Không Tài chính, Kinh tế mà chọn Nhân học
Mấy ngày nay, giới học trò đang dành sự ngưỡng mộ cho cô nữ sinh học lớp 12 Anh 1 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam với học bổng toàn phần 78.000 USD/năm của trường Đại học Harvard danh giá, tổng giá trị học bổng lên đến hơn 7 tỷ đồng. Hỏi về sự kiện này, Tôn Nữ cười hồn nhiên: “Em được trường trao học bổng không phải vì em giỏi hơn các bạn khác. Mà trường trao học bổng là để em đủ kinh phí tham gia học tập. Còn điểm số của em cũng rất bình thường”.
Nhưng có lẽ, điều lạ nhất của cô nữ sinh này đó là trong khi các bạn cùng trang lứa chọn du học các ngành thời thượng như Tài chính, Kinh tế... thì Tôn Nữ chọn ngành Nhân học của ĐH Harvard. “Em thích tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng của người phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng, để từ đó thấy được một sợi dây xuyên suốt trong đời sống văn hóa của mỗi con người trên thế giới” - Tôn Nữ chia sẻ lý do chọn ngành Nhân học.
Cũng chính vì vậy mà bài luận gửi Harvard, Nguyễn Đình Tôn Nữ viết về chính cái tên của mình. “Em viết với một văn phong không cầu kỳ, cố gắng đơn giản nhất có thể. Nó chỉ là những mảnh ghép về các cuộc nói chuyện của em với bố về lý do bố đặt tên cho em, là ý nghĩa từ Hán Việt từng chữ trong cái tên... Từ những mảnh ghép nhỏ đó, em muốn gửi thông điệp qua bài luận là đời sống văn hóa của mỗi người Việt Nam nói riêng hay người phương Đông nói chung được thể hiện từ những điều nhỏ nhất, có thể bắt đầu chỉ là những cái tên” - Tôn Nữ cho hay.
Tôn Nữ cho biết, ngoài Harvard, em còn trúng tuyển vào ĐH Williams, ĐH Swarthmore. Cả 3 trường ĐH này đều thuộc các trường ĐH top cao của Mỹ. Tuy nhiên, Tôn Nữ chọn Harvard vì nó là một ngôi trường lớn nhất và cũng là trường trao cho em học bổng giá trị nhất, bớt được gánh nặng chi phí cho bố mẹ.
Theo Tôn Nữ, Harvard chọn em không chỉ từ bài luận mà còn từ cuộc phỏng vấn thứ hai của trường. Cuộc phỏng vấn chỉ xoay quanh nội dung vì sao em thích học và tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến văn hóa, đến tín ngưỡng của người Việt.
“Em thích vì nó quá then chốt trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Từ trước đến giờ, mỗi lần dịch cho bố, cho mẹ, cho anh, em nhận thấy dịch là công việc rất khó. Vì không chỉ dịch ngôn ngữ mà còn dịch cả văn hóa. Nếu không có sự hiểu biết về văn hóa thì không thể nào dịch được ngôn ngữ đó. Tuy nhiên, hiểu biết của em về văn hóa còn hạn chế. Điều em muốn là hiểu về văn hóa của Việt Nam” - Tôn Nữ bày tỏ nguyện vọng.
Mẹ và cái đẹp
Quay ngược trở lại quá trình suốt 18 năm qua, Tôn Nữ cho biết, khi bắt đầu làm hồ sơ vào các trường ĐH của Mỹ, em mới chợt nghĩ tại sao mình lại thích hoa, tại sao mình lại thích những màu sắc, tại sao mình lại thích nghệ thuật. Em nhận ra, tất cả những cái đó là từ mẹ. Mẹ rất yêu cái đẹp.
“Mẹ em rất thích hoa. Em còn nhớ, những ngày gia đình còn ở quê (huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ) nghèo khó, ngày Tết, mẹ vẫn một mình đạp xe lên Hà Nội để mua hoa về chơi. Cả làng chỉ có mình mẹ làm việc này. Nhà em lúc nào cũng có hoa. Em được điểm cao thì cả nhà đầy hoa. Qua mẹ, em hiểu được giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn là hết sức quan trọng và trong bất kỳ hoàn cảnh nào nó cũng được đề cao.
Cả nhà không bao giờ ngồi bàn bạc nói về điều này nhưng qua hành động của mẹ hàng ngày, qua bất kỳ việc gì, trời có nắng đẹp một chút, mẹ cũng mua hoa về cắm trong nhà, em đều hiểu giá trị của nó” - Tôn Nữ cho hay. Chia sẻ thêm về mẹ, Nguyễn Đình Tôn Nữ cho rằng mẹ là người mạnh mẽ và trực tính. Hai mẹ con đều có điểm này tương đồng.
Nguyễn Đình Tôn Nữ cũng cho biết, bố mẹ luôn tôn trọng mọi sự lựa chọn của em. “Bố mẹ chỉ định hướng muốn làm gì cũng cần phải học tập cho tốt. Đã học là phải học đến nơi đến chốn, nghiêm túc.
Nhưng bố mẹ cũng chưa bao giờ bắt em phải học thế này, học thế kia, phải đi du học. Bố mẹ cho em tự quyết định và ủng hộ mọi quyết định của em. Phải chăng đó cũng là điều mà em hạnh phúc hơn so với các bạn khác” - Tôn Nữ cho hay. Ngay trong việc tặng quà cho con nhân dịp gì đó, Tôn Nữ cho hay bố chỉ thưởng sách chứ không thưởng gì khác.
Những hành động, những sinh hoạt nhỏ nhặt cuộc sống hàng ngày đã ngấm và hun đúc nên những gì Tôn Nữ đang có hôm nay.
Chỉ học khi nào thích
Để nộp hồ sơ vào các trường ĐH Mỹ, Tôn Nữ đã tham gia kỳ thi SAT. Qua hai lần thi, điểm trung bình của em là 1560/1600 điểm, TOEFL (118/120), 3 môn SAT Subject Test (Hoá: 800, Toán 2: 740, Văn: 690) và viết một số bài luận. “Nhưng em thấy lạ, nhiều người hỏi là em vật vã thế nào để có thể qua được kỳ thi SAT. Thực ra, học phải vui, học mà vật vã thì sẽ không bao giờ có kết quả như mong muốn” - Tôn Nữ khẳng định.
Tôn Nữ cũng cho hay, từ trước đến nay em học khi nào thích. Ngay cả tiếng Anh, lớp 3 em mới bắt đầu học. Nhưng vì thích tìm hiểu về tôn giáo, về văn hóa mà phải có tiếng Anh thì mới có thể hiểu được nên em học.
Và em coi tiếng Anh chỉ là công cụ để đạt được mục tiêu của mình. Hay như khi tham gia kỳ thi SAT Subject, Tôn Nữ cho hay, môn Hóa là môn em yếu nhất nhưng em vẫn chọn thi để thử sức mình. Suốt một tháng trước kỳ thi, em tập trung ôn Hóa và kết quả đạt 800/800 điểm.
Tôn Nữ cho rằng, chỉ học khi mình thích thì kiến thức sẽ dễ dàng ngấm và đi vào đầu một cách tự nhiên. Em khẳng định lần nữa học để vui, không vật lộn. Không những thế, trong suốt thời gian học vừa qua, Tôn Nữ không học thêm, tất cả đều tự học. Ngoài ra, em tự tìm tài liệu, tìm sách để học.
“Hồ sơ của em không phải là hoàn hảo, và chắc hẳn hội đồng tuyển sinh cũng nhận ra điều này. Tuy nhiên, họ quyết định cho em không chỉ một, mà hai cơ hội, để thể hiện bản thân qua phỏng vấn. Lần đầu phỏng vấn với Henry Nguyễn, một doanh nhân tốt nghiệp từ Harvard và hiện đang làm tại IDG Ventures Việt Nam, lần thứ hai phỏng vấn với cô Gabi Goode, đại diện tuyển sinh của vùng.
Em nghĩ rằng chính hai lần phỏng vấn này đã giúp bản thân thể hiện được nhiều thứ mà trên giấy, qua điểm số không thể thấy được, và chính điều này đã giúp hội đồng tuyển sinh đi đến quyết định nhận em” - Tôn Nữ nói.
“Em thích tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng của người phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng, để từ đó thấy được một sợi dây xuyên suốt trong đời sống văn hóa của mỗi con người trên thế giới”.
Nguyễn Đình Tôn Nữ
Thành tích học tập: Giải Nhất học sinh giỏi tiếng Anh thành phố Hà Nội 2016; Giải Nhất quốc gia học sinh giỏi tiếng Anh 2017.
Các hoạt động cộng đồng, dự án đã tham gia: Ban chấp hành đoàn trường năm học 2016 – 2017. Trưởng ban truyền thông ngày hội anh tài trường Ams, chủ tịch CLB Ams Media, Chủ tịch CLB Debate...