Sinh năm 1984 tại Hà Nội, Hòa cho biết con đường học tập của mình cứ bình thường tiến, không có gì trắc trở hay vấp váp. Học chuyên lý trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, lên ĐH, Hòa học khoa Vật lý trường ĐH Khoa học Tự nhiên như một lẽ đương nhiên. Nhưng đi theo Vật lý đến cùng thì không phải ai cũng dám. Theo Hòa, lớp ĐH giờ chỉ một số ít các bạn đi vào con đường nghiên cứu. Có hai lý do để Hòa theo đuổi ngành khoa học cơ bản này đó là chị gái Hòa cũng học vật lý và làm tiến sĩ tại Mỹ. Thứ hai là nhờ GS. Bạch Thành Công, khoa Vật lý của trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Chính thầy Bạch Thành Công đã truyền cho Hòa tình yêu đối với môn khoa học này. “Từ năm thứ 3, trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. May mắn cho mình là được thầy Bạch Thành Công hướng dẫn. Cũng phải kể đến câu nói của một giáo sư nước ngoài khi kiểm tra vấn đáp đã hỏi một câu mà mình không trả lời được. Lời nhắc của giáo sư: mỗi lĩnh vực nghiên cứu trong vật lý đều có một vùng năng lượng đã thôi thúc mình tìm hiểu, khám phá và tự đặt ra giới hạn cho mình” - Hòa chia sẻ.
Trước câu hỏi có cảm thấy buồn khi luôn là “thiểu số” trong môi trường của mình, Hòa cười cho rằng từ ngày học chuyên lý đã luôn ở trong nhóm tỷ lệ vàng, nên giờ đi làm thấy không có gì lạ, sống lâu trong môi trường đó nên thành quen.
Tốt nghiệp ĐH Khoa học Tự nhiên, Hòa xin học bổng học thạc sĩ, tiến sĩ tại ĐH Osaka Nhật Bản. Lấy bằng tiến sĩ, Hòa xin về làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu Jülich, CHLB Đức. Có một điều thú vị là ông xã của Hòa cũng từng học cùng lớp vật lý tại ĐH, nhưng sau ĐH mỗi người rẽ một hướng. Hòa sang Nhật còn ông xã sang Mỹ. Rồi sau đó, hai người đều về Đức làm sau tiến sĩ. Tại đây, hai người đã nên duyên.
Tín hiệu vui từ quê nhà
Tuy nhiên, sau gần 5 năm làm việc tại Đức, đầu năm 2017, Hòa và ông xã đã chọn lại bến đỗ, quay trở về Việt Nam làm việc tại Viện AIST. Chia sẻ lý do lựa chọn, Hòa không nói nhiều, chỉ cho biết qua tìm hiểu, thấy Việt Nam cũng đã bắt đầu chú trọng nghiên cứu khoa học. Trong đó có quỹ Nafosted cũng như sự hỗ trợ của các trường. “Nếu nói ở Việt Nam hiện nay làm nghiên cứu khoa học có của ăn của để thì chắc là chưa thể. Nhưng nếu nói đủ sống thì có thể đã bắt đầu. Như thế là cũng đủ đối với vợ chồng mình” - Hòa chia sẻ. Cũng theo Hòa, nếu so với Nhật hay Đức, thì nghiên cứu khoa học của Việt Nam chưa thể so sánh được, từ cơ sở vật chất đến kinh phí hỗ trợ. Nhưng với những chính sách hiện nay, Hòa tin rằng thời gian tới, các nhà nghiên cứu khoa học có thể làm tốt được công việc của mình.
Hòa và ông xã đều về đầu quân tại Viện AIST. Chính vì cùng làm nghiên cứu trong một lĩnh vực nên hai người rất hiểu nhau và có thể tương trợ trong công việc nghiên cứu cũng như trong việc gia đình. Với 7 công trình được đăng trên tạp chí ISI và đều là tác giả đứng thứ nhất, Hòa cho biết tâm đắc nhất là công trình vừa mới được đăng (tên bài báo là “Time evolution of the Kondo resonance in response to a quench” - Sự tiến triển theo thời gian của đỉnh cộng hưởng Kondo khi hệ bị thay đổi đột ngột” - đăng trên tạp chí Physical Review Letters, ngày 13/10/2017), vì nó mở ra được nhiều hướng nghiên cứu.
Về TS. Nghiêm Thị Minh Hòa, PGS. TS. Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện AIST cho biết, nữ tiến sĩ được đào tạo một cách bài bản tại những cơ sở nghiên cứu rất tốt trong và ngoài nước, và đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu trong môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp tại Trung tâm nghiên cứu Jülich, Cộng hòa Liên bang Đức (Peter Grünberg Institut and Institute). Chính vì vậy khi TS. Hòa về nước, Viện đã có một số trao đổi thông tin về công việc và các hướng nghiên cứu, và thấy rằng chuyên môn của TS. Hòa là phù hợp và có thể phát triển tốt trong môi trường công tác tại Viện.
“Làm việc trong nước tuy điều kiện vẫn còn khó khăn nhưng mọi người xung quanh có thể dễ dàng nhận thấy một thái độ làm việc hết sức nghiêm túc của chị. Điều mà tôi ấn tượng nhất, đó chính là tình yêu của chị đối với công việc nghiên cứu - và theo tôi, cách làm việc chuyên nghiệp và niềm đam mê nghiên cứu, chính là hai nhân tố quan trọng dẫn đến thành công ngày hôm nay của TS. Hòa” - PGS. Phạm Thành Huy chia sẻ.
Bên cạnh đó, PGS. Phạm Thành Huy cho biết cùng thời điểm TS. Hòa nộp hồ sơ, Viện nhận được hai hồ sơ khác của hai tiến sĩ trẻ cùng xin về làm. Cả ba người đều có hơn 9 năm học tập và nghiên cứu ở nước ngoài (Đức-Mỹ, Singapore), cả ba đều có lý lịch khoa học rất tốt và có chuyên môn phù hợp với các hướng nghiên cứu của Viện. Sau khi trao đổi với nhau rất cặn kẽ về bức tranh tương lai nếu về công tác tại AIST, những thuận lợi, và cả những khó khăn và có lẽ là khó khăn nhiều hơn thuận lợi nếu so với môi trường nghiên cứu trước đó của các bạn, TS. Hòa và một tiến sĩ trẻ khác (TS. Đặng Thế Hùng) đã lựa chọn làm việc tại AIST.
Cũng theo PGS. Phạm Thành Huy, những năm gần đây, chính sách của Nhà nước, của Bộ Khoa học và Công nghệ có rất nhiều đổi mới tích cực nhằm thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho các tiến sĩ trẻ, nhất là các TS trẻ tốt nghiệp ở nước ngoài trở về nước công tác.
Công trình nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Vật lý thế giới của TS Nghiêm Thị Minh Hòa được đặt ra trong bối cảnh hệ bất cân bằng là một trong những hướng nghiên cứu chính trên thế giới trong khoảng 10 năm trở lại đây. TS Minh Hòa cho biết, năm 2014 bắt đầu phát triển phương pháp tính toán bước đầu và xuất bản hai bài báo trên tạp chí Physical Review B. Bài báo được gửi tới tạp chí Physical Review Letters từ tháng 1/2017 và được phản biện kín bởi hai chuyên gia hàng đầu trong cùng lĩnh vực. Đến tháng 7/2017, bài báo với những sửa chữa và các kết quả tính toán mới được gửi lại cho Ban biên tập. Đến đầu tháng 9/2017, từ Ban biên tập chấp nhận đăng bài với sự đồng thuận của cả hai phản biện.