Ô tô điện hóa tại Việt Nam cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ

TPO - Việt Nam đang dần tiến bước vào kỷ nguyên ô tô điện hóa tương tự các nước phát triển nhưng sẽ cần phải có nhiều chính sách hỗ trợ rõ ràng hơn cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp để nắm bắt được cơ hội lớn này.

Bức tranh ô tô điện hóa trên thế giới

Hiện nay, sự phát triển quá mạnh mẽ về kinh tế xã hội đang kéo theo lượng xe cộ tăng vọt, đặc biệt là các ô tô sử dụng động cơ đốt, điều này đang góp phần gây ra hàng loạt vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường cũng như nhu cầu năng lượng. Tuy nhiên, xu hướng điện hóa đang được áp dụng ngày càng nhiều trên các loại phương tiện, tạo ra những mẫu xe Hybrid và xe điện, đây được coi như “cứu tinh” của nhân loại trong tương lai.

Minh chứng cho điều đó là doanh số các loại xe này ngày càng tăng. Theo EV Volumes, tổng lượng ô tô điện (EV) bán ra trên toàn cầu năm 2020 đạt khoảng 3,24 triệu chiếc, đạt thị phần 4,2% và tăng trưởng đạt 43,4% so với năm 2019. Trong đó, 1,15 triệu chiếc được sản xuất ở Châu Âu, 0,5 triệu chiếc ở Bắc Mỹ và 1,6 triệu chiếc được sản xuất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).

Tọa đàm Xu hướng ô tô điện hóa ở Việt Nam được báo Tiền Phong tổ chức mới đây.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là quốc gia có doanh số ô tô điện hàng đầu thế giới với 1,337 triệu chiếc năm 2020, tăng 12% so với năm 2019; Đức xếp thứ hai với 398 nghìn chiếc, tăng 254%; Mỹ đứng thứ ba với doanh số 328 nghìn chiếc, tăng 4%.

Theo chia sẻ của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đàm Hoàng Phúc (Phó trưởng bộ môn ô tô - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), những chiếc xe ô tô với ắc quy điện vốn đã xuất hiện từ năm 1839. Qua thời gian phát triển ngắn, ô tô điện gần như biến mất do không thể cạnh tranh được với xe động cơ đốt trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, sứ mệnh của loại xe này đã trở lại vào thế kỷ 21 với những chiếc ô tô xanh, tiết kiệm và thông minh nhất nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, ô tô điện không chỉ xuất hiện trong đời sống dân sinh mà còn có mặt ở mọi lĩnh vực hiện này như: Xe quân sự đảm bảo được tính bí mật, Xe đua F1 Hybrid, giải đua F1 cho xe thuần điện.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đàm Hoàng Phúc (Phó trưởng bộ môn ô tô - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) phát biểu trong tọa đàm Xu hướng ô tô điện hóa tại Việt Nam.

Trong khi đó, một số dự báo cho rằng, lượng xe điện sẽ chiếm 95% tổng số ô tô bán ra tại châu Âu tính đến năm 2030. Nhiều quốc gia tại “lục địa già” đã đặt mục tiêu ngừng hẳn việc kinh doanh xe sử dụng động cơ đốt trong trước năm 2050, thậm chí Na Uy còn tuyên bố sẽ chấm dứt việc bán các loại ô tô này vào năm 2025.

Phát triển ô tô điện tại Việt Nam cần nhiều chính sách hỗ trợ

Theo xu hướng toàn cầu, thị trường Việt Nam cũng đang manh nha “đặt chân” vào lĩnh vực xe điện với hướng đi táo bạo của VinFast và một số động thái thận trọng từ Toyota trong khoảng một năm trở lại đây. Hiện chưa có thống kê cụ thể nào về doanh số xe điện (cả xe máy và ô tô) tại Việt Nam nhưng tiết lộ từ cơ quan trong ngành cho thấy số lượng không quá nhiều.

Ông Nguyễn Văn Phương (Phó phòng chất lượng xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam) chia sẻ: “Trong năm 2020, chỉ có 900 ô tô điện được nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam, số lượng này trong ba tháng đầu năm 2021 đạt 600 chiếc, tuy nhiên, phần lớn trong số đó vẫn là các xe Hybrid”.

Ông Nguyễn Văn Phương (Phó phòng chất lượng xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam).

Thực tế, nhiều quan điểm cho rằng “điện hóa là xu thế không thể đảo ngược, vấn đề chỉ còn lại thời gian”, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề hiện tại cần được tháo gỡ để giúp loại ô tô này phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Về phía cơ quan hữu quan, ông Phương cho biết: “Trong đề xuất mới với quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải cũng có nhắc đến việc kiểm soát chặt khí thải môi trường từ các phương tiện giao thông và có lẽ sẽ được xem xét trong kỳ họp quốc hội khóa tới. Về kiểm soát phạm vi hoạt động cả các loại phương tiện thì có thể thực hiện được nhưng cũng chưa có chính sách cụ thể nào”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuân Thuý (Cục Công nghiệp – Bộ Công thương) trả lời về chính sách phát triển xe điện ở Việt Nam: “Hiện nay, chiến lược và quy hoạch phát triển ô tô mới nhất đã được chính phủ phê duyệt vào năm 2014. Vào thời điểm đấy chưa có sự xuất hiện nhiều của xe điện nên chưa có một hoạch định chiến lược cụ thể. Xe điện phát triển mạnh vài năm gần đây đặt ra vấn đề cần có định hướng”.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thuý (Cục Công nghiệp – Bộ Công thương).

Có thể thấy, các chính sách dành cho ô tô điện hiện nay chưa thực sự rõ ràng để có thể thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp này. Trong khi nhiều ý kiến cho rằng chính phủ cần giảm thuế phí cho người tiêu dùng để mức giá sở hữu xe điện ở mức dễ chịu hơn thì những doanh nghiệp sản xuất cũng cần có những hỗ trợ cụ thể. Điều này không chỉ là câu chuyện về chính sách mà còn là thách thức mà cũng là cơ hội cho quốc gia.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đàm Hoàng Phúc đưa ra ý kiến: “Chính phủ cần tạo điều kiện để phát triển xe điện bằng cách: Tạo ra thị trường, mở rộng các nhà sản xuất, thúc đẩy nhà sản xuất và nhà nghiên cứu”. Đồng thời, ông cũng bổ sung: “Nước ta cần áp dụng chính sách ‘Mời đại bàng đến Việt Nam đẻ trứng’, nghĩa là mời các hãng xe xuất đến sản xuất ô tô điện tại Việt Nam”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Hiếu (Trưởng ban Hoạch định chiến lược của Toyota Việt Nam) cho biết: “Thái Lan đã đưa ra chính sách hỗ trợ vào tháng ba vừa qua, trong khi Indonesia sẽ công bố chính sách mạnh mẽ vào tháng 10, thu hút nhiều hãng xe đến đầu tư. Thực tế, họ đã ‘lọt xong ổ cho đại bàng’. Việt Nam cần phải làm gì đó để không bỏ lỡ cơ hội cũng là thách thức này. Đây là câu chuyện cạnh tranh quốc gia”.

Ông Nguyễn Trung Hiếu (Trưởng ban Hoạch định chiến lược của Toyota Việt Nam).

Nắm bắt được xu hướng phát triển ô tô điện sẽ giúp Việt Nam đuổi kịp các thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề chính sách hỗ trợ từ chính phủ cần phải được giải quyết sớm để kích cầu người tiêu dùng đồng thời tìm được tiếng nói chung với các hãng xe, giúp họ không còn băn khoăn về việc sản xuất ô tô điện tại Việt Nam.