền lực để thực hiện nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp​. Ảnh: QH.

Tạo thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo

Ngày 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế biển, thể chế chính trị và xã hội ổn định, lại có thị trường với dân số hơn 90 triệu người. Các khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều có vị trí chiến lược, có tiềm năng phát triển các ngành, nghề công nghệ cao, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Từ những lý do trên, cần thiết phải xây dựng luật điều chỉnh riêng để tạo cơ sở pháp lý áp dụng. Theo ông Dũng, dự án luật sẽ áp dụng tại một số khu vực có ranh giới địa lý xác định nên cần mạnh dạn cho phép thực hiện các chính sách mới, đột phá và đặc biệt về kinh tế - xã hội. Các chính sách này cần được quy định với mức ưu đãi cao hơn và thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành áp dụng cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Trên cơ sở đó sẽ tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới cũng như dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, và phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay…

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo luật là mô hình tổ chức đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu). Dự thảo đề xuất theo hướng không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND và UBND). Chính quyền địa phương là Trưởng đơn vị, người có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn này. Trưởng đơn vị, các cơ quan khác của nhà nước tại đây chịu sự giám sát của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, vấn đề này còn 3 loại ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất, tán thành phương án như Chính phủ trình và cho rằng phương án này thể hiện tính “đặc biệt” về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đặc khu. Còn ý kiến thứ hai, đề nghị quy định Trưởng đặc khu là đại diện của chính quyền cấp tỉnh đó.

Tuy nhiên, loại ý kiến thứ ba thì cho rằng, việc tổ chức chính quyền địa phương ở đây là một cá nhân, cần được cân nhắc thêm về tính hợp hiến. Bởi trong Hiến pháp không có điều khoản nào xác định chính quyền địa phương có thể tổ chức không đầy đủ HĐND và UBND. Việc tổ chức chính quyền địa phương theo loại ý kiến thứ hai cũng không phù hợp với Hiến pháp.

“Việc tập trung nhiều quyền lực cho chức danh Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhưng không có cơ chế giám sát quyền lực ngang cấp, tại chỗ mà thực hiện giám sát từ trên xuống sẽ không tránh khỏi hình thức, dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, mất dân chủ”, ông Nguyễn Khắc Định nêu.

Không để tình trạng “một tay che trời”

Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu đề nghị, giao quyền đặc biệt nhưng cơ chế kiểm soát cũng phải đặc biệt. Ngoài ra, giao quyền cho Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được trái với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh, trao quyền nhưng phải minh bạch, quy định rõ Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được làm gì, không được làm gì, không để tình trạng “một tay che trời”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, ở đâu có quyền lực, ở đó phải có giám sát. Bà đề nghị, nếu không có vai trò giám sát của HĐND, cần nghiên cứu một cơ chế giám sát riêng cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cơ chế giám sát này phải phù hợp với Hiến pháp.

Đề cập đến cơ chế tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải lưu ý, ưu đãi ở đây là xin cơ chế, chứ không xin ngân sách. Thời điểm đầu, nhà nước có thể hỗ trợ ngân sách, nhưng sau này, đặc khu phải từ cơ chế tạo ra tiền, tạo ra ngân sách, tự quyết ngân sách của mình và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, dự thảo luật có thể tạo đột phá, nổi trội về kinh tế, thương mại, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc ổn định về quốc phòng - an ninh, toàn vẹn lãnh thổ. Bởi 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đều là những khu trọng yếu, đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, các quy định trong luật phải có tính đột phá, vượt trội thì mới “đặc biệt”, mới tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, bộ máy đủ quyền lực để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, luật này có thể trái luật khác nhưng không thể trái Hiến pháp, đồng thời phải cụ thể hoá, quán triệt chủ trương của Đảng về vấn đề này. Nếu cần có thể sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tạo sự đột phá trong Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Dự thảo luật quy định, nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư có dự án đầu tư tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đáp ứng một trong những điều kiện sau:

* Dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino với quy mô vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỷ đồng;

* Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng;

* Dự án đầu tư sản xuất thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng;

* Dự án đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn thuộc danh sách 500 doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Tạp chí Forbes của năm trước thời điểm cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kinh doanh, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng.