PGS.TS Lương Hồng Quang, về lễ hội:

Phải chăng quá vị truyền thống?

TP - Phóng viên Tiền Phong trò chuyện với PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, người tham gia hoạch định chính sách và bảo tồn, phát huy nhiều lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại.
Dàn trống hội Đọi Tam của lễ hội Tịch Điền, ngày hội xuống đồng đầu năm của nhân dân Hà Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ông có thể nói gì về những được - mất trong hoạt động lễ hội hiện nay?

Chưa bao giờ lễ hội và di sản được nhà nước cũng như cả xã hội quan tâm như thế. Nhiều lễ hội được phục hồi, đa phần do dân tự bảo tồn. Nhà nước cũng thông qua chương trình mục tiêu, ngân sách địa phương bảo tồn và phát huy giá trị di tích và lễ hội. Nhận thức của người dân cũng nâng lên rất lớn về ý nghĩa, cái hay cái đẹp của lễ hội. Một số lễ hội trở thành yếu tố cố kết quốc gia như lễ hội Đền Hùng. Các lễ hội trở thành một trong những nguồn tài nguyên du lịch nhân văn thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Nước mình có những mùa hành hương quan trọng như ở chùa Hương, Yên Tử, Bà chúa Sứ, tạo nên tính đa dạng văn hóa mà ở nhiều nước không có. Lễ hội cũng góp phần phát triển kinh tế xã hội, tuy thế điểm này chưa nhiều và chúng ta chưa biết cách làm để thực sự phát huy nó trong đời sống đương đại.

Bên cạnh đó, có những cái dở, mặt thái quá. Nhà nhà làm lễ hội, làng làng làm lễ hội, huyện rồi tỉnh đua làm lễ hội. Có những cái giống nhau quá vì đứt gãy, quên hết nên người ta cóp nhặt nơi này nơi khác. Đâu cũng rước, cũng tế rõ nhàm chán.

Thứ đến cả xã hội đổ xô vào đấy, thành ra phía Bắc này vào mùa xuân cho người bên ngoài hình ảnh về một xã hội quá vị truyền thống. Về bản chất của phát triển, phải nhìn thấy có sự cân bằng giữa truyền thống, hiện tại và tương lai, quá vị truyền thống dẫn đến từng cá nhân mất tự tin, quá lệ thuộc vào thần thánh. Xã hội, cộng đồng mất động lực tinh thần để phát triển.

Nhìn vào các đền chùa, ta thấy toàn nam thanh nữ tú. Nghe bài khấn, thấy như họ mất hết niềm tin vào bản thân, rồi sinh ra suy nghĩ: lễ vật càng lớn thì phù hộ càng nhiều, theo tư duy mua bán. Tư duy này làm biến dạng giá trị di sản. Thêm nữa, nó cũng dẫn đến lãng phí  nguồn lực xã hội.

Ông có thể lý giải hiện tượng cướp đồ thờ, cướp lộc ở nhiều lễ hội mà gần nhất là Đền Trần. Chính quyền huy động cả nghìn người mặc sắc phục giữ an ninh, sự cố vẫn xảy ra?

Nhìn trực tiếp, ta thấy là do ý thức của người hành hương. Ngày xưa họ thành tín, không dám động vào đồ của thánh thần, luôn có chữ kính. Người ta có niềm tin về việc tích phúc tích đức, bây giờ là chuyển sang mua bán trao đổi. Thế cho nên em cướp, có sợ gì đâu! Giá trị thay đổi, quan điểm về tín ngưỡng thay đổi làm cho người ta không còn kính cẩn, tin rằng mình làm như thế sẽ hại cho bản thân, con cháu nữa. Thêm nữa, người hành hương đông quá, không được giáo dục về di sản, bị hụt về các khuôn mẫu truyền thống. Giáo dục di sản phải dựa trên trao truyền một cách tự nhiên và có thời gian.

Tôi cho rằng, không tranh giành, xô đẩy thì năm sau lại nảy sinh chuyện khác. Phải giải quyết căn cốt về mặt lý luận, xem xét chính sách di sản hóa. Tất cả các thứ đều biến thành di sản dù có điểm hay nhưng rất không tốt nếu không được kiểm soát vĩ mô tốt. Chưa kể còn hậu thuẫn của lợi ích nhóm, gây mâu thuẫn trong cộng đồng và nhiều khi xã hội tổng thể gánh chịu. Người ta cứ tưởng đấy là làm công nghiệp văn hóa, không phải thế. Cách khai thác di sản dựa vào công nghiệp văn hóa được tiến hành trên cơ sở đánh giá khoa học chứ không tùy tiện như cách chúng ta đang làm với lễ hội.

PGS.TS Lương Hồng Quang.

Trong định hướng quy hoạch tổng thể lễ hội, không có chuyện giảm bớt số lượng (hiện tại số lễ hội lên đến gần 8 nghìn/năm), như thế làm sao để có mùa hội lành mạnh?

Tôi không quan tâm nhiều hay không, vấn đề là giảm tần suất tổ chức: Ba năm, năm năm một lần. Ngày xưa các cụ có đại đám, tiểu đám. Về ý nghĩa văn hóa, cái gì nhiều quá cũng dở, cho nên bây giờ phải thiêng hóa, kiểm soát về quy mô, không để xu hướng ngày càng nở ra, hoành tráng lên. Cũng cần định vị lại nhiều lễ hội lớn, xem lại tính mục tiêu, tổ chức lễ hội cho ai.

Hiện nhiều nhà nghiên cứu viện dẫn khái niệm “chủ thể văn hóa”, “cộng đồng”. Tôn trọng tự do tâm linh, tín ngưỡng của người dân là đương nhiên, nhưng chẳng lẽ chúng ta không có phương án nào giải quyết mặt trái của lễ hội?

Bối cảnh thay đổi rồi, cộng đồng ngày xưa hiểu biết khuôn mẫu văn hóa, lễ hội là cho họ nên hầu như không có chuyện lộn xộn. Năng lực của cộng đồng bây giờ thiếu hụt khi nhiều lễ hội của họ vượt ra khỏi quy mô cộng đồng nhỏ. Đến lúc nhà nước cần thể hiện quyền lực trong một tư tưởng tìm ra sự cân bằng giữa nhà nước-cộng đồng, chính trị-kinh tế-văn hóa, truyền thống-hiện đại, giữa quốc gia dân tộc-quốc tế. Không thể nhân danh sự đa dạng văn hóa để nói cộng đồng muốn làm gì thì làm. Nên đọc lại Ngô Tất Tố, Phan Kế Bính, với con mắt Tây học, các cụ ấy nói rất đúng là trong thời kỳ xã hội đang chuyển đổi thì có rất nhiều nhăng nhố. Chúng ta đã phát huy vai trò của chủ thể văn hóa nhưng không thể phó mặc hết cho cộng đồng! Chúng ta đang đi từ cực đoan này sang cực đoan khác.

Không phải cứ di sản đều tốt đẹp

“Lâu nay chúng ta hay nói rằng, xã hội hiện đại làm hỏng giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống, thực ra trong đó có nhiều yếu tố hủ tục. Có những hủ tục như mê tín, dị đoan buôn thần bán thánh phải bỏ. Tiếp đó là những thứ bản chất không xấu (chém lợn, cầu trâu) nhưng nó không còn phù hợp. Ban đầu là nghi lễ hiến sinh, trong xã hội nông nghiệp thì bình thường, nhưng trong xã hội văn minh nó tạo ra hình ảnh dã man”, PGS.TS Lương Hồng Quang nói.