Bị đảng của mình ép phải rời vị trí đứng đầu chính phủ sau hàng loạt bê bối, ông Johnson thúc giục nước Anh đoàn kết và ủng hộ tân thủ tướng.
Sau bài phát biểu chia tay bên ngoài Phố Downing, ông rời London để đến Scotland và đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Elizabeth. Sau đó, bà Truss được bổ nhiệm làm thủ tướng và bắt đầu thành lập chính phủ.
Tân thủ tướng 47 tuổi sẽ phải đảm đương nhiệm vụ đưa nước Anh vượt qua nguy cơ suy thoái kéo dài và cuộc khủng hoảng năng lượng đang tác động mạnh lên cuộc sống và hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
Kế hoạch của bà Truss về thúc đẩy kinh tế thông qua cắt giảm thuế, bơm hàng chục tỷ bảng để khống chế giá nhiên liệu đã gây tác động tiêu cực lên các thị trường tài chính, khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi đồng bảng và trái phiếu Chính phủ Anh.
“Điều tôi muốn nói với các đồng nghiệp trong đảng Bảo thủ là đã đến lúc bỏ lại chính trị. Đã đến lúc chúng ta phải đoàn kết sau bà Liz Truss cùng nhóm của bà và chương trình của bà ấy”, ông Johnson nói trước khi rời nhiệm sở.
Bà Truss sẽ là thủ tướng liên tiếp thứ tư của đảng Bảo thủ trong vòng 6 năm.
Bà hứa sẽ có “hành động táo bạo” để đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, bao gồm cắt giảm thuế, bất chấp cảnh báo rằng biện pháp này sẽ càng làm trầm trọng tình trạng lạm phát vốn đã ở mức 10,1% - cao nhất trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Ông Johnson dùng bài phát biểu cuối cùng của mình để ca ngợi những thành công mà ông đã đạt được, trong đó có chương trình tiêm chủng sớm vắc xin COVID-19 và sự ủng hộ ngay từ đầu dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Bài phát biểu chứa đầy những lời lẽ khoa trương và đùa cợt, phong cách từng được dư luận yêu thích nhưng cũng bị một số người ghét.
Ông cũng không loại trừ khả năng trở lại.
Bà Truss cũng sẽ đến Scotland và nhận chỉ thị từ Nữ hoàng Elizabeth về thành lập chính phủ mới. Sau đó, bà Truss sẽ có bài phát biểu trước cả nước và bắt đầu bổ nhiệm các bộ trưởng trong ngày 6/9.
Trong những năm gần đây, nước Anh gặp hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, hiện nay là nguy cơ suy thoái, lạm phát tiếp tục tăng và đồng bảng yếu đi. Khủng hoảng năng lượng đang là vấn đề cấp thiết nhất.
Hóa đơn sinh hoạt của các hộ gia đình dự kiến tăng 80% trong tháng 10. Một nguồn tin nắm được tình hình cho biết bà Truss đang tìm cách khắc phục, bằng một kế hoạch chi ngân sách lớn hơn cả chương trình chống COVID-19.
Tình hình tài chính công của Anh vẫn đang bị đè nặng bởi những khoản chi tiêu khổng lồ chống COVID-19. Nợ công tính theo tỷ trọng sản lượng kinh tế không còn xa ngưỡng 100%, tăng so với mức 80% trước khi xảy ra đại dịch.