Ôsin bệnh viện

Ôsin bệnh viện rất khác với ôsin nhà. Ôsin bệnh viện tính tiền theo ngày và chăm sóc bệnh nhân, chủ yếu bệnh nhân nặng không hoạt động được cần phải có sự trợ giúp của người khác.
Nhóm ôsin chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Việt - Xô trong giờ nghỉ.

Có một nghề không cần bằng cấp, chứng chỉ, không cần vốn, nhưng vẫn kiếm ra tiền. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ can đảm để làm nghề này, mà phải những ai thuộc dạng sức khỏe dẻo dai, không ngại khó, không ngại khổ, không ngại bẩn, không xấu hổ... Người làm nghề này chủ yếu hoạt động tay chân gọi là người giúp việc, và còn một tên thông dụng khác là “ôsin” bệnh viện.

Ôsin bệnh viện rất khác với ôsin nhà. Ôsin bệnh viện tính tiền theo ngày và chăm sóc bệnh nhân, chủ yếu bệnh nhân nặng không hoạt động được cần phải có sự trợ giúp của người khác. Ôsin bệnh viện di chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện kia, quanh năm suốt tháng. Ôsin bệnh viện ăn, ngủ, sinh hoạt trong viện, đó là một cuộc sống có nhiều điều làm không ít người tò mò.

Một lần, đến thăm một họa sĩ thuộc hàng nổi như cồn trong giới hội họa Việt Nam. Căn biệt thự tọa lạc ngay trung tâm thủ đô. Họa sĩ đình đám này có nhiều thú chơi, anh nói rất nhiều nhưng chả hiểu sao tôi cứ ấn tượng mỗi một câu nói của anh: "Nhà tôi 4 người có 5 ôsin. Một ôsin nấu nướng. Một ôsin đấm bóp. Một ôsin dọn vườn. Một ôsin dọn nhà. Một ôsin chuyên tắm rửa và cho chó mèo ăn".

Lần đầu tiên tôi biết được trên đời này lại có người sở hữu nhiều ôsin đến vậy. Mà, ôsin thì muôn hình vạn trạng, thiên biến vạn hóa. Chuyện của anh họa sĩ nọ không chỉ mình tôi mà trong giới nghệ sĩ người ta bảo đấy là câu chuyện: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!".

Bẵng đi một thời gian, gặp lại anh họa sĩ, tôi bảo: "Nhà anh vẫn còn 5 ôsin đấy chứ? Nhiều ôsin thế khác gì sống chung với lũ đâu". Anh vui vẻ: "Nhà thì vẫn 5 ôsin nhưng mới "tậu" thêm một ôsin nữa, không ở nhà". Tò mò, tôi nghĩ chắc anh mới mua biệt thự ở vùng quê hẻo lánh nào rồi thuê người về trông.

Anh cười ha hả: "Cụ bà bị tiểu đường nằm trong viện, con cái bận bịu cả, không có ai trông nom, sai con bé ôsin dọn vườn đi chăm bà được hai hôm thì nó về ốm oặt ẹo… mùi bệnh viện. Bảo con bé ôsin chuyên cho chó mèo ăn đi chăm bà thì chó mèo hai ba ngày không ai tắm rửa nhà khai mù. Đành phải đưa con bé đấm bóp đi chăm bà thì xem ra bà sướng mà mình và vợ lại khổ, quen được người khác gãi ngứa cho ngủ bây giờ thấy vắng đâm ra thiếu ngủ. Nghe người ta giới thiệu nên thuê ôsin bệnh viện để chăm sóc bà".

A! Ôsin bệnh viện. Cái nghề ôsin này chắc chắn sinh sau, đẻ muộn hơn những ôsin kia. Thế rồi, tôi cũng quên hẳn cái nghề ôsin, vì trên đời này còn nhiều chuyện cần phải làm lắm. Bỗng dưng một sự việc khiến cho tôi không ngừng nghĩ về nó, cái nghề ôsin bệnh viện ấy. Quả là kỳ thú. Quả là không thể tưởng tượng nổi, khiến tôi há hốc miệng kinh ngạc.

Chuyện là, cô bạn thân của tôi mấy hôm mặt buồn rười rượi vì mẹ bị tai biến nằm gần như bất động trên giường đã ngót nghét chục năm, thêm nữa cả tuần qua bà lại bỏ ăn nằm rên rỉ vì cơn đau hành hạ nghe rất não nề. Thương cảm, bạn tôi đưa mẹ vào bệnh viện và bác sĩ chẩn đoán bà lại bị thêm bệnh tiểu đường. Tôi đến thăm bà vào một chiều muộn ở Bệnh viện Tiết niệu Trung ương. Người già đã cao huyết áp lại tiểu đường, bà mệt mỏi nằm thiêm thiếp trên giường bệnh rất đáng thương.

Hai vợ chồng bạn tôi con còn nhỏ, công việc hành chính ở cơ quan, ngày tròn 8 tiếng, khi vào thăm mẹ, qua mấy ngã tư đèn đỏ, đường thủ đô đông như nêm cối, đi đâu cũng gặp cảnh tắc đường đến được bệnh viện cũng hơn 18 giờ. Những anh chị em khác chỉ thay phiên nhau vào thăm mẹ chứ phòng bệnh chật chội cũng không thể ngủ lại được. Giải pháp hữu hiệu nhất là thuê ôsin bệnh viện.

Kíp quá, chưa tuyển được ở đâu thì bà cụ giường bên cạnh hơn 80 tuổi, nghe kể chuyện bà có đến 10 người con nhưng cả trai lẫn gái không ai có thể hợp với bà hơn cô ôsin này. Cô ôsin trạc ngoài 30, da trắng trẻo, hình thức trung bình khá, liến thoắng bảo: "Bà hợp với con nhất đấy, bà nhỉ? Bởi vì con hay cho bà ăn bánh nịnh. Bà già rồi, bà chỉ thích ăn bánh nịnh thôi".

Cô cười giòn tan: "Người già không khác gì trẻ con, ai chả thích nghe nói ngọt, ăn bánh nịnh". Rồi cô với giọng sang giường bên này nơi có bà mẹ bạn tôi: "Tí nữa con lại cho cả bà ăn bánh nịnh nữa nhé. Bà ăn xong rồi sẽ nghiện con ngay".

Bạn tôi đang khó khăn chưa tìm đâu ra người giúp mẹ thì có chị này trông nhanh nhẹn tháo vát phụ giúp cho cũng tốt. Thế là cô ôsin giúp bà cụ chính giường bên giá là 300 ngàn đồng/ ngày, thêm phụ giúp mẹ bạn tôi 200 ngàn đồng/ ngày. Cô làm rất chuyên nghiệp như được "đào tạo bài bản" từ lâu lắm. Cô nói về nghề này là phải không ngại việc, không xấu hổ mới làm được. Cô nói, cô chăm đủ người bệnh cụ ông, cụ bà toàn những người ốm nặng, người ta mới cần đến mình. Mà chăm người già không khác gì chăm trẻ con, cứ tỉ mẩn từng li từng tí.

Cô kể một lần chăm cụ ông ngoài 80 tuổi bị bệnh cao huyết áp, cô ngày ngày tắm rửa, bón cho ông ăn. Một lần tắm cho cụ ông, cụ ông bảo: "Tao già cả rồi, không khác gì cây chuối đổ, như con chim có cánh mà không bay được. Mày thì như con sâu, tao có thèm cũng không cất cánh bay đến mổ được, nên cứ yên tâm mà làm". Cụ cứ ra vào viện liên tục vì bệnh cao huyết áp. Mỗi lần vào viện người nhà lại điện thoại cho cô chăm ông.

Người nhà bảo: "Cụ ông nhà này "nghiện" Lan rồi nhé" (Lan là tên cô ôsin). Cô nói người ta nghiện cái gì cũng khó bỏ, khó cai. Nhiều người già nghiện cô như trẻ con nghiện sữa mẹ. Đến lúc dứt ra không ai trò chuyện, không ai bóp chân, nắn tay, không tắm rửa lau chùi cho là đâm ra lại "thổn thức" ấy chứ?!

Vẫn nụ cười hồn nhiên, Lan kể năm trước chăm một cụ ông nằm viện được một tuần thôi chả hiểu con gái ông cụ không ưng Lan đổi một bà già 60 tuổi vào chăm cụ ông. Cụ ông bỏ không ăn mấy bữa liền, gia đình lại phải điện thoại cho Lan về chăm ông, nhưng lúc đó mình đang chăm một cụ khác mất rồi.

Như cụ bà đây, 10 người con nhưng có người con nào hiểu tâm tính bà cụ và chăm sóc cụ được như Lan đâu. Lan bảo: "Cái nghề đã chết buồn, xung quanh toàn những người đau ốm bệnh tật thì phải tự tìm niềm vui cho mình. Cái chính là phải tận tâm, phải vui. Người ta đau ốm lại nhìn cái bộ mặt méo mó khó coi của người chăm sóc thì chịu sao cho thấu. Thế nên phải cười, nghĩ chuyện ra mà cười.

Bạn tôi thấy Lan nhanh nhẹn định sau khi mẹ ra viện sẽ mời Lan về nhà chăm sóc bà. Câu đầu tiên tôi nghe Lan nói: "Em về nhà chị, bảo là chăm sóc bà là chỉ có chăm bà thôi. Em không quét nhà, đi chợ, nấu nướng, giặt giũ, rửa bát đâu... Ngày ăn ba bữa ở nhà chị. Nhà chị ăn gì em ăn nấy. Lương một tháng từ 6 triệu rưỡi đến 7 triệu. Được thế em mới về làm chứ không đủ em không về đâu. Làm ở viện sướng hơn...".

Tôi sốt ruột cắt ngang, sướng hơn làm sao được. Cả ngày ngửi mùi bệnh viện đã thế ăn ngủ sinh hoạt lại vạ vật, sướng hơn cái gì?!

"Tiền chứ còn cái gì nữa chị", Lan ngắt lời tôi. Lan kể, chị tính xem mỗi ngày em đi làm ở trong này được 300 nghìn/ ngày công. Như chăm sóc cả hai bà đây được 500 nghìn/ngày. Đã thế chưa kể nhà người ta đông con, người con này thỉnh thoảng vào thăm mẹ lại dúi cho ôsin một, hai trăm nghìn. Người con kia lại cũng dúi tiền cho. Cộng cái đống tiền lẻ ấy vào cũng có khi lên đến cả triệu. Đấy là không kể nhà nào thoáng đưa tiền cho ôsin mua cái này, cái nọ cho bệnh nhân còn thừa tiền họ cho luôn, không cần lấy lại tiền thừa nữa. Lắm khi chăm sóc bệnh nhân mà chẳng may người ta bệnh nặng qua đời, gia đình người ta chưa quen việc, lóng ngóng không thạo tắm rửa cho các cụ, em làm tuốt. Họ cho cả triệu, triệu hai, thậm chí là triệu rưỡi. Một tháng em chỉ cần tắm rửa cho khoảng 3 cụ là đã được 4 triệu rồi. Còn hơn lương cô sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ra trường làm ở nhà nước nhé. Đấy là chưa kể...".

Tôi há hốc mồm kinh ngạc. Sự thật rõ như ban ngày. Cô ôsin bệnh viện nói chẳng có gì sai, mà sao nghe vừa buồn cười, vừa chua xót. Sau khi tình cờ gặp cô ôsin ở Bệnh viện Tiết niệu Trung ương, tôi dành thời gian để "dạo quanh thị trường" ôsin bệnh viện xem tình hình ra sao?! Tôi nói chắc như đinh đóng cột với bạn tôi: "Để tớ tìm ôsin cho".

Bệnh viện Việt - Xô, những bệnh nhân có tiêu chuẩn mới vào được đây. Khoảng sân rộng, tôi đang loay hoay với vai đi tìm ôsin cho mẹ bạn thì được một bác giới thiệu, cháu ra sân có một nhóm người đang tụ tập ở đấy. Theo tay bác chỉ tôi ra sân thấy đến 7 người. Họ có trẻ, có già. Quê quán đến từ khắp nơi. Họ ngồi ở ghế đá và buôn đủ thứ chuyện. Giá ở đây mềm hơn 250 nghìn/ngày.

