Cận cảnh nghi lễ thề trung hiếu đền Đồng Cổ (Hà Nội)

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nghi lễ thề trung hiếu trong Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ) được tổ chức long trọng sáng ngày 22/5 (tức ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch) tại đền Đồng Cổ. Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ vừa được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lời thề trung hiếu được đọc lên trong nghi lễ thề trung hiếu tại đền Đồng Cổ. Clip: Gia Linh.

Từ sớm, nhân dân thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội tề tựu tại đền Đồng Cổ (số 353 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) để dự lễ hội và đặc biệt là nghi lễ thề. Đây là hoạt động linh thiêng nhất trong lễ hội đền Đồng Cổ.

Theo các sử sách, bia ký để lại, Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ do vua Lý Thái Tông khởi xướng với mục đích răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân trong thiên hạ. Trong ngày lễ hội, trước đền đắp một đàn cao, xung quanh cờ xí rợp trời, đội ngũ chỉnh tề, giáo gươm rợp đất.

Giữa đàn là thờ vị thần Đồng Cổ, lư hương nghi ngút, quan giám thệ điều khiển hội thề. Bách quan văn võ từ phía đông đi vào đền, đến trước đàn, quỳ trước thần vị và đọc lời thề: Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt. Ngày nay, lễ hội đền Đồng Cổ được tổ chức vào 4/4 âm lịch, mô phỏng lại hội thề lịch sử năm xưa...

Cận cảnh nghi lễ thề trung hiếu đền Đồng Cổ (Hà Nội) ảnh 1
Đội trống làng Đông gióng trống khai mạc hội thề Trung hiếu tại đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ). Ảnh: Gia Linh.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết Hội thề trung hiếu được duy trì qua 8 đời nhà Lý và trải dài trong 216 năm, chuyển tiếp sang 14 đời vua nhà Trần với 175 năm. "Để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng phát triển đất nước, Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ có sự điều chỉnh, bổ sung về nội dung và hình thức tổ chức", ông Nguyễn Thanh Tịnh nêu.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khẳng định dù ở giai đoạn nào của đất nước, lễ hội đền Đồng Cổ là biểu tượng thiêng liêng của người Việt Nam, đồng thời là biểu tượng quyền uy của nhà nước được xác lập đầu tiên tại Việt Nam - nhà nước Hùng Vương.

"Lời thề linh thiêng ấy vang vọng núi sông Đại Việt, theo chiều dài lịch sử đất nước, trải qua các triều đại phong kiến, từ thời Lý, Trần cho đến ngày nay", ông Nguyễn Thanh Tịnh nói.

Cận cảnh nghi lễ thề trung hiếu đền Đồng Cổ (Hà Nội) ảnh 2
Lời thề trung hiếu nêu cao lòng tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ. Ảnh: Gia Linh.

Việc tổ chức Hội thề trung hiếu nhằm khơi dậy, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của ông cha, khẳng định bản sắc văn hóa về lòng trung thành với Tổ quốc, lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đây cũng là hoạt động góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và quảng bá các di tích lịch sử gắn với lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ).

Cận cảnh nghi lễ thề trung hiếu đền Đồng Cổ (Hà Nội) ảnh 3

Chương trình nghệ thuật mừng lễ đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tối 21/5. Ảnh: Thanh Tùng

Nhiều bạn trẻ mong muốn chung tay giữ gìn, bảo tồn lễ hội "có một không hai" ngay giữa lòng Hà Nội. "Em mong hội thề vẫn luôn được bảo tồn và phát huy được những giá trị linh thiêng", Cao Thị Thu Hường - sinh viên khoa Du lịch, trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết.

Lễ hội đền Đồng Cổ năm 2023 diễn ra trong hai ngày 21-22/5 (3-4/4 âm lịch) với nhiều nghi lễ truyền thống như: rước Nhị vị Thành hoàng làng từ đình Đông Xã sang đền Đồng Cổ, rước Thánh, dâng lễ của các dòng họ, dâng hương nữ hoặc nam tại đền Đồng Cổ và các hoạt động văn nghệ, thể thao.
Tối 21/5, lễ Kỷ niệm 995 năm Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ, Hà Nội) và đón nhận Quyết định ghi danh Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2023.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.