Ồ ạt xây Trung tâm hỗ trợ nông dân: Nguy cơ lãng phí cả trăm tỷ đồng

TP - Được cấp nguồn vốn ngân sách cả trăm tỷ đồng từ T.Ư để xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị nhưng nhiều Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân các tỉnh đang hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó, nhiều tỉnh vẫn đang chuẩn bị xây dựng các trung tâm này.

Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên (sau gọi tắt là Trung tâm) vừa khánh thành và khai trương rầm rộ vào ngày 21/3/2016. Với tổng vốn đầu tư 44 tỷ đồng từ T.Ư, Trung tâm nhìn khá khang trang, kiên cố trên diện tích rộng 1,2 ha với các hạng mục chính: hội trường lớn, phòng làm việc chuyên môn, ký túc xá 24 phòng khép kín, nhà ăn, xưởng thực hành… Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nơi tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề cho hội viên, nông dân trực tiếp làm nông nghiệp, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cho nông dân và các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân khác…

Tuy nhiên, sau ngày khai trương không lâu, khi phóng viên Tiền Phong có mặt tại đây, cả trụ sở khá im lìm. Trò chuyện với phóng viên trong căn phòng vẫn còn thơm mùi sơn, mùi bàn ghế mới, ông Trần Văn Nguyên, Giám đốc cho biết, hiện Trung tâm chưa hoạt động và đang phải chờ chỉ tiêu đào tạo từ trên xuống nên chưa tổ chức được hoạt động gì liên quan đến việc dạy nghề và hỗ trợ nông dân. “Nếu cuối năm các anh về rồi đi thực tế tại một số lớp học thì viết bài sẽ tốt hơn”, ông Nguyên nói.

Ảnh 1: Cổng chính của Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị kẹt, lâu ngày không mở được; Ảnh 2: Nhà khách Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn khu vực miền Trung - Tây Nguyên vắng vẻ, đìu hiu; Ảnh 3: Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ Nông dân - Nông thôn Bắc miền Trung tại Huế; Ảnh 4:  Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Nhóm PV.

Hỏi về các hoạt động trước đây, ông Nguyên nói không nắm được gì và hướng dẫn phóng viên về Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tìm hiểu. Tìm đến Hội Nông dân tỉnh, với lý do lãnh đạo Hội đi vắng, Chánh Văn phòng Hội yêu cầu nói lại nội dung cần làm việc rồi sẽ đặt lịch gặp sau. Trò chuyện với phóng viên, một cán bộ thuộc Hội cho biết, anh Nguyên (Giám đốc TT DN&HTND – PV) là người nắm rõ nhất hoạt động của Trung tâm, chứ lãnh đạo Hội “mới lên”, khó trả lời chi tiết.

Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang được đưa vào hoạt động cách đây hơn 3 năm với một cơ ngơi khá hoành tráng. Trên diện tích hơn 3 nghìn mét vuông, nơi đây được bố trí 2 dãy nhà cao tầng, 1 nhà cấp 4 cùng khu vườn thực nghiệm. Khảo sát một vòng quanh trung tâm, dường như chỉ có một dãy nhà đầu tiên được sử dụng làm nơi làm việc cho cả Trung tâm và… Hội Nông dân tỉnh. Khu nhà được dùng làm hội trường trống trơn, không có bàn ghế, nhiều cánh cửa kính đã vỡ.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Đức Thái Bình, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, năm 2014, cả Trung tâm chỉ tổ chức được 1 lớp dạy nghề cho nông dân vì thay đổi cơ chế. “Trung bình các năm chúng tôi tổ chức hơn 20 lớp nhưng năm 2014, không phân bổ chỉ tiêu dạy nghề theo Sở LĐ,TB&XH nữa mà theo Bộ và Sở NN&PTNT. Điểm khác là không theo mạng lưới dạy nghề cũ, sở phân bổ xuống phòng Nông nghiệp các huyện chứ không thuê trung tâm dạy nghề của tỉnh, dẫn đến việc chúng tôi chỉ có một lớp dạy nghề trong cả năm”, ông Bình nói. Theo lãnh đạo Trung tâm thì đến thời điểm này, dù dự kiến mở 15 lớp, nhưng vẫn chưa triển khai gì vì còn đang bận quyết toán và chờ tổng kết giai đoạn.

