Bài thơ ra đời đã tròn 50 năm. Thế nhưng hôm nay, giữa thời bình, với những người vợ, người mẹ của các kiểm ngư viên, cảnh sát biển, nước mắt không rơi lúc xa nhau đã đành, mà cũng không thể dành cho ngày gặp mặt.
Những ngày qua, tôi và các đồng nghiệp chứng kiến bao cuộc gặp mặt và chia ly như vậy nơi bán đảo Sơn Trà cháy nắng miền Trung. Những kiểm ngư viên, cảnh sát biển gương mặt hốc hác, sạm đen lần đầu tiên được trở về thăm nhà kể từ ngày Trung Quốc kéo giàn khoan phi pháp vào vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế củaViệt Nam cách đây hơn một tháng. Được về thăm nhà, cũng bởi những con tàu của các anh đã bị các đội tàu hùng hậu và hung hãn của Trung Quốc tấn công, đâm húc theo kiểu hủy diệt đến tả tơi thương tích buộc phải về bờ băng bó, sửa chữa.
Công việc sửa tàu vô cùng khẩn trương, chỉ được ít giờ, hoặc chưa trọn 24 tiếng đồng hồ bên vợ con, các anh lại theo tàu tiếp tục cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, mà nơi đó giữa Hoàng Sa, nhiều người trong số họ đã phải đổ cả máu. Và không riêng thời điểm “nóng” này, mà nhiều tháng năm qua, những người chồng, người cha ấy vẫn biền biệt vắng nhà để làm nhiệm vụ giữa lênh đênh sóng dữ.
Tôi đã trò chuyện với người vợ trẻ đang bị ung thư của một kiểm ngư viên, mà nếu không gặng hỏi, chị cũng sẽ không lộ ra với ai về điều đó.
Vẫn nụ cười tươi tắn, trẻ trung trong những giờ phút anh vừa được ghé thăm nhà sau cả tháng trời liên tục đối mặt với các “quái vật” che chắn Hải Dương 981. Tôi đã gặp vợ những kiểm ngư viên đã hai lần phải vượt cạn một mình.
Có người vợ trẻ chừng mươi ngày nữa sinh con đầu lòng, và chắc chắn trong tình thế này, anh cũng sẽ không kịp về. Tôi đã nghe những người mẹ già kể chuyện Hoàng Sa qua từng tin tức ít ỏi của những đứa con báo về, qua đài báo mà các mẹ đang từng giờ chăm chú theo dõi. Từng nỗi niềm cứ thế đầy vơi theo sóng dữ khơi xa. Từng tiếng thở dài nén xuống, để những giọt nước mắt không rơi…
“Đất nước/Của những câu chuyện đều làm ta rưng rưng nước mắt/Đã trở thành những bài ca không bao giờ tắt/Trên mỗi con đường, mỗi thôn xóm ta qua/Từ non ngàn cho tới biển xa” (Nam Hà).
Cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt để bảo vệ, giữ gìn từng mỏm đảo, con sóng thiêng liêng của Tổ quốc vẫn đang và sẽ còn tiếp diễn. Mới thấm hết sự hy sinh đến nhường nào của những người mẹ, người vợ nơi hậu phương ngay giữa thời bình. Và đặc biệt là những người đàn ông nơi tuyến đầu gian khổ, hiểm nguy. Nén tất cả lại, các anh như những thỏi sắt kiên cường bình tĩnh, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió…
Những ai đang được yên bình, no ấm trên xứ sở này không có quyền, và không được quyền nhắm mắt quên đi điều đó!