Khi thấy tôi muốn tìm người chăm bệnh nhân ở nhà họ tranh nhau cũng chả khác gì cảnh chợ lao động thường thấy ở những ngã phố. Tôi vốn dĩ thích người nhanh nhẹn nên tôi chọn người trẻ. Một chị ôsin bệnh viện lại bảo tôi: "Trông em hiền lành nên chị muốn giới thiệu người tin cẩn cho em".

Cô gái tôi thuê trẻ nhất trong nhóm giới thiệu tên là Nhài quê ở Phú Thọ. Cô xuống Hà Nội chăm bệnh nhân đã hơn 4 năm. Vậy là cũng kha khá kinh nghiệm. Mấy cô trông bệnh nhân nói chuyện với nhau rằng cụ nào nặng, cụ nào khó qua, cầm cự được mấy ngày. Các cô không ở cố định một bệnh viện nào cả mà từ Bệnh viện Việt - Đức, chuyển sang Xanh Pôn, lại vào Việt - Xô.

Một cô bảo nghề nào cũng phải "Buôn có bạn, bán có phường". “Nghề” ôsin bệnh viện cũng vậy. Làm việc phải có tập thể. Ví dụ như một cô đang chăm bệnh nhân ở Bệnh viện Việt - Đức thấy trong phòng mình, hoặc phòng bên một người bệnh đang cần người chăm sóc, cô chỉ việc lấy điện thoại di động alô là một lúc sau đồng nghiệp của cô đến để giúp rồi. Cô kể nghề này cũng phải có duyên mới làm được. Có người thì có khách quanh năm, không lúc nào ngớt người thuê mướn.

Bệnh nhân này vừa ra viện, bệnh nhân khác vào lại mướn trông luôn. Có lúc một cô chăm một lúc 2-3 người bệnh. Tiền công chăm sóc hai người trong một phòng 400 nghìn/ ngày. Người thì chơi dài cả tuần, cả tháng vạ vật chả ai mời, ai mướn. Cô đang kể nói chỉ thích làm ôsin bệnh viện vì ở bệnh viện tiền nhiều hơn, chứ làm ôsin gia đình thì nhà ai có thể trả đủ tháng tiền công 30 ngày, mỗi ngày 250 nghìn được. Gia đình họ xót chết.

Ôsin Lan chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Tiết niệu Trung ương

Cô kể, trong 7 năm làm nghề ôsin ở viện có một lần lâu nhất là chăm sóc một cụ già nằm như người sống thực vật gần năm trời trong khoa dãy nhà B. Cô được trả 7 triệu rưỡi một tháng. Tôi hỏi những ngày không có khách cô ngủ ở đâu, nhà trọ nào? Cô nhìn tôi như người từ trên trời rơi xuống: "Chả có nhà trọ nào sất. Ở nhà trọ thì đứt mối luôn còn gì. Đã vào nghề này là ăn, ngủ, sinh hoạt 24/24 ở viện".

Cô nói: "Người ta nhập viện, người ta cấp cứu có báo cho mình đâu. Ngày ngồi ở sân bệnh viện, tối ngủ ở cầu thang bệnh viện người ta mới biết đến mình mà mướn". Tôi tỏ ý thương cảm vì nằm ở cầu thang thì chỉ có mà làm mồi cho muỗi. Các cô đồng thanh bảo, chả có muỗi nào hết, muỗi chết hết vì bệnh viện dùng rất nhiều nước tiệt trùng vi khuẩn.

Những khoảng sân của khu tập thể hay khu chung cư, người ta thấy ôsin các nhà bế trẻ nhỏ ra, rồi các ôsin gia đình buôn với nhau đủ thứ chuyện, thì ôsin bệnh viện họ cũng ngồi lại với nhau vào giờ khi bác sĩ bảo gia đình bệnh nhân ra ngoài hết để khám cho bệnh nhân. Vào những lúc ấy họ lại "buôn dưa lê, bán dưa cà" đủ thứ chuyện.

Nhiều cô ôsin bệnh viện to nhỏ: Nghề này "vét đĩa" nhất, ai có thu nhập thấp trừ ăn tiêu đi rồi, tiết kiệm cũng được 4 triệu/tháng. Ai có lộc bệnh viện, trừ các khoản chi tiêu tiết kiệm được ngót nghét chục triệu một tháng. Ôi! ôsin bệnh viện!!!

Theo Theo An ninh thế giới