Tại Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh, phần lớn các phòng hiện để dành cho Hội Nông dân tỉnh làm việc. Ông Đào Trọng Đại, Giám đốc Trung tâm cho biết, nông dân không mặn mà với các lớp đào tạo tập trung. Tại đây, còn có một phòng máy vi tính trước đây được dùng để đào tạo nghề vi tính văn phòng cho người dân song hầu như không sử dụng bao giờ. Hàng chục bộ máy tính đã xuống cấp mà không có phương án xử lý kịp thời. “Nông dân đi học vi tính, nếu có, cũng chỉ là những người đã lớn tuổi, nên mặc dù có phòng học nhưng hầu như không hoạt động gì”, ông Đại nói.

Năm 2015, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang chỉ tổ chức được 1 lớp học tại trụ sở.  Ảnh: Trường Phong.

Xây trung tâm tiền tỷ nhưng dạy ở cơ sở hiệu quả hơn

Theo tìm hiểu, mặc dù đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng hoành tráng như vậy nhưng ngược đời là phần lớn các lớp đào tạo nghề cho nông dân vẫn phải đi thuê phòng học tại cơ sở. Ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, phần lớn các lớp tập huấn được đưa về cơ sở, dạy trực tiếp cho nông dân, còn lại rất ít khi sử dụng cơ sở hạ tầng tại đây vì nông dân cần được học theo cách “cầm tay chỉ việc” mới hiệu quả. “Cách học phổ biến nhất với người nông dân vẫn là cầm tay chỉ việc. Mình phải đến tận nơi để hướng dẫn người ta, ra đồng cùng với người ta thì mới tháo gỡ được những vướng mắc trong quá trình học nghề”, vị lãnh đạo này nói.

Ông Bùi Đức Thái Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang thừa nhận: “Nói chung là ở dưới cơ sở thì hiệu quả hơn”. Ông Bình tiết lộ, năm 2015, chỉ có một lớp đào tạo nghề được dạy ở Trung tâm, còn lại đều phải dạy ở cơ sở. Lý do, theo ông Bình, nhu cầu của hội viên nông dân dưới cơ sở chỉ đi học sơ cấp nghề mà bắt tập trung về Trung tâm thì rất khó vì còn liên quan đến ăn, ngủ, nghỉ. Thời gian lại kéo dài, mỗi lớp trung bình từ 1 – 3 tháng. Dĩ nhiên, học dưới cơ sở thì phải thuê hội trường, tiền điện, nước, chi phí…

Theo báo cáo của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, trong năm 2015 có thêm 7 dự án đầu tư Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân ở các tỉnh được khởi công. Đến nay đã có 11 Trung tâm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong thời gian tới, T.Ư Hội Nông dân tiếp tục đầu tư thêm một số cơ sở nữa tại các tỉnh. Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, tại Yên Bái đang hoàn thiện đề án, xin đất để xây dựng trụ sở Trung tâm. Tại Hà Nội, Hội Nông dân thành phố cũng đã trình đề án xây dựng trên diện tích khoảng 2 ha. Theo một lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh này được đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng trụ sở Trung tâm và đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, chuẩn bị đưa vào sử dụng cùng với nhiều trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy. “Tuy nhiên, làm gì với cơ ngơi này là cả một vấn đề đang khiến chúng tôi rất lo lắng. Chẳng biết có ai đến tận đó để học hay không. Nếu không khéo, nguy cơ chết yểu như nhiều trung tâm khác là rất có khả năng xảy ra”, vị này nói.