Đưa ra nhận xét trên hôm 30/3, Tổng thống Donald Trump có vẻ như đang quay lại quan điểm cứng rắn vốn có đối với Trung Quốc trước và sau khi ông trở thành ông chủ Nhà Trắng, giới quan sát nhận định.
Xác định hướng đi quan hệ Mỹ-Trung
“Cuộc gặp tuần tới với Trung Quốc sẽ rất khó khăn”, ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter, rõ ràng là nói đến chuyến thăm của ông Tập Cận Bình vào tuần tới tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang California. “Chúng ta không thể chịu đựng thâm hụt thương mại khổng lồ…và mất việc làm thêm nữa. Các công ty Mỹ phải chuẩn bị cho những lựa chọn khác”, Tổng thống Mỹ viết.
Cuộc gặp thượng đỉnh ở khu nghỉ dưỡng sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chuyến thăm được sắp xếp sau một khởi đầu trắc trở trong quan hệ Mỹ - Trung dưới thời chính trị gia tỷ phú, người nhiều lần chỉ trích chính sách thương mại của Bắc Kinh và sự miễn cưỡng của họ trong việc gây sức ép với Triều Tiên nhằm khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang né tránh các câu hỏi về thông điệp của ông Trump và nói đi nói lại rằng “cả Trung Quốc và Mỹ rất chú trọng và cuộc gặp sắp tới”. Washington và Bắc Kinh “hy vọng cuộc gặp sẽ thành công để đặt ra hướng đi đúng đắn cho sự phát triển quan hệ song phương”, ông Trịnh nói.
Hai bên đã xác nhận ông Trump và ông Tập sẽ gặp nhau từ ngày 6 tới 7/4. Cuộc gặp này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định màu sắc của quan hệ giữa hai cường quốc trong các năm tới, giới quan sát nhận định.Trong một thông báo đưa ra hôm 30/3, Nhà Trắng nói rằng, hai nhà lãnh đạo sẽ “thảo luận các vấn đề toàn cầu, khu vực và song phương mà hai bên quan tâm”.
Chuyến thăm Bắc Kinh gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được coi là sự kiện quyết định sự thành công hay thất bại cho khả năng gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo. Trước khi đến Bắc Kinh, ông Tillerson nói rằng, hai thập kỷ nỗ lực ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên đã thất bại. Chỉ vài tuần trước, một cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc dường như xa vời sau khi ông Trump chọc giận Bắc Kinh khi ngụ ý rằng, ông có thể quay lưng với chính sách “Một Trung Quốc” (trong đó công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc). Trong cuộc điện đàm hòa giải giữa tháng Hai, Tổng thống Mỹ đổi giọng điệu về vấn đề Đài Loan, mở ra cơ hội để Washington và Bắc Kinh bàn về một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
Trung Quốc nhanh chóng nắm lấy cơ hội, cử nhà ngoại giao hàng đầu của họ là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì sang Washington. Tại Mỹ, ông Dương có các cuộc làm việc với Nhà Trắng, gặp con rể của Tổng thống Trump - ông Jared Kushner, Chiến lược gia trưởng Steve Bannon và Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster trước khi có cuộc gặp ngắn với Tổng thống Trump. Trong những cuộc gặp này, ông Dương gợi ý Tổng thống Trump đón ông Tập tại Mar-a-Lago - khu nghỉ dưỡng của tổng thống ở California,Reuters dẫn nhiều nguồn tin thân cận với cả hai phía.
Giọng điệu cứng rắn
Theo các nhà phân tích, lời lẽ cứng rắn của ông Trump trong vấn đề thương mại và chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên có thể là tín hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ đã sẵn sàng chọn con đường đối kháng. Quan hệ hai bên đang căng thẳng vì Trung Quốc kịch liệt phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc nhằm đối phó nguy cơ từ Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hôm 30/3 nói rằng, Trung Quốc có thể và phải làm nhiều hơn nữa để ép Triều Tiên dừng các chương trình tên lửa và hạt nhân. Trước thông tin Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị thực hiện một vụ thử hạt nhân nữa, bà Haley nói rằng, Washington sẽ không kêu gọi tổ chức một cuộc tranh luận trong Liên Hợp Quốc về vấn đề này.
Thông điệp trên Twitter của ông Trump và phát biểu của bà Haley dường như được hòa tấu, xuất hiện chỉ vài giờ sau khi Washington và Bắc Kinh xác nhận chuyến thăm Mỹ của ông Tập. Giọng điệu cứng rắn có thể là bước mở màn đàm phán của người đàn ông luôn tự hào là bậc thầy trong “nghệ thuật thỏa thuận”, giới quan sát nhận định. Nhưng về mặt công khai, ít nhất Trung Quốc chưa cắn câu. Khi được hỏi về tuyên bố của ông Trump trong vấn đề thâm hụt thương mại, Thứ trưởng Trịnh Trạch Quang nói rằng, đầu tư của Trung Quốc đang tăng nhanh trong những năm gần đây.
Tháng 1 năm nay, Mỹ thâm hụt 31,4 tỷ USD với Trung Quốc, sau khi chịu mức thâm hụt 347 tỷ USD với Trung Quốc trong năm 2016, theo số liệu thống kê của Mỹ. Ông Trịnh nói rằng, Mỹ có thể giải quyết tình trạng mất cân bằng bằng cách nới lỏng quy định xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc và mở cửa thêm cho đầu tư từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc mua hàng loạt công ty Mỹ trong năm 2016, thâu tóm từ tập đoàn bảo hiểm Mỹ Genworth Financial đến hãng phimHollywood Legendary. Nhưng các công ty Mỹ và Liên minh châu Âu luôn phàn nàn rằng, họ khó tiếp cận các ngành công nghiệp Trung Quốc.