Nước máy ở TPHCM: Nơi có không dùng, nơi muốn dùng không có

TP - TPHCM vẫn còn hàng chục nghìn hộ dân đang sử dụng nước giếng khoan, thậm chí nước sông đục ngầu không đảm bảo an toàn và đang đỏ mắt chờ nguồn nước máy từng ngày, trong khi nhiều khu vực đã được cấp nước máy nhưng người dân không dùng hoặc chỉ dùng lấy lệ?
Người dân huyện Củ Chi mua nước sạch tại điểm lấy nước tập trung.

Dân chê nước máy

Tính đến giữa tháng 8, Cty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn đã lắp đặt trên 500 bồn nước tập trung để cung cấp nước sạch cho trên 23.000 hộ dân các xã Thái Mỹ, Phước Thạnh, Phước Hiệp, Bình Mỹ, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, Phú Mỹ Hưng, An Phú, Phạm Văn Cội, Nhuận Đức, An Nhơn Tây (huyện Củ Chi). Tuy nhiên, nhiều người dân không mặn mà với nguồn nước máy. Ông Đoàn Văn Xuân (ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây) cho biết, người dân lâu nay quen dùng nước giếng khoan, nước lấy từ bồn chứa không trong và nặng mùi nên bà con không muốn dùng.

Tại xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), Cty cấp nước cũng lắp đặt nhiều bồn nước tập trung để cung cấp nước sạch cho hàng trăm hộ dân tại các khu vực chưa có đường ống nhưng theo đại diện UBND xã, người dân sử dụng không nhiều.

Ngày 18/8, báo cáo với đoàn giám sát, Ban Đô thị HĐND TPHCM, UBND huyện Củ Chi cho biết, toàn huyện còn trên 52 nghìn hộ dân chưa được cấp nước sạch. Theo ông Trương Khắc Hoành, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn, Cty đã cho lắp đồng hồ tổng và các bồn nước dọc các tuyến đường lớn để người dân đến lấy nước nhưng hiệu quả sử dụng không cao.

Đơn cử như Cty đã lắp đường ống cho 20 hộ dân ở ấp Tây, xã Tân An Hội cung cấp nước sạch miễn phí nhưng mỗi ngày lượng nước tiêu thụ chỉ đạt từ 2-3m3. Còn các hộ dân trên đường Cây Trôm - Mỹ Khánh, ấp Trại Đèn (xã Phước Hiệp, Củ Chi) đường ống cấp nước đã gắn vào tận nhà nhưng hàng tháng, người dân sử dụng miễn phí 5 m3 nước đầu tiên thì không dùng nữa. Một số hộ sử dụng nước máy để nấu ăn còn mọi nhu cầu sinh hoạt như tắm, giặt đều sử dụng nước giếng khoan.

Câu “trộm” nước sạch

Đang trong mùa mưa nhưng hàng chục nghìn hộ dân ở các quận huyện ngoại thành TPHCM hàng ngày sử dụng nguồn nước ô nhiễm và phải đi mua, thậm chí câu “trộm” nước sạch.

Trạm cấp nước Tây Bắc có 3 mẫu không đạt, trạm cấp nước Bình Mỹ có 5 mẫu không đạt theo tiêu chuẩn nước sạch ăn uống. Trong số 9 trạm cấp nước có thể tích dưới 1.000m3 thì cũng có nhiều trạm không đạt tiêu chuẩn nước sạch sinh hoạt. Ngay chất lượng nước lấy từ các bồn nước cũng có vấn đề với 5/10 mẫu kiểm tra không đạt tiêu chuẩn. 

Mới đây, có mặt tại ấp 1B, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), Tiền Phong ghi nhận cảnh hàng trăm người dân lỉnh kỉnh can nhựa, thùng phuy chất đầy trên xe máy chạy ra cây cầu Kênh 3 để lấy nước sạch. Người dân đục đường ống nước của thành phố chạy qua cây cầu để đấu vòi lấy nước. Cứ đến buổi trưa hay tầm 4 - 5 giờ chiều là người dân kéo nhau ra đứng xếp hàng dài đợi “trộm”. Nhiều gia đình không có bể chứa nên ra ngay đường ống nước để tắm rửa, giặt đồ. Dù công ty cấp nước đã nhiều lần cho người đến bít lại nhưng người dân tiếp tục mở van lấy nước.

Theo một số hộ dân, dù nhiều năm nay nằm cạnh đường ống nước sạch của thành phố nhưng người dân phải sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn và chì nên bất đắc dĩ mới phải lén tháo van đường ống nước để lắp vòi “trộm” nước sạch về dùng.

Chỉ chiếc thùy phuy đựng nước bị gỉ sét do phèn bám vàng ố, anh Nguyễn Văn Bảo (ngụ xã Vĩnh Lộc A) cho biết: “Nước bơm từ giếng khoan lên cho vào mấy cái chậu bằng nhôm sử dụng một thời gian thì chậu cũng bị mục luôn. Nước lọc qua bể cát, sỏi chỉ bớt màu vàng, còn mùi hôi vẫn còn, tắm rửa rất ngứa ngáy khó chịu”.

Nước sạch không đạt chuẩn

Báo cáo với đoàn giám sát HĐND TPHCM, ông Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, các mẫu nước lấy từ các trạm cấp nước ở huyện Củ Chi không đạt tiêu chuẩn.

Ngày 23/8, báo cáo với đoàn giám sát HĐND TPHCM, UBND quận 12 cũng phản ánh tình trạng nước sạch không đảm bảo chất lượng. Toàn quận hiện có trên 127 nghìn hộ dân (đạt 97,21%) được sử dụng nước máy, chỉ còn 3.649 hộ dân thuộc các phường Tân Chánh Hiệp, Tân Thới Hiệp, Thới An chưa được cấp nước sạch.

Ông Trần Quang Minh, giám đốc Cty Cổ phần Cấp nước Trung An đã nhận trách nhiệm về chất lượng nước không đảm bảo. Giải trình với HĐND TPHCM, ông Minh cho biết, có một số khu vực chất lượng nước không đảm bảo vì người dân không sử dụng lâu ngày, tồn đọng lắng cặn sau khi sử dụng trở lại thì nước có màu vàng, đục, nếu xúc xả sẽ trong lại. Ngoài ra, việc thi công các đường ống cũng ảnh hưởng chất lượng nước máy của người dân.

Trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong  yêu cầu cơ quan chức năng và địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng nước sạch, thường xuyên kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt hằng ngày của người dân và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu chất lượng nước sinh hoạt không đạt yêu cầu.