Ông Putin nói rằng Kiev có thể xuất khẩu ngũ cốc bằng đường bộ, và tuyến đường hợp lý nhất là qua ngả Belarus, nhưng phương Tây phải dỡ bỏ trừng phạt với Belarus trước.
Tổng thống Nga nói rằng những vấn đề của thị trường lương thực toàn cầu xuất hiện từ tháng 2/2020, và nguyên nhân cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là do “chính sách thiển cận” của phương Tây.
Ông Putin khẳng định Nga không cản trở xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, và hoạt động này có thể thực hiện qua các cảng trên Biển Đen và các nước láng giềng.
Ông cho rằng có nhiều cách để đưa ngũ cốc ra ngoài, có thể thông qua các cảng mà Nga đang kiểm soát như Berdyansk và Mariupol, qua sông Danube và Romania, Hungary và Ba Lan, nhưng cách đơn giản nhất là qua Belarus.
Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Mátxcơva sẽ càng làm trầm trọng hơn thị trường toàn cầu, khiến giá cả tăng hơn nữa.
Trong cuộc họp ngày 21/5, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng thế giới chỉ còn đủ bột mì để dùng trong 10 tuần, và tình hình hiện nay tệ hơn cả cuộc khủng hoảng trong những năm 2007-2008.
Người đứng đầu nước Nga nói rằng mỗi năm khoảng 800 triệu tấn ngũ cốc và lúa mì được sản xuất trên thế giới.
“Giờ chúng ta đang nghe rằng Ukraine sẵn sàng xuất khẩu 20 triệu tấn. 20 triệu tấn so với 800 triệu tấn có phải nhiều không? Chỉ là 2,5%. Nhưng thực tế là lúa mì chỉ chiếm 20% tổng khối lượng lương thực trên thế giới, nghĩa là trong 20 triệu tấn lương thực xuất khẩu từ Ukraine chỉ có 0,5% là lúa mì. Số lượng đó không đáng gì”, ông nói.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định khối lượng xuất khẩu thực tế của Ukraine thấp hơn nhiều. Giới chức Mỹ khẳng định Ukraine có thể xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn bột mì.
“Chúng tôi hiểu rằng số lượng đó không nhiều”, ông nói đồng thời cho biết trong niên vụ hiện tại, Nga sẽ xuất khẩu khoảng 37 triệu tấn ngũ cốc.
Trong khi đó, ông Maximo Torero – nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) – vừa cảnh báo rằng thế giới sẽ gặp thách thức nghiêm trọng khi một số nước xuất khẩu phân bón chủ chốt dừng xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến vụ mùa năm 2023.
“Trong 1-2 tháng tới, nếu chúng ta không nhận được phân bón từ các nước xuất khẩu chủ chốt, chúng ta sẽ đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Đó sẽ là vấn đề của vụ mùa năm sau, vì thế mối lo chính của chúng ta là năm 2023”, ông Terero nói.
Nga và Belarus là hai nước xuất khẩu phân kali chính.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết sẽ cố gắng khôi phục xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, phân bón từ Nga và Ukraine, nhằm xử lý tình trạng khủng hoảng lương thực.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng cung cấp phân bón, nhưng nỗ lực này bị ngăn cản vì các lệnh trừng phạt, trong khi hành động của Ukraine cũng cản trở xuất khẩu ngũ cốc của chính họ.