Gia đình báo tin buồn PGS. NGƯT Đặng Thị Hạnh qua đời lúc 16h50 ngày 24/5/2023, hưởng thọ 94 tuổi. Lễ viếng được tổ chức sáng 29/5 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
PGS. Đặng Thị Hạnh xuất thân trong một gia đình đại trí thức nổi tiếng. Ông nội là cụ Đặng Nguyên Cẩn, đỗ Phó bảng dưới triều Nguyễn. Cụ vốn là một văn thân yêu nước, từng chiến đấu và sát cánh bên cạnh những tên tuổi chí sĩ nổi tiếng khác như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế...
Cha của bà là GS. Đặng Thai Mai - một trong những tên tuổi lớn của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Những người anh chị em còn lại của PGS. Đặng Thị Hạnh đều có học hàm, học vị giáo sư, phó Giáo sư. Em gái của bà là PGS.TS Đặng Anh Đào vừa qua đời tháng 1/2023.
PGS. Đặng Thị Hạnh sinh năm 1930. Bà tốt nghiệp Đại học Văn khoa (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) Hà Nội năm 1956. Năm 1984, bà được phong học hàm phó giáo sư và nhận danh hiệu nhà giáo Ưu tú năm 2010. PGS Đặng Thị Hạnh từng công tác tại khoa Văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đến khi nghỉ hưu năm 1990.
Các công trình khoa học tiêu biểu của bà có thể kể đến: Lịch sử văn học Pháp thế kỉ XX, Bà và cháu (Hồi ức), Một vài gương mặt văn xuôi Pháp thế kỉ XX, Cô bé nhìn mưa (Hồi ức)... Ở mảng dịch thuật, PGS. Đặng Thị Hạnh nổi tiếng với tác phẩm dịch Thư Hà Nội của Jean Tardieu hay Biến dạng của Kafka.
Nhờ những đóng góp cho quảng bá văn học và văn hóa Pháp, bà Đặng Thị Hạnh được trao tặng Huân chương Cành cọ hàn lâm năm 2013.
Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng nhìn một cách chặt chẽ, PGS. Đặng Thị Hạnh có sự nhạy cảm thẩm mỹ đặc biệt khi đọc văn.
"Có lẽ điều ấy khiến bà không chỉ là một nhà nghiên cứu mà còn là một tác giả văn chương với cuốn tự thuật đẹp đẽ - Cô bé nhìn mưa. Cuốn tự thuật ấy, cũng như những gì bà nói về tiểu thuyết Thiên sứ, mang trong nó nỗi khao khát về một cái gì đó trong sáng, vẹn thuần", TS. Trần Ngọc Hiếu chia sẻ.
Trong ký ức của PGS.TS Đào Duy Hiệp - học trò của PGS Đặng Thị Hạnh, bà là một nhà giáo nề nếp, mô phạm, nhưng cũng là một người nhân ái trong cái nhìn, trong những suy nghĩ về cuộc đời.
"Bà viết chậm, nhưng hấp dẫn. Tôi thích những hồi ức của bà về tuổi thơ, quê hương, về những con người, từ người bán quà rong đến người có tên tuổi. Đó là những trang văn thật hay. Bà và cháu là hồi ức về hai thế giới tuổi thơ cách quãng nhau trên nửa thế kỷ được viết bằng bút pháp hóm hỉnh, trữ tình gần gũi với những sáng tác văn chương", PGS.TS Đào Duy Hiệp bày tỏ.