Phát biểu của ông Tập được đưa ra tại Ả-rập Xê-út, nơi Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman chủ trì 2 hội nghị thượng đỉnh mang tính dấu ấn của Vùng Vịnh với nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhằm thể hiện vai trò quyền lực của nhà lãnh đạo thực tế của Ả-rập Xê-út ở khu vực, bên cạnh quan hệ truyền thống với Mỹ.
Với chuyến thăm của ông Tập, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về sự “không can thiệp”, vào thời điểm quan hệ giữa Riyadh với Washington đang bị thử thách vì vấn đề nhân quyền, chính sách năng lượng và quan điểm về Nga.
Bất kỳ động thái nào của Ả-rập Xê-út nhằm từ bỏ đồng đôla Mỹ trong buôn bán dầu sẽ được coi là bước đi chính trị gây chấn động. Riyadh từng dọa sẽ làm điều này khi các nước thành viên OPEC đối diện với nguy cơ bị Mỹ áp luật chống độc quyền.
Ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở Vùng Vịnh khiến Mỹ lo lắng. Trong chuyến thăm của ông Tập, làm sâu sắc hợp tác kinh tế là chủ đề được nhấn mạnh, đánh dấu bằng lễ ký hàng loạt thoả thuận hợp tác, tiếp nối là hội nghị thượng đỉnh rộng hơn cùng lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên minh Ả-rập.
Trước khi diễn ra hội nghị ngày 9/12, Thái tử Mohammed ca ngợi “giai đoạn lịch sử mới trong quan hệ với Trung Quốc”. Cách tiếp đón nồng nhiệt mà Ả-rập Xê-út dành cho ông Tập khiến giới quan sát nhắc lại cuộc gặp đầy “thị phi” của lãnh đạo quốc gia này với Tổng thống Mỹ Joe Biden cách đây 5 tháng.
Khi được hỏi về quan hệ với Washington trước khi đón ông Tập, Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út - Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud khẳng định nước này sẽ tiếp tục làm việc với tất cả các đối tác. “Chúng tôi không muốn nhìn việc này như một trò chơi được mất. Chúng tôi không tin vào phân cực hoá hay chọn bên”, ông nói.
Dù Ả-rập Xê-út và Trung Quốc ký hàng loạt thoả thuận về chiến lược và kinh tế, giới quan sát cho rằng quan hệ này vẫn chủ yếu tập trung vào lợi ích năng lượng.
Ông Tập nói rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục nhập một lượng lớn dầu mỏ từ các nước Ả-rập Vùng Vịnh và mở rộng nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng.
Ông cho biết Trung Quốc sẽ “tận dụng Sàn giao dịch dầu khí Thượng Hải làm nền tảng để thực hiện thanh toán bằng nhân dân tệ trong mua bán dầu khí”.
Tuy nhiên, một nguồn tin từ Ả-ập Xê-út nói với Reuters trước chuyến thăm của ông Tập rằng việc bán một lượng dầu mỏ cho Trung Quốc lấy nhân dân tệ có thể là cách hợp lý để Trung Quốc có thể nhập khẩu trực tiếp, nhưng “hiện giờ chưa phải thời điểm”.
Hầu hết tài sản và dự trữ của Ả-rập Xê-út đều bằng đôla Mỹ, bao gồm hơn 120 tỷ trái phiếu kho bạc Mỹ mà Riyadh đang nắm giữ. Đồng riyal của Ả-ập Xê-út và các đồng nội tệ ở Vùng Vịnh cũng được quy đổi ra đô la Mỹ.