Năm 2012, một người quen tên Trần Nhân Vũ (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh) xưng là Giám đốc Cty Du học quốc tế Phúc Sơn chi nhánh miền Trung (đóng tại Đà Nẵng) đến nhà Trần Văn Thiên (1992) và Võ Thanh Trung (1991, thôn Bình Tân, xã Bình Minh) để tư vấn du học Nhật, kiếm việc làm thu nhập 30 - 40 triệu đồng/tháng. Đổi lại, gia đình cần đóng số tiền 190 triệu đồng cho Cty.
Tin lời, gia đình Thiên và Trung chấp nhận nợ nần để có tiền nộp cho Vũ. Cùng thời điểm đó, hàng chục gia đình khác cũng tin lời Vũ và đóng tiền cho con để đi du học. Nhưng khi qua Nhật, người học và gia đình mới ngã ngửa, giấc mộng đổi đời không như viễn cảnh mà Vũ đã vẽ ra.
Theo Thiên, việc thu 190 triệu đồng được Vũ giải thích là để lo học phí 6 tháng đầu khi qua Nhật, 3 tháng trọ cùng chi phí máy bay. Ngoài ra, Thiên còn phải đóng 7 triệu đồng để làm hồ sơ và đi học, thi tiếng Nhật sơ cấp.
“Bảng chữ cái tiếng Nhật mình chưa thuộc hết nhưng vẫn có được bằng. Anh Vũ bảo cứ nộp tiền, ra Hà Nội thi, hôm thi có mặt là OK hết. Mình được cấp chứng nhận tiếng Nhật cùng giấy báo nhập học của trường bên Nhật”, Thiên kể.
Cuối tháng 12/2012, Thiên cùng 25 người khác (trong đó Quảng Nam có 10 người, riêng xã Bình Minh có 7 người) được Cty Du học quốc tế Phúc Sơn đưa lên máy bay sang Nhật đến thành phố Saitama.
Tuy nhiên, không như hứa hẹn là sẽ được ở miễn phí, tất cả được vào cùng một chỗ trọ, ngoài ra, còn phải nộp tiền phòng trọ, tiền mua chăn màn với chi phí hàng chục ngàn yên Nhật.
“Chúng tôi như bị bỏ rơi, không biết nhờ cậy ai cả, trong khi chi phí đắt đỏ, tiền bạc mang theo thì vơi dần. Gọi điện về quê cho anh Vũ thì không liên lạc được, gọi thẳng cho công ty thì họ bảo chúng tôi tự lo”.
Tháng 7/2013, cả Trung và Thiên gọi điện về nhà nói bố mẹ gửi tiền sang để quay về nước. Cả hai khẳng định không hề vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật nước Nhật, và cũng không bị đuổi học. Ông Trần Minh Hùng - trưởng thôn Bình Tân, đồng thời là ba của Thiên cho biết, thôn hiện có gần 10 người đi du học tự túc tại Nhật Bản thông qua Công ty Cổ phần môi giới Phúc Sơn và một công ty khác.
Nay gia đình ôm nợ ngân hàng gần 200 triệu đồng. Bà Trịnh Thị Minh Nguyệt, mẹ của Trung cũng rầu rĩ vì món nợ gần 300 triệu đồng.
Theo ông Trần Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh địa phương có gần 20 người đang du học tự túc tại Nhật Bản thông qua nhiều công ty môi giới. Các Cty này không thông qua địa phương nên chính quyền không nắm được.
“Chúng tôi chỉ nắm những trường hợp bỏ về và cho rằng, bị lừa đảo. Đa số gia đình có con em đi du học đều vay mượn tiền bạc, nhiều gia đình lâm vào nợ nần vì ước mơ du học của con”. Riêng đối tượng Trần Nhân Vũ, ông Tám cho biết, đã vắng mặt khỏi địa bàn từ tháng 8/2013 không lý do, điện thoại thì không liên lạc được.
Trao đổi qua điện thoại, ông Đào Trọng Hùng, Tổng GĐ Cty CP Du học quốc tế Phúc Sơn lại cho rằng, trường hợp Thiên và Trung về nước là do vi phạm kỷ luật, trộm cắp và có lối sống không lành mạnh nên bị nhà trường đuổi học, công an Nhật Bản trục xuất. “Chứng cứ đâu nói chúng tôi lừa đảo, đâu có hợp đồng nào nói Công ty Phúc Sơn phải lo việc làm. Nhưng chứng cứ các em vi phạm thì tôi có, nếu cần sẽ cung cấp”, ông Hùng nói.