Thưa ông, mới đây, đề xuất lấn biển ở 3 khu vực trên tuyến đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, Nha Trang lại xuất hiện trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu phía đông đường Trần Phú, đã được thuyết trình với UBND tỉnh Khánh Hòa. Ông cho rằng đề xuất này phạm luật?
Trước hết phải nói rằng, không gian ngay sát biển là khu vực có nhiều tài nguyên mang tính chất chia sẻ và thường được nhiều tổ chức, cá nhân cùng khai thác, sử dụng. Bãi cát ven biển cùng với môi trường biển trong sạch, các hệ sinh thái khỏe mạnh vùng bờ biển là những nguồn tài nguyên quan trọng nhất có thể cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của con người.
Ngoài ra, bãi và bờ biển cũng là khu vực rất nhạy cảm với các thiên tai biển. Theo các nghiên cứu trên thế giới, bãi cát ven biển có thể tiêu tán từ 80% đến 95% năng lượng sóng vỗ bờ, và do vậy bảo vệ bãi cát ven biển sẽ giúp bảo vệ bờ biển, giảm thiểu các thiệt hại do sóng lớn gây ra.
Với các lý do trên, từ nhiều năm trước, rất nhiều nước đã quy định việc đảm bảo tính chất sở hữu công cộng và quyền tiếp cận của cộng đồng đối với bãi biển và các nguồn tài nguyên ở không gian ven biển.
Với nhận thức này, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của Việt Nam đã quy định “Hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển”.
Đồng thời, nghiêm cấm “xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và các công trình xây dựng khác phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển quyết định chủ trương đầu tư”.
Như vậy, việc xây dựng các công trình như quảng trường, tổ hợp trung tâm đô thị mới, trong đó có việc lấn biển như đề xuất là hành vi vi phạm hành lang bảo vệ bờ biển, trái với Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Lo ngại sạt lở nhiều bãi tắm
Ngoài việc phạm luật như ông nói, vậy việc lấn biển Nha Trang để xây dựng các công trình như đề xuất tác động như nào đến kinh tế, xã hội và môi trường, thưa ông?
Bãi biển Nha Trang là một trong những bãi biển đẹp nhất, nổi tiếng ở Việt Nam và cả thế giới. Việc đảm bảo quyền tiếp cận của người dân đối với các bãi biển đẹp ngoài việc đảm bảo thực thi quyền của người dân đối với các dịch vụ mà bãi biển đem lại còn có những giá trị kinh tế rất lớn.
Khi tất cả người dân được tự do tiếp cận và sử dụng bãi biển, số lượng khách du lịch sẽ tăng lên và do vậy doanh thu dịch vụ du lịch cũng sẽ tăng theo. Nếu một khu vực bãi biển được giao cho một số tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thì lượng người sử dụng bãi biển sẽ bị giảm rất nhiều do bị hạn chế bởi các quy định do các tổ chức, cá nhân này đặt ra.
Về môi trường, bất cứ một công trình nào xuống biển hoặc lấn một khu vực biển nào đó thì ngoài việc phá hoại bãi cát tại vị trí lấn biển, các công trình lấn biển có khả năng làm ngăn trở dòng vận chuyển cát và do vậy làm thay đổi cán cân cát, gây xói lở bãi và bờ tại một số vị trí và bồi tụ tại một số vị trí khác.
Bãi biển Nha Trang ở trạng thái ổn định hiện nay là do tồn tại cả một hệ thống các đảo phía ngoài làm biến đổi trường sóng và dòng chảy ven bờ biển theo hướng duy trì bãi theo hướng cân bằng tổng thể.
Lấn biển hoặc xây dựng công trình dưới biển tại bất cứ vị trí nào cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm phá hoại tính cân bằng tổng thể của bãi và do vậy sẽ phá nát bãi, thậm chí mất bãi tại rất nhiều địa điểm.
Vì vậy, tôi cho rằng, việc bảo vệ các bãi biển tự nhiên của Nha Trang, bảo vệ không gian công cộng trên bờ và bãi biển không những giúp chúng ta duy trì vẻ đẹp, niềm tự hào của người Việt, quyền tiếp cận, sử dụng bãi biển của người dân mà còn là gìn giữ một kho báu vô tận cho chúng ta và các thế hệ mai sau.
Xin cảm ơn ông!
Theo TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên, môi trường, việc lấn biển ở những bãi biển thông thường đã có rất nhiều vấn đề cần xem xét. Với bãi biển thuộc vịnh Nha Trang, một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới càng cần được xem xét, cân nhắc trên nhiều góc độ như về mặt di sản (mất cảnh quan thiên nhiên, không thể bảo tồn, nâng cấp cảnh quan cũ được...), về quản lý tổng hợp vùng bờ (có vi phạm hành lang bảo vệ bờ, không gian biển), về kiến trúc, quy hoạch (cần đánh giá lại kiến trúc chung và các quy hoạch liên quan). Đặc biệt, cần đánh giá tác động môi trường phải thật bài bản, công khai, minh bạch, trong đó xem xét vấn đề môi trường, sinh thái, diễn biến xói lở.
Lấn biển ở 3 khu vực
Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu phía đông đường Trần Phú đề xuất 3 khu vực lấn biển dọc tuyến đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng gồm khu vực đầu cầu Trần Phú (làm cụm công trình lấn biển tạo điểm nhấn), quảng trường trung tâm (thành quảng trường đa năng) và khu Phù Đổng - Ana Mandara (làm tổ hợp chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cao cấp).