PGS.TS Ngô Thành Can: Hợp nhất các sở sẽ đụng chạm

TPO - "Việc hợp nhất các sở, ngành là cần thiết bởi bộ máy hành chính hiện nay cồng kềnh. Tuy nhiên, việc hợp nhất cũng không dễ vì đụng chạm nhiều vấn đề", PGS.TS Ngô Thành Can, phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý Nhân sự , Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ.
PGS.TS Ngô Thành Can

 Sát nhập sẽ đụng chạm

Theo PGS.TS Ngô Thành Can, hợp nhất một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý các lĩnh vực gần nhau, liên thông nhau như hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính; hay việc Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch-Kiến trúc với Sở GTVT là chủ trương cần thiết và đúng đắn.

“Việc hợp nhất này đã được tranh luận tại nhiều hội thảo, nhưng được đa phần các nơi ủng hộ bởi có chức năng nhiệm vụ gần nhau, quản lý dễ và thuận lợi. Nếu hợp nhất thành công sẽ là một bước triển khai thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, ông Can nhấn mạnh.

Theo ông Can, dự thảo Nghị định rất đặc biệt bởi có tách hai nhóm quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, cấp tỉnh sẽ được cơ cấu lại còn 12 sở “cứng” thống nhất trong toàn quốc và 6 sở “mềm” để từng địa phương tùy điều kiện có thể thành lập hoặc không.

“Việc này tăng thêm quyền tự quyết của địa phương, ngoài sở cứng còn có phương án mềm để lựa chọn. Như vùng có nhiều dân tộc sẽ có thể có thêm ban dân tộc”, ông Can phân tích.

Ông Can cho rằng, việc hợp nhất một số sở lại với nhau nếu thực hiện thành công sẽ được nhân dân ủng hộ, bởi nó mang hơi thở cuộc sống, thu gọn, giảm sự cồng kềnh của bộ máy hành chính hiện nay. Hợp nhất còn giúp tiết kiệm ngân sách, giảm các thủ tục hành chính, nhân sự, cấp trung gian để quá trình xử lý sự việc nhanh hơn.

Nhưng việc triển khai cũng sẽ gặp nhiều vấn đề trong khó khăn trong vấn đề thiết kế, tổ chức bởi các đơn vị hiện nay có chức năng khác nhau, cách thức điều hành khác nhau.

"Nếu sát nhập cũng sẽ đụng lợi ích, nhất là về đội ngũ lãnh đạo, người đứng đầu. Bởi người đứng dầu các cơ quan này đều là thành viên Uỷ ban vừa được bầu và bổ nhiệm nên việc nhập vào sẽ có sự xáo trộn về đội ngũ lãnh đạo, tâm tư nên cần có tính toán kỹ về vấn đề nhân sự”, ông Can nói.

Theo vị này, bài học cần rút ra là trước đây khi giảm đầu mối, tất cả các cấp phòng, sở vẫn giữ cấp phó để rồi tồn tại vấn đề một sở phòng có tận 7-8 cấp phó là không nên. Một sở chỉ cần 3 phó, còn những người khác bảo lưu rồi điều chuyển vị trí phù hợp.

Nên có đánh giá về các “siêu” sở

PGS.TS Ngô Thành Can cho rằng, thực tế ở cấp huyện, tổ chức bộ máy cũng đã sắp xếp gọn lại, chỉ còn 10 -12 đơn vị cấp phòng. Ở cấp tỉnh hiện đang có 19-22 sở nếu hợp nhất cần có nhóm chuyên gia đánh giá thực tế, để thống nhất hiệu quả tuỳ tính chất của từng địa phương.

Ông Can cho biết, ở các tỉnh thành lớn đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh việc hợp nhất các “siêu” sở như Sở Tài chính và Sở Kế hoạch-Đầu tư thành Sở Kế hoạch - Tài chính hay Sở GTVT với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch thành Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị có rất nhiều ý kiến cho rằng, nên giữu lại Sở Quy hoạch- Kiến trúc.

Nhưng thực tế nhiều vấn đề Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở Quy hoạch cũng chồng chéo nhau. Chẳng hạn, toà nhà xây quá cao, quy hoạch, vùng này vùng khác. Nếu hợp nhất thành một sở sẽ quy về một đầu mối, có sự thống nhất cao, tăng thêm trách nhiệm của người tham mưu ở các sở khi tham mưu cho UBND tỉnh, TP phê duyệt kế hoạch xây dựng tại một địa bàn cụ thể sẽ có sự cân nhắc, tính toán hạ tầng phù hợp.

Trong khi thực tiễn kinh nghiệm để quản lý một hệ thống, đơn vị đa ngành đa lĩnh vực rất rõ ràng. Tại các nước phát triển, thường chỉ có 13-17 bộ quản lý các lĩnh vực như Mỹ có 15 bộ, Nhật Bản có 13 bộ... Việt Nam hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ, nếu địa phương không hợp nhất các sở có chức năng gần nhau mà vẫn theo dạng trên có bộ nào, dưới có sở đó thì không hợp lý.