Ông Vương Đình Huệ: Vĩnh Phúc nên bổ sung chỉ tiêu về kinh tế số

TPO - Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Vĩnh Phúc có hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại kết nối với Hà Nội và các tỉnh trong vùng, là điều kiện rất thuận lợi để xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, làm tiền đề để tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Sáng 14/10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 khai mạc phiên trọng thể. Về dự, chỉ đạo Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng nhiều lãnh đạo ban, bộ, ngành T.Ư.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thay mặt Bộ Chính trị, dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, sáng 14/10. Ảnh: Trường Phong

Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Phát biểu tại Đại hội, ông Vương Đình Huệ cho biết, ông được phân công của Bộ Chính trị về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII. Đại hội là sự kiện chính trị rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân Vĩnh Phúc. Thành công của Đại hội chắc chắn sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong thời gian tới và góp phần quan trọng vào thành công chung của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ông Huệ đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, kinh tế Vĩnh Phúc phát triển và duy trì mức tăng trưởng khá, bình quân 7,1%/ năm, cao hơn bình quân chung cả nước. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,56 lần so với năm 2015. Bình quân thu nhập đầu người đạt 104,68 triệu đồng/người, tương đương 4.500 USD. Năng suất lao động cao hơn mức bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn khoảng 7%. Công nghiệp tiếp tục đóng vai trò là nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế; du lịch, dịch vụ tiếp tục phát triển, ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng cao, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khá, là một trong 5 tỉnh có số thu ngân sách lớn nhất cả nước, đặc biệt thu nội địa luôn đứng ở tốp đầu cả nước và thứ hạng cao của miền Bắc; là tỉnh có tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn về Trung ương (47%) trong số các tỉnh miền Bắc. Vĩnh Phúc cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc. Nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành. Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, ngày một khang trang, văn minh, hiện đại. Thành phố Vĩnh Yên đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I; đô thị Phúc Yên đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh…

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng đẩy mạnh. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đạt nhiều kết quả. Công tác phát triển đảng được chú trọng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng công giáo; bình quân hàng năm kết nạp được 2.389 đảng viên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính quyền được nâng lên.

Ông Vương Đình Huệ cũng nhắc đến Vĩnh Phúc như một tấm gương tiêu biểu về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Là tỉnh đầu tiên xuất hiện ổ dịch trên địa bàn, nhưng tỉnh đã thực hiện các biện pháp khẩn trương, kịp thời, bài bản để phòng chống dịch hiệu quả, thành công. Nhiều tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội, đã cử đoàn công tác lên học tập kinh nghiệm của Vĩnh Phúc về phòng, chống dịch COVID-19.

Nghiên cứu phát triển kinh tế số

Ông Huệ đồng tình với các định hướng phát triển, quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá của tỉnh Vĩnh Phúc trong nhiệm kỳ tới.

Ông Huệ cho rằng, Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cửa ngõ phía Tây Bắc và nằm trong vùng phát triển của Thủ đô Hà Nội; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại kết nối với Hà Nội và các tỉnh trong vùng, là điều kiện rất thuận lợi để xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, làm tiền đề để tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc phát động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt, mưa bão ở miền Trung

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và các đại biểu khách mời dự Đại hội ủng hộ nhân dân, đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bão lụt miền Trung

Các đại biểu quyên góp, ủng hộ tại Đại hội. Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định ủng hộ đồng bào các tỉnh bị thiệt hại bởi mưa bão, lũ lụt 5 tỷ đồng

Cùng với đó, cần đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược. Tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, minh bạch, an toàn để thu hút các dòng vốn đầu tư mới. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Huệ cho rằng, Vĩnh Phúc đang trong quá trình phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, tạo ra nhiều áp lực về hạ tầng kinh tế - xã hội và gia tăng dân số. Vì vậy, cần tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, ngành, quy hoạch sản phẩm; trên cơ sở đó xác định rõ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Làm tốt hơn nữa công tác quản lý đô thị, đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị; hạ tầng thông tin - truyền thông; sớm xây dựng thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Cùng với phát triển, hiện đại hóa đô thị, cần có chương trình hành động cụ thể để phát triển kinh tế đô thị, thực sự là động lực quan trọng để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, chú trọng đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đồng bộ, hiện đại, với các loại hình dịch vụ y tế chất lượng cao.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn, phân cấp, phân quyền phù hợp; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị, đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.

Ông Huệ gợi ý, nên chăng Đại hội suy nghĩ về việc bổ sung thêm chỉ tiêu về kinh tế số. Với Vĩnh Phúc, hiện đang phát triển công nghiệp và đô thị mạnh, cần đưa thêm chỉ tiêu về tỷ trọng kinh tế số trong quy mô nền kinh tế. Vì hiện nay, có rất nhiều loại hình, phương thức kinh doanh mới xuất hiện do tiến bộ khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại.

“Một nhiệm vụ rất quan trọng của Đại hội là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội XIII của Đảng. Tôi đề nghị với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn bầu những người tiêu biểu cho trí tuệ, phẩm chất và năng lực, với cơ cấu hợp lý, bảo đảm tính liên tục, kế thừa trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh để lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra; bầu những người tiêu biểu, đại diện xứng đáng ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII” - